Bánh chưng - Tinh hoa vị Tết cổ truyền

21:01 27/01/2024

Những ngày cuối năm, trong tiết trời lạnh ngọt, gian bếp của gia đình chị Đào Thị Sinh (thôn 4, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) luôn đỏ lửa, hương thơm từ những nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa ra bay khắp xóm làng. Các thành viên trong gia đình chị Sinh ai ai cũng bận rộn, tất bật với công việc rọc lá, vo gạo, ngâm đỗ xanh, gói bánh…, góp thêm hương vị trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Các công đoạn gói bánh chưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm nghề

Trò chuyện với chúng tôi, chị Sinh cho biết, bánh chưng được gia đình chị gói quanh năm, nhưng vào dịp Tết lại càng thêm phần nhộn nhịp. Mặc dù bận rộn với công tác chuyên môn là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Du Lễ, nhưng công việc gói bánh chưng đã giúp chị và gia đình lưu giữ, duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

Bắt đầu từ khoảng đầu tháng Chạp, chị sẽ tiếp nhận đơn đặt hàng rồi chuẩn bị các nguyên vật liệu và nhân công sẵn sàng cho đợt bánh Tết. Cao điểm nhất là vào các ngày 26, 27, 28 tháng 12 âm lịch, mỗi ngày gia đình chị gói cả nghìn chiếc bánh mà vẫn “cháy hàng”.

Thoạt trông, việc gói bánh chưng tưởng chừng như đơn giản, nhưng chỉ khi thực sự bắt tay vào làm mới thấu hiểu được những vất vả của người làm nghề. Chị Sinh cho hay, để có được những chiếc bánh thơm ngon, mềm dẻo đòi hỏi sự chú tâm, tỉ mỉ và cả sự khắt khe ngay từ khi lựa chọn các nguyên liệu gồm thịt lợn, gạo nếp, đỗ xanh cho đến lá gói bánh.

Lá dong gói bánh được chị nhập mua từ vùng chuyên canh ở Hà Nam chứ không dùng lá dong rừng. Bởi theo chị, lá dong được trồng từ nhà vườn với chu trình chăm sóc chuyên nghiệp sẽ an toàn hơn cho người sử dụng.

Lá dong sau khi nhập về sẽ được lau rửa sạch, lọc bớt phần gân cứng ở thân lá để khi gói bánh lá sẽ không bị rách và được xếp gọn gàng thuận tiện cho quá trình gói bánh.

Chị Đào Thị Sinh bên mẻ bánh chưng vừa gói xong

Đối với gạo nếp, chị Sinh lựa chọn mua nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng cùng với phần gạo nếp do chính gia đình chị gieo cấy (khoảng 3-4 mẫu). Gạo không được sâu mọt, nấm mốc, hạt gạo phải tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Trước khi gói, gạo nếp được mang đi ngâm trong nước sạch từ 4 – 5 tiếng rồi vo sạch gạo.

Đỗ xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo. Muốn bánh có vị ngậy và thơm, kinh nghiệm của thợ làm bánh thường chọn loại đậu hạt nhỏ, còn nguyên vỏ. Sau khi ngâm đủ thời gian, đỗ được đem đi đãi sạch vỏ và đồ lên cho nhuyễn, trộn thêm với chút đường để tạo độ ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng.

Một trong những nguyên liệu không thể thiếu để làm nên một chiếc bánh chưng ngon là thịt lợn. Thịt được chọn làm nhân phải đạt tỉ lệ 6 phần mỡ 4 phần nạc.

Thịt được thái thành những miếng to bản, để nguyên bì sau đó ướp gia vị gồm nước mắm, tiêu bắc, bột ngọt trong vòng nửa tiếng, tuyệt đối không ướp thịt quá lâu sẽ khiến thịt bị khô, không còn độ ngậy. Điều khác biệt trong bánh chưng của gia đình chị là màu xanh đặc trưng của bánh được tạo nên từ nước cốt lá riềng xay. Gạo sau khi được sơ chế, sẽ được vớt ra, để ráo nước, xóc đều với nước cốt lá riềng xay và chút muối để tạo vị đậm đà cho bánh.

Bánh chưng của gia đình chị Đào Thị Sinh được người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ mềm dẻo, vị thơm và béo ngậy

Một chiếc bánh chưng đạt tiêu chuẩn phải được gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nhân bánh và gạo được chia với tỉ lệ đều nhau.

Bánh chưng được luộc bằng bếp củi trong khoảng 10 giờ đồng hồ tính từ khi nước sôi. Quá trình luộc bánh đòi hỏi người thợ phải thật cẩn trọng, canh nhiệt độ, canh lượng nước sao cho nhiệt không được quá cao dẫn đến việc bánh bị “chín ép” và nước lúc nào cũng phải ở trên mặt bánh để đảm bảo bánh được chín đều.

Trong 3 giờ đầu lửa phải to và đều, giảm dần lượng nhiệt trong những giờ tiếp theo. Trước khi vớt bánh 1 tiếng sẽ tắt bếp, bánh được ngâm trong nồi để đạt được độ chín đều vào toàn bộ bánh. Khi bánh chín, vớt ra và rửa qua nước lạnh cho bánh không bị khô lá rồi ép khô nước.

Yêu cầu của chiếc bánh thành phẩm là phải đạt tới độ chín xanh “rền”, khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn vào có vị thơm và béo ngậy...

Ngày nay, tùy theo nhu cầu của khách hàng, chị Sinh còn cung cấp thêm bánh chưng gạo lứt, bánh chưng gấc. Bánh chưng của chị Sinh nức tiếng gần xa không chỉ với người dân trong vùng mà còn trở thành món quà quê truyền thống để biếu tặng người thân mỗi dịp Tết đến.

Sức hút của bánh còn thể hiện ở chất lượng và giá cả phải chăng, phù hợp với biến động thị trường và yêu cầu của từng đơn đặt hàng. Hiện bánh được bán với giá dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/ chiếc.

Khi được hỏi về hương vị truyền thống Tết cổ truyền, chị Sinh chia sẻ: Chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện lời cảm tạ trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc.

Những tinh hoa của đất trời tạo nên chiếc bánh mang đến mùi hương thơm lừng hòa quyện hương lá dong, gạo nếp, cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt, tất cả tạo nên hương vị Tết đặc trưng không lẫn vào đâu được. Mỗi chiếc bánh là cả tâm huyết, gửi gắm vào đó là hồn quê, hương vị quê hương của người làm bánh.

Dù thế cuộc có đổi thay, thì “thấy bánh chưng là thấy Tết” luôn là điều có thực, nhất là khi mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông