Bàn tay cần mẫn, đôi mắt như dán vào từng bình gốm mộc với những nét vẽ hoa văn điêu luyện. Nếu không tận mắt “mục sở thị”, ít ai ngờ rằng những “nghệ nhân” lành nghề này lại là những học viên đang trong giờ lao động tại xưởng gốm của Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, Thủy Nguyên).
| Học viên trung tâm thực hành nghề gốm |
Dạy nghề để dạy người
Nằm giữa khu lao động sản xuất, xưởng gốm của Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng khá khang trang. Xưởng rộng gần 400m2 với đủ các dụng cụ để sản xuất gốm. Dù đã gần quá trưa nhưng 20 học viên cần mẫn, mỗi người mỗi việc như: pha hồ, vẽ, sơn mài… Trên giá trưng bày, những thành phẩm gốm sứ được xếp gọn gàng, ngay ngắn.
Anh Nguyễn Trung Thành, cán bộ trung tâm, người dẫn tôi thăm quan xưởng gốm giải thích: Mỗi học viên vào trung tâm sẽ được điều trị theo một quy trình tuần tự là cắt cơn giải độc, giáo dục hành vi nhân cách, lao động trị liệu và dạy nghề. Thế nên, lao động sản xuất cũng là một phương pháp điều trị trong thời gian cai nghiện nhằm giúp học viên mau phục hồi thể lực, tập tính kiên nhẫn và có niềm tin trong cuộc sống. “Trong khi đó, nhiều học viên ở đây lại bộc lộ khả năng “khéo tay” sẵn có. Biết vậy lãnh đạo trung tâm quyết định mở thêm nghề gốm sứ, nghề chỉ dành cho sự khéo léo và tỉ mỉ” - anh Thành tâm sự.
Quyết tâm mở thêm ngành nghề mới, tạo việc làm cho các học viên, tháng 10-2010, 5 cán bộ phụ trách về giáo dục lao động của trung tâm được tạo điều kiện đi học cách sản xuất gốm tại làng truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Mỗi người phải thành thục một công đoạn trong quy trình sản xuất gốm sứ từ khâu: tráng men, vẽ, đổ rót, tiện hàn rồi cuối cùng là sơn nung. Hơn 20 học viên có độ “khéo tay” cũng được tuyển chọn vào làm việc tại xưởng gốm.
Gốm sứ là một nghề đòi hỏi sự khắt khe, sáng tạo. Trung tâm đã quyết định mời nghệ nhân làm gốm để “kèm” thêm. Ông Nguyễn Thế Chí, nghệ nhân người làng gốm Bát Tràng, người được trung tâm mời về trực tiếp hướng dẫn cho các học viên cho biết, nhiều học viên có khả năng vẽ rất tốt nhưng lại tự do vẽ không theo khuôn mẫu nào. Trong khi đó, hoa văn nghề gốm dù có những nét phá cách nhưng vẫn phải tuân theo những quy chuẩn nhất định. Ông Chí khẳng định: “Sau nửa tháng cả thầy và trò cùng nhau vừa học vừa làm thì tay nghề của 20 học viên tại xưởng đã trở nên khá đồng đều. Giờ đây, các học viên tại xưởng đã có thể đảm đương tất cả các công đoạn làm gốm một cách thuần thục”.
“Hạnh phúc từ chính đôi tay mình!”
Theo anh Nguyễn Hữu Tùng, phụ trách xưởng gốm cho biết, đến nay xưởng đã cho ra lò được trên chục mẻ gốm. Thành phẩm gốm thường được trưng bày tại “phiên chợ tình nghĩa” của trung tâm để bán cho người nhà của học viên hay biếu tặng khách tham quan. “Hiện, tạm thời Trung tâm chưa quá chú trọng đến vấn đề kinh tế mà chủ yếu là đề cao công tác giáo dục lao động, dạy nghề cho học viên. Thế nhưng, có ngày anh em học viên phần thì quá “say” việc, phần lại để cho kịp tiến độ cho mẻ gốm ra lò nên đã thức suốt đêm để làm” - anh Tùng kể lại.
Chứng kiến cảnh học viên cần mẫn lao động mới cảm nhận hết sự công phu của nghề gốm sứ. Đất sét trắng được lấy từ làng Bát Tràng về nghiền nhỏ mịn. Trước khi nặn gốm, học viên phải đào hố ủ đất qua một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất đã ủ trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Các học viên ở đây nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay. Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng trước khi đưa vào lò nung. Thời gian đốt lò khoảng 9 tiếng đồng hồ là gốm chín, đòi hỏi gốm phải giữ nguyên màu đất và nét vẽ của hoa văn được tôi luyện qua lửa. Có lẽ, người ta thường nói người làm gốm gửi tình cảm, tâm linh của mình vào trong từng thớ đất, từng đường nét hoa văn cũng đúng lắm. Thế nên, những học viên ở đây phải hội đủ cả ba phẩm chất: cần cù, chịu khó của một người thợ, đam mê, sáng tạo của một người làm nghệ thuật và tuân thủ nghiêm túc nội quy, kỷ luật của một trung tâm giáo dục lao động xã hội. Học viên Nguyễn Quang Tùng, quê ở An Dương tâm sự: Thật hạnh phúc khi thấy sản phẩm do chính tay mình làm ra. Thế mới biết những gì tay mình làm ra mới thật đáng quý, đáng được nâng niu trân trọng. “Khi mẻ gốm đầu tiên được nung xong và chuyển lên giá đỡ, một số anh em vui sướng đã bật khóc. Không vui sao được khi những sản phẩm gốm kia có một phần công sức từ bàn tay, khối óc và cả mồ hôi của mình” - anh Tùng nói.
Còn học viên Bùi Thế Thắng, quê ở Hồng Bàng kể lại, Thắng đã mắc nghiện hơn 11 năm nay. Song, anh ta có một đam mê đặc biệt, đó là vẽ. Nhưng tiếc thay, suốt quãng đời trai trẻ của mình, Thắng chỉ biết chơi bời rồi sa ngã, cũng chưa một lần có cơ hội được học vẽ. Không giấu được vui sướng, Thắng khẳng định: “Vào trung tâm hơn một năm nay, giờ em đã được học nghề gốm sứ lại được thỏa sức sáng tạo với nghề. Em sẽ cố gắng từ bỏ “cái chết trắng” để làm lại cuộc đời”.
Theo ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, hiện đơn vị đã tập trung đầu tư, tạo việc làm cho trên 90% học viên. Cùng với làm gốm, trung tâm còn mở rộng, triển khai thêm các ngành nghề mới như: sản xuất nguyên liệu phục vụ gia công tiền vàng xuất khẩu, mở lớp dạy nghề nhôm kính… “Mô hình hướng nghiệp dạy nghề mà trung tâm đang thực hiện được đánh giá cao không chỉ vì giá trị kinh tế mà quan trọng hơn, nhờ phương pháp cùng làm với các học viên, các cán bộ đã thay đổi nhận thức trong công tác quản lý giáo dục học viên, đồng thời lao động đã tạo ra thu nhập giúp học viên từ bỏ thói quen chây lười, sống thụ động, tạo kỹ năng lao động, tăng thêm năng lực chống tái nghiện và hòa nhập cộng đồng” - ông Toàn khẳng định.
Một cuộc đời với những chặng đường suôn sẻ, không có vấp váp gì là mong muốn của tất cả những ai được sinh ra trên cõi đời này. Nhưng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh và tỉnh táo để tránh xa sự cám dỗ và sa ngã. Điều đáng quý nhất là sau khi vấp ngã, người ta biết đứng dậy, biết vươn lên để sống và làm việc có ích cho đời. Chỉ có ý chí con người cùng với lao động, sáng tạo mới chiến thắng được bản thân, chiến thắng được ám ảnh đáng sợ của “cái chết trắng”.
ĐỖ HIẾU |