Báo An ninh Hải Phòng - Viettinbank Lê Chân trao áo ấm cho trẻ em nghèo: Ấm tình Tây Bắc

08:29 08/12/2017

Mùa đông đang tới những ngày giá rét nhất. Trong 2 ngày 4, 5-12, Báo An ninh Hải Phòng, Vietinbank Lê Chân (thành phố Hải Phòng) phối hợp với Báo Lai Châu, Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Lai Châu) trao tặng áo ấm và một số vật dụng phục vụ sinh hoạt cho cô và trò Trường mầm non Hồng Thu, xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), giúp các em học sinh nhỏ nơi đây chống chọi với cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt ở núi rừng Tây Bắc...

Đoàn công tác từ thiện và các cháu học sinh trường Mầm non Hồng Thu, Sìn Hồ, Lai Châu

Đường lên đại ngàn Tây Bắc

Trời tờ mờ sáng, người dân thành phố Cảng vẫn đang bình yên giấc nồng, các thành viên đoàn thiện nguyện do Thượng tá Nguyễn Thu Hồng, Tổng biên tập Báo An ninh Hải Phòng và ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Lê Chân, Hải Phòng (Vietinbank Lê Chân) dẫn đầu đã bắt đầu xuất phát.

Trong đoàn có nhiều cán bộ trẻ, chưa từng một lần đặt chân lên Tây Bắc, còn khá e ngại quãng đường dài hơn 500 cây số, được mệnh danh là “đường lên trời”. Nhiều cô gái còn chuẩn bị hành lý khá kỹ càng với nhiều quần áo ấm để ngừa cái rét cắt da của vùng đất trong mây này. Cậu lái xe trẻ, được gọi vui là Hiệp “gà”, đã từng lái xe lên tận A-pa-chải khiến cho cả đoàn yên tâm hơn rất nhiều trước chuyến đi.

Khởi hành từ Hải Phòng lúc 4 giờ sáng, bám đường cao tốc lên đến Lào Cai thì đoàn xe bắt đầu vào đường núi. Những eo đèo khúc khuỷu cùi chỏ, dốc ngược lên đỉnh rồi chúi xuống liên tiếp nối nhau để vượt qua những mõm núi liên hoàn khiến cho các lái xe bắt đầu “rang lạc” từ đường vào Sapa, và càng lắc dữ dội hơn trên con đường từ Sapa đến thành phố Lai Châu, có người miệng “ôm túi” suốt quãng đường, ngay cả những hành khách mạnh mẽ nhất cũng cảm thấy nôn nao. Sau gần 8 tiếng, vượt hơn 500 cây số, khoảng hơn 12 giờ trưa, đoàn mới đến Lai Châu.

Là một tỉnh tây bắc của Việt Nam, phía bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lai Châu có địa hình núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25 độ, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như: Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên

Cao nhất là đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.143m. Trên chặng đường giữa núi non quanh năm được mây mù bao phủ, đưa mắt nhìn núi rừng Tây Bắc một màu xanh ngút ngàn, phía xa có thung lũng, có suối, có ruộng bậc thang quanh co trùng điệp, tất cả các thành viên trong đoàn đều cảm thấy quên đi mọi mỏi mệt...

Thương lắm, trường học vùng cao

Sau khi dừng nghỉ trưa, đoàn phấn khởi tiến bước theo những cung đường không bao giờ thẳng. Mặc cho cái nắng ban trưa, khí lạnh vẫn tỏa ra từ đá bao phủ lấy Sìn Hồ nên chỉ cần bước vào chỗ mát là ngay lập tức có thể cảm nhận cái lạnh len lỏi thấm sâu vào da thịt.

Cung đường hẹp, hai bên lác đác những căn nhà gỗ hoang hoải gió lùa, những đàn lợn mán chăn thả tìm kiếm cái ăn ngay ở ven đường. Điểm đến là Điểm trường trung tâm của Trường mầm non Hồng Thu nằm đối diện với trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ.

Thượng tá, Tổng biên tập Nguyễn Thu Hồng mặc áo ấm cho trẻ vùng cao

Trường mầm non Hồng Thu có 465 trẻ học tập, vui chơi, sinh hoạt ở 20 lớp, phần đông là con em dân tộc Mông. Ngoài điểm trường trung tâm có 84 học sinh, số còn lại các em theo học các lớp ghép tại 14 điểm bản.

Cô Hà Thị Thiệu, Hiệu trưởng cho biết, đồng bào nơi đây không ở chung một làng như vùng thấp hoặc đồng bằng, mà từ nhà này đến nhà kia phải xa tầm mắt, có nơi cách nhau cả một... ngọn núi. Bố mẹ còn vất vả kiếm cái ăn nên các bé đến tuổi đi học phải tự đến trường, có nhà được ông bà đưa đón giúp. Những hôm trời lạnh dưới 10 độ, nhiều em nhỏ ở đây vẫn phải đi chân trần, khoác trên mình những chiếc áo mỏng manh đến lớp. Để vận động các gia đình cho con đến lớp, nhiều cô giáo đã đến tận nhà đón các cháu đi học.

Khi đoàn đến, cô và các cháu của điểm trường trung tâm đang trong buổi học chiều. Các phòng học là nhà cấp 4 một tầng, mái ngói đỏ tươi, bên trong được các cô sử dụng giấy màu cắt trang trí đẹp mắt. Tại lớp 3 tuổi của cô giáo trẻ Lò Thị Thịnh, các cháu bé dân tộc Mông tròn miệng cất cao giọng non nớt, trong sáng để hòa cùng nhịp hát bài Cháu yêu cô chú công nhân. Biết có đoàn thiện nguyện trao áo ấm, cô Thịnh gọi các học trò nhỏ vác ghế chạy ra sân ngồi chờ được trao tặng áo mới.

Trao gửi yêu thương

Quà gồm 500 chiếc áo ấm còn thơm mùi vải mới cùng một số vật dụng phục vụ sinh hoạt đóng trong nhiều thùng carton cỡ lớn được các cán bộ, đoàn viên Báo An ninh Hải Phòng và Vietinbank Lê Chân bốc dỡ khỏi xe, vận chuyển vào sân trường. Các cháu bé ngồi thành hình vòng cung, trước mặt là quà từ thiện, đại diện chính quyền địa phương, các cô giáo, đồng bào địa phương và đoàn từ thiện cùng dự lễ trao quà.

Tác giả và người dân vùng Tây Bắc

 

Ông Sùng A Sàng, Bí thư xã Hồng Thu phát biểu cho biết, xã Hồng Thu là một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ, của tỉnh Lai Châu. Người dân nơi đây rất nghèo, chủ yếu là dân tộc ít người. Các em nhỏ thường chỉ có 1 manh áo mỏng, không có áo ấm, ko có quần dày, tất, mũ hay khăn len để chống chọi với giá rét. Ông cũng bày tỏ xúc động trước tấm lòng của đoàn từ thiện thành phố Cảng vượt đường xa mang những tấm áo ấm cho trẻ em vùng cao.

Thay mặt đoàn từ thiện phát biểu tại buổi trao áo ấm, Thượng tá Nguyễn Thu Hồng, Tổng Biên tập Báo An ninh Hải Phòng nhấn mạnh, đợt trao quà này có thông điệp “Trao áo ấm - Nhân tình yêu thương”, thể hiện tấm lòng ấm nồng nhiệt huyết, lòng nhân ái của cán bộ, chiến sỹ với các em học sinh vùng cao. Món quà tuy nhỏ bé nhưng sẽ góp phần sưởi ấm, xua đi giá rét mùa đông giúp trẻ mầm non vững bước tới trường.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Vietinbank Lê Chân cũng đã đại diện đoàn trao quà cho nhà trường. Sau tiếng vỗ tay, các cán bộ, đoàn viên Báo An ninh Hải Phòng và Vietinbank Lê Chân tận tay mặc những chiếc áo ấm cho 84 trẻ hiện học tại điểm trường trung tâm của Trường mầm non Hồng Thu.

Các bé chưa từng gặp người lạ mặc áo cho mình nên ban đầu khá rụt rè. Không lâu sau, thấy bạn được mặc áo mới, nhiều bé mạnh dạn đưa tay cho các cô, bác lồng áo vào người. Có bé còn tò mò kéo qua lại những tua khóa, lạ lẫm đội chiếc mũ phía sau lên đầu một cách thích thú. 

Tận tay trao những tấm áo ấm, thông cảm những khó khăn mà người thành phố dù nghèo cũng chưa từng gặp phải, mỗi cán bộ, đoàn viên Báo An ninh Hải Phòng và Vietinbank Lê Chân thêm cảm nhận sâu sắc tình yêu thương với đồng bào nghèo nơi vùng cao.

“Từng nụ cười trao đi thêm bao ước mơ lại về, cuộc đời này đẹp thế khi người ta bên nhau sẻ chia...” - như lời ca khúc “Áo ấm vùng cao” của nhạc sỹ, ca sỹ A Tuân - nơi đây những con người tuy cách xa về địa lý nhưng lại gần gũi và đồng điệu về tâm hồn đến thế giữa màn sương dày đặc, lạnh buốt nơi vùng cao Tây Bắc.

Ký sự của HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông