08:59 07/11/2018 Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Công tác bảo đảm ANTT tại các TCTD vì lẽ đó là yêu cầu, nhiệm vụ thiết yếu để ổn định tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, là điều kiện cần thiết để phát triển KT-XH. Nhận thức rõ vấn đề đó, trong những năm qua, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP luôn xác định công tác bảo đảm ANTT trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định ANTT trên địa bàn thành phố. Trên lĩnh vực này, CATP đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều kế hoạch, phương án, với sự tham gia quyết liệt của công an các đơn vị, địa phương.
Kỳ 1: Tổ chức tín dụng - mục tiêu của tội phạm
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực ngân hàng như: các vụ cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp, phá cây ATM để chiếm đoạt tiền tại các TCTD.
Điều này không chỉ gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động của ngân hàng, gây phức tạp về ANTT trên địa bàn mà còn khiến người dân bất bình, lo sợ trước sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng.
Các ngân hàng luôn là mục tiêu tấn công của các loại tội phạm (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 4 vụ cướp ngân hàng tại các tỉnh: Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tiền Giang với số tiền các đối tượng cướp được là hơn 6,3 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều vụ phá hoạt cây ATM hoặc sử dụng các thiết bị sao chép thông tin thẻ ATM nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đặc biệt nghiêm trọng là sự việc xảy ra vào ngày 13-10-2018 vừa qua, trong khi kiểm tra hoạt động của cây ATM số 7 và số 8 tại địa chỉ phường Yên Thanh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nhân viên ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã phát hiện 10 thỏi thuốc nổ có tổng trọng lượng 2 kg được đối tượng đặt dưới gầm máy ATM, đã đấu sẵn kíp nổ và đặt ở chế độ chờ kích nổ. Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt phong tỏa hiện trường, vô hiệu hóa thiết bị gây nổ và đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sự việc.
Mặc dù ở Hải Phòng đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan cướp, cướp giật tài sản tại các ngân hàng, tuy nhiên qua công tác nắm tình hình và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng, Phòng An ninh kinh tế CATP cho biết: trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực này.
Có thể kể đến như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiền gửi của người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Oceanbank - Chi nhánh Hải Phòng, dẫn đến việc những người gửi tiền tụ tập đông người, treo băng rôn khẩu hiệu, gây rối tại trụ sở ngân hàng diễn ra từ tháng 9-2017.
Hoặc như vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để lập hồ sơ vay vốn tín chấp tại nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố; vụ phá hoại tài sản, gây hư hỏng cây ATM của Ngân hàng TMCP Quốc tế; vụ lắp đặt thiết bị sao chép thông tin thẻ ATM nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng tại Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Đồ Sơn…
Theo Trung tá Phạm Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế - CATP: Nguyên nhân dẫn đến những bất ổn về ANTT tại các ngân hàng là bởi các trụ sở ngân hàng luôn là địa điểm lưu trữ khối lượng lớn tiền, tài sản, ngoại tệ… nên vẫn là mục tiêu có nguy cơ của các hoạt động trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, thậm chí khủng bố phá hoại như xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn cả nước.
Nhiều đối tượng phá hoại các cây ATM
Hơn nữa, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và các dịch vụ tiện ích của hệ thống ngân hàng như hiện nay, việc trao đổi thông tin, gửi và rút tiền diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đem lại hiệu quả cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà công nghệ đem lại thì vẫn còn có những tồn tại, bởi đây là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Chúng có thể sử dụng các thiết bị chuyên dụng để phá máy rút tiền tự động; gắn thiết bị tại cây ATM trộm cắp dữ liệu; đánh cắp tài khoản cá nhân trên Facebook, sau đó giả mạo là chủ tài khoản để tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc sử dụng phần mềm gián điệp để thâm nhập vào hệ thống chuyển tiền vào tài khoản lập sẵn để chiếm đoạt; lập hồ sơ giả, lừa đảo vay vốn chiếm đoạt tài sản của ngân hàng…
Mặt khác, một số vụ việc liên quan đến quyền lợi khách hàng chưa được giải quyết ổn thỏa cũng dẫn đến hoạt động tụ tập đông người, gây mất ANTT, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng như tại các Chi nhánh của ngân hàng Đại Dương tại Hải Phòng vừa qua.
Cũng theo Trung tá Phạm Tiến Dũng, công tác quản lý, điều hành của một số ngân hàng còn lỏng lẻo. Việc quản lý cán bộ, nhân viên cũng như việc chấp hành các quy trình, quy định trong hoạt động tín dụng của một số ngân hàng còn yếu kém, thậm chí còn có việc cán bộ nhân viên ngân hàng trực tiếp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, hoặc cấu kết với các đối tượng môi giới, dịch vụ bên ngoài trong việc làm giả con dấu, tài liệu thiết lập hồ sơ vay vốn nhằm thu lợi bất chính.
Trước tình hình vụ việc vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực ngân hàng xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng có chiều hướng gia tăng, để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc phức tạp và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động kinh doanh của các TCTD trên địa bàn thành phố, ngày 7-2-2018, CATP đã xây dựng kế hoạch số 172 về công tác công an bảo đảm ANTT tại các TCTD, quán triệt tới công an các đơn vị, địa phương có liên quan.
(còn nữa)
Thu Ninh
09:45 21/11/2024