09:10 09/03/2022 Việc quan tâm chăm lo cho con người, vì con người được thể hiện sinh động trong suốt quá trình phát triển đi lên của cách mạng Việt Nam và luôn là mục tiêu hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới...
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong số đó, một vấn đề cốt lõi, xuyên suốt qua các bài viết của Tổng Bí thư là xây dựng “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người.”
Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 được in trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.” “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”
Chăm lo cho con người, vì con người
Trong suốt quá trình lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo cho con người. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là diệt giặc đói và diệt giặc dốt.
Đảng và Nhà nước ta đã tập trung nỗ lực xây dựng xã hội mới, gắn phát triển kinh tế với từng bước phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới...”
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, tập trung giải quyết thật tốt các vấn đề xã hội, nhất là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Mục tiêu chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta là nhằm xây dựng, phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh vấn đề xã hội là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quan điểm cốt lõi của Đảng về chính sách xã hội là vì con người, lấy con người là trung tâm. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách, ở quy mô quốc gia, địa phương và cơ sở. Thực hiện chính sách phát triển bao trùm để mọi người dân đều được hưởng trực tiếp và công bằng các thành tựu của phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 1.168 USD năm 2010 và hơn 3.500 USD năm 2021. Riêng giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo lên tới 93.000 tỷ đồng.
Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở mức cao: 58,1%, đến năm 2015 giảm còn 9,88% và năm 2020 còn 2,75%. Sau hơn 30 năm nỗ lực trong công tác giảm nghèo, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.
Ông Terence D.Jones thuộc Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjabana cũng đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là kết quả nổi bật về giảm nghèo.
Bên cạnh đó, người dân được tạo điều kiện về mọi mặt để có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn. Thế hệ trẻ được quan tâm về giáo dục, được hỗ trợ vốn vào các dự án khởi nghiệp. Các đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…) luôn có những chính sách đặc thù để có điều kiện phát triển bình đẳng.
Những kết quả đó thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, không ngừng nỗ lực để người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Liên hợp quốc đã ghi nhận người Việt Nam ngày càng hạnh phúc hơn, dựa trên đánh giá tổng hợp GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Cụ thể, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021, do Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 83 lên 79.
Vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển
Cũng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư nêu rõ: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.”
Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân; không hy sinh những mục tiêu về an sinh xã hội, không hy sinh những mục tiêu về môi trường, biến đổi khí hậu để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người; cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Tuyên ngôn nhân quyền và các Công ước quốc tế đó.
Việc thực hiện các nghĩa vụ này cũng nhằm thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, những chính sách này thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
Việt Nam đã thực hiện việc ứng phó với COVID-19 và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở bảo đảm và tôn trọng quyền con người.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,” Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hướng tới người dân, bảo vệ quyền con người, luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu.
Nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” vừa chống dịch vừa đưa hoạt động kinh tế-xã hội và cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, tạo điều kiện cho người dân được làm việc, được học hành, phát triển.
Việc Chính phủ ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP đã đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vaccine nhất định.
Góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, đảm bảo đời sống cho người lao động, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, thể hiện tính nhân văn, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam (Thanh Hóa) cho biết Nghị quyết 68/NQ-CP là chính sách có ý nghĩa thiết thực, được ban hành đúng lúc doanh nghiệp khó khăn nhất, đã giúp cho Công ty có phương án phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Anh Nguyễn Phi Hùng, hộ kinh doanh nhỏ tại Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ có hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp và cơ sở kinh doanh là điểm rất đáng mừng, để phần nào giảm bớt khó khăn, vượt qua đại dịch.
Bà Phạm Thị Lánh, ở ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, hàng ngày nhờ vào gánh khoai lang bán rong để trang trải cho cuộc sống gia đình, khi nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ theo Quyết định 68/NQ-CP của Chính phủ, bà rất vui mừng.
Đánh giá về các gói hỗ trợ, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: “Qua gặp trực tiếp công nhân, lao động tự do, tôi thấy thực tế là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong 2 năm vừa qua được tóm gọn trong "3 từ hơn." Các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn trước.”
Trước đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm quyền con người qua việc triển khai quyết liệt mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân, với tinh thần "chống dịch như chống giặc," đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 là cách tiếp cận đúng đắn.
Một điểm nổi bật nữa là Việt Nam đã bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Là một trong những quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi các thảm họa thiên nhiên, nhưng trong những năm qua, công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Với quyết tâm không để người dân bị đói, bị rét; bằng mọi biện pháp phải bảo đảm cho người dân có nơi ăn chốn ở, các lực lượng vũ trang sẵn sàng xả thân để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân… hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có việc làm thích hợp, sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva Tatiana Valovaya nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thể hiện vai trò đi đầu và là hình mẫu trong chống biến đổi khí hậu.
Việc quan tâm chăm lo cho con người, vì con người đã được thể hiện sinh động trong suốt quá trình phát triển đi lên của cách mạng Việt Nam và luôn là mục tiêu hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới./.
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn