Bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch đô thị và nông thôn

15:22 28/06/2024

Sáng 28-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-2-2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

                                             Tránh chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch

Đại biểu Hoàng Văn Cường(Hà Nội)  nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Theo đại biểu, việc xây dựng Luật này cũng là môt cơ hội để nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Đại biểu Hoàng Văn Cường(Hà Nội)

          Đại biểu chỉ ra rằng, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. Đại biểu đưa ra dẫn chứng, theo dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỷ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên?

Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo…Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó đại biểu đề nghị dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

          Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật khi có nhiều quy định về các nội dung quan trọng để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

       Cụ thể, dự thảo đã quy hoạch rõ hệ thống đô thị và quy hoạch nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch, xác định mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, đảm bảo đồng bộ, thống nhất về quy hoạch. Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình về chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An)

 Để hoàn thiện nội dung quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đơn giản hoá hệ thống các quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và dễ thực hiện của các quy hoạch.

            Về thời kỳ quy hoạch, đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm; trong khi đó, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn 20 – 25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là 50 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014. 

Đại biểu cho rằng, sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có giải pháp quy định một cách phù hợp hơn về vấn đề này.

          Về việc phân cấp, phân quyền trong xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không? Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm. Cùng với việc phân cấp, phân quyền, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng năng lực của các cấp trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch.

           Nâng hạn mức chỉ định thầu để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn được quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng và một số nội dung được quy định tại nhiều Luật khác có liên quan. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung này phải tham chiếu ở nhiều quy định khác nhau, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành. Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và hệ thống hóa, cụ thể hóa các nội dung trong cùng một Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình hiện nay. 

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)

Liên quan tới kinh phí để lập quy hoạch bao gồm cả rà soát, điều chỉnh (nếu có) và thủ tục lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, theo đại biểu, việc quy định được sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện nội dung này theo quy định tại dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có việc lựa chọn đơn vị tư vấn.

          Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 18, việc lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định pháp luật về đấu thầu hoặc lựa chọn theo hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, đại biểu cho biết, trong thực tế triển khai hầu hết các gói thầu tư vấn thực hiện cho các công tác quy hoạch đều thuộc đối tượng phải đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian và hoàn thành công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt có nhiều trường hợp  phải thực hiện đấu thầu hai lần.

Đại biểu đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến công tác lập, điều chỉnh quy hoạch lên mức không quá 1 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Riêng đối với các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn tài trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thực hiện chỉ định lựa chọn đơn vị tư vấn không phụ thuộc vào hạn mức.

                                                              Gắn kết phát triển đô thị và nông thôn

Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến phạm vi, nội dung, đối tượng, mối quan hệ của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Dự thảo luật đã phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo luật. Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi.. theo quy hoạch của luật chuyên ngành và luật chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm

           Liên quan đến vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố Trung ương và không có quy định việc đề xuất mô hình cấu trúc phát triển đô thị định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển các khu chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch.

 Bộ trưởng cũng nêu một số điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương có một số điểm khác nhau về khái niệm, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng, mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo. Do đó, cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.  

          Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch của thành phố trực thuộc Trung ương... Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian; đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc Trung ương.

Về sự cần thiết lập quy hoạch chung huyện, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện là một trong nội dung của quy hoạch tỉnh. Trong đó, quy định phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện bao gồm việc xác định phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện vùng huyện đối với quy hoạch chung huyện.

          Theo đó, quy hoạch tỉnh chỉ có tính chất là xác định phạm vi, tính chất, định hướng phát triển trọng tâm về kinh tế xã hội của huyện, làm cơ sở để lập quy hoạch chung của huyện và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung như: dự báo xác định mục tiêu, động lực phát triển, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của quy hoạch, mô hình phát triển tổng thể của huyện, định hướng phát triển không gian các khu vực trong huyện...

          Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật./.

                                                                                                                                         Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích