09:53 04/08/2018 “Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại càng gia tăng thì càng nảy sinh nhiều vấn đề không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và xã hội nói chung…”.
Thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng Hải Phòng phát hiện thu giữ
Sự vận động tất yếu
Trên đây là một đoạn trích trong một bài giới thiệu về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), được Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17-11-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Nhìn lại sau 7 năm triển khai thực hiện, có thể nói việc ban hành Luật bảo vệ NTD được xem như một động thái tất yếu, nhằm xây dựng các quy phạm, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của NTD bị xâm hại trong quá trình giao dịch thương mại.
Theo đó, người tiêu dùng được xác định là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, có quyết định mang tính toàn diện tới việc sản xuất, cung cấp dịch vụ hàng hóa. Bởi vậy, từ lâu trên thế giới đã hình thành các hoạt động liên quan đến lợi ích của NTD.
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 50 năm, trong một phiên họp liên quan đến quyền lợi NTD, Liên hợp quốc đã định nghĩa: “Đây là nhóm người đông đảo nhất thế giới, có tác động và chịu tác động của hầu hết các quyết định kinh tế, tuy nhiên họ cần được bảo vệ quyền lợi vì quan điểm của họ thường không được lắng nghe…”.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng ban hành hướng dẫn, phê chuẩn các quyền của NTD, trong đó nêu rõ: quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được bồi thường; quyền được giáo dục và có một môi trường lành mạnh, bền vững…
Hàng giả được cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy
Trên quan điểm đó, ngày 1-4-1960 một tổ chức mang tên NTD quốc tế chính thức được thành lập, lấy ngày 15-3 hàng năm là Ngày “quyền người tiêu dùng Thế giới”, tổ chức này hiện có trên 220 thành viên đến từ 115 quốc gia.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm các hoạt động vì quyền NTD được hưởng ứng nhân dịp ngày 15-3, ngày 17-11-2010, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó đến ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg, lấy ngày 15-3 hàng năm là ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh...
Là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang trỗi mình mạnh mẽ, gần đây Việt Nam có những bước đột phá trên tiến trình hội nhập, trở thành đối tác thương mại cả song phương và đa phương với các thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên những khái niệm và hành động xứng đáng dành cho quyền của NTD vẫn còn khá khiêm tốn.
Thực tế nhìn ngay tại Hải Phòng, những vấn đề liên quan vẫn bị xem nhẹ, có thể gặp phổ biến các sản phẩm bị làm giả, làm nhái, phi tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng. Mặc dù đó cũng là sự vận động tất yếu phụ thuộc vào nền văn minh của mỗi khu vực, nhưng hậu quả của nó là gây tổn hại cho NTD là không thể phủ nhận.
Cần một thị trường sạch
Thời gian gần đây, các mô hình trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều, đã tạo ra một sự thuận lợi đáng kể cho NTD thành phố. Mô hình này giúp NTD xác định rõ chất lượng, nguồn gốc, bảo đảm quyền tiêu dùng bằng các hoạt động bảo trì, bảo hành sau giao dịch. Mặt khác nó cũng chính là kênh tuyên truyền hiệu quả giúp NTD nâng cao trình độ, bằng những phương pháp so sánh đánh giá về hàng hóa.
Nhưng ở thị trường truyền thống, tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến quyền lợi NTD còn nhiều bất cập. Đây là khu vực với các giao dịch kiểu cũ, mua bán trên cơ sở thỏa thuận miệng, là cản trở lớn cho các hoạt động quản lý nhà nước, rất khó khăn trong việc bảo vệ quyền và các lợi ích thiết thực cho NTD. Vì các giao dịch không những thiếu căn cứ xác định nguồn gốc, xác định chất lượng mà thiếu luôn cả sự ràng buộc trách nhiệm về thời gian, địa điểm trao đổi.
Nên khi xảy ra các tranh chấp, không những vụ việc khó giải quyết, mà còn dễ gây ra bất ổn về an ninh trật tự. Mặt khác, điều quan trọng là do bản thân NTD cũng chưa nhận thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.
Vụ “Vinaca” gây chấn động dư luận cả nước
Mặt khác, mặc dù Nhà nước với các cơ quan chuyên trách đã có không ít giải pháp, kiểm tra, kiểm soát và giám sát thị trường, nhưng tình hình chưa thực sự được cải thiện. Thậm chí, đôi khi chính những tổ chức mang danh bảo vệ quyền lợi, đôi khi lại gián tiếp ủng hộ cho những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, khiến quyền của NTD bị tổn hại. Đơn cử như mới đây, vụ việc Cơ sở sản xuất gia công thực phẩm chức năng Vinaca tại địa chỉ ngõ Đại Tu, tổ Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, đã khiến dư luận xã hội bức xúc.
Sau một thời gian tiến hành xác minh, Bộ Y tế đã khẳng định sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 làm từ bột than tre của cơ sở này là sản phẩm giả thực phẩm chức năng và không được cơ quan nào cấp phép lưu hành. Đáng tiếc trước đó, Vinaca từng được cấp giấy chứng nhận đạt “Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017” do Viện Công nghệ chống làm giả (thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí hàng hóa và thương hiệu trao tặng?
Rất có thể, thị trường Hải Phòng cũng như cả nước vẫn tồn tại không ít những mô hình kiểu như Vinaca? Nên thiết nghĩ, Hải Phòng là thành phố lớn, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng đồng nghĩa là nơi xuất nguồn thị trường lớn, việc thực hiện bảo vệ quyền của NTD càng phải giữ vai trò tiên phong. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không phải đơn giản, bởi thị trường hàng hóa là một phạm trù hết sức phong phú, phức tạp, đòi hỏi phải nhiều cấp ngành cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia, mới có thể đạt được hiệu quả.
Được biết, về chức năng quản lý, hiện thành phố có nhiều đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, có thể kể ngành Công thương có Chi cục Quản lý thị trường, ngành Khoa học – Công nghệ có Chi cục Đo lường chất lượng, ngành Y tế có Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp có Chi cục Thú ý… Theo một số quan điểm, trách nhiệm trước hết phải đến từ các cơ quan chức năng liên quan, với mục tiêu làm sạch thị trường, lấy phòng ngừa là chủ đạo. Bởi nếu thị trường thực sự “sạch” thì xem như quyền lợi của NTD đã được bảo vệ cơ bản.
Lê Minh Thắng