Bảo tàng Hải Phòng: Bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa

09:40 02/01/2020

Cách đây 60 năm, Bảo tàng Hải Phòng chính thức được khánh thành và bắt đầu mở cửa phục vụ nhân dân thành phố đến thăm quan hệ thống trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh giới thiệu về truyền thống yêu nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như truyền thống văn hóa lâu đời được bảo lưu, giữ gìn trên đại bàn thành phố. 60 năm ấy, Bảo tàng đã trở thành một phần trong trái tim, tâm hồn của mỗi người con thành phố.

Bảo tàng Hải Phòng góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá cho mọi tầng lớp nhân dân

Theo thông tin còn được lưu giữ cho biết quá trình xây dựng Bảo tàng Hải Phòng được bắt đầu từ ngay sau ngày thành phố đượcgiải phóng vào 13-5-1955.

Cũng trong thời gian này, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin ngày đó đã quyết định thành lập một tổ công tác về bảo tồn, bảo tàng gồm 4 người gồm các ông Lê Mạnh, Nguyễn Ngọc Dũng, Chu Văn Kiền và Lê Nhơi. Đến năm 1957, Bảo tàng được tạm thời là ngôi nhà số 12 Phan Bội Châu.

Sau đó, ngân hàng Pháp-Hoa được chuyển giao cho thành phố để sử dụng làm nhà Bảo tàng. Năm 1958, Thành ủy Hải Phòng chính thức ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Bảo thành thành phố. Năm 1959, công việc triển khai xây dựng Bảo tàng thực sự được triển khai mạnh mẽ.

Bảo tàng thành phố góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Đến 20-12-1959, Bảo tàng Hải Phòng chính thức được khánh thành và mở cửa phục vụ nhân dân.

Trong phần ghi chép cảm tưởng, ông Lê Thanh Nghị-Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ thời bấy giờ, trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng đã nói: Nhà Bảo tàng Hải Phòng đã cố gắng sưu tầm nhiều tài liệu hiện vật. Những tài liệu hiện vật này đã nói lên được những thành tích kiến thiết, xây dựng đất nước của công nhân và nhân dân Hải Phòng qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Mong rằng nhà Bảo tàng sẽ cố gắng hơn nữa.

Từ đó đến nay các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Bảo tàng luôn đoàn kết cùng nhau tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Những thành tích trong 60 năm ấy được thể hiện ở 2 mảng công tác chính là: công tác bảo tàng và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Trong công tác bảo tàng, sau nhiều lần chỉnh lý nâng cao chất lượng trưng bày, cho đến nay đã có 8/12 phòng trưng bày cố định được đổi mới, nâng cấp, cơ bản đáp ứng tốt cho khách tham quan về nội dung và mỹ thuật trưng bày.

Hiện nay nhà trưng bày của Bảo tàng liên tục mở cửa phục vụ du khách tham quan từ thứ Ba đến Chủ nhật. Hằng năm, có từ 5-7 chuyên đề ngắn hạn được trưng bày phụ vụ nhiệm vụ chính trị cùng nhiều hoạt động tương tác của đội ngũ thuyết minh hướng dẫn tham quan được đánh giá tốt.

Kho kiểm kê-bảo quản là nơi lưu giữ trên 20.000 hiện vật, tài liệu, phim ảnh. Hằng năm đều có đầu tư nâng cấp kho cơ sở như mua sắm giá kệ và tủ đựng hiện vật mới, lắp đặt hệ thống bảo quản, phòng cháy, sắp xếp khoa học.

Đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm kê-bảo quản đã thực hiện tốt nhiệm vụ nên kho cơ sở của Bảo tàng luôn đảm bảo gìn giữ lâu dài cho các hiện vật.

Vì vậy dù trong bối cảnh hệ thống  bảo tàng các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn, Bảo tàng Hải Phòng vẫn được các cấp, ngành đánh giá cao.

Cùng với các hoạt động sưu tầm và trưng bày, công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ngoài bảo tàng cũng được Bảo tàng triển khai từ rất sớm.

Chỉ sau hơn 2 năm thành lập, đã có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia được Bảo tàng tiến hành lập hồ sơ và đề nghị xếp hạng. Đó là Di tích và danh thắng Núi Voi, huyện An Lão; Di tích và danh thắng Tràng Kênh, Bạch Đằng, huyện Thủy Nguyên và Đình Kênh, quận Lê Chân được Bộ Văn hóa quyết định xếp hạng từ năm 1962.

Các hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa được triển khai ở nhiều lĩnh vực như kiểm kê khoa học, lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ tôn tạo chống xuống cấp, khai quật khảo cổ. Sau 60 năm, kết quả thu được ở lĩnh vực này là hết sức to lớn.

Cụ thể, toàn bộ công tác kiểm kê di sản văn hóa vật thể đã được hoàn thành sau nhiều đợt kiểm kê vào các năm 1977-1978-1998 và 2018.

Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dù được triển khai muộn hơn song cho đến nay đã có 6/14 quận, huyện được tiến hành cùng với đó đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ghi vào danh mục để bảo tồn.

Đó là: Lễ hội Chọi trâu, Đồ Sơn; Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân; Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương; Lễ hội Xa Mã-rước kiệu đình Hoàng Châu, huyện Cát Hải; Lễ hội Minh Thề, huyện Kiến Thụy; Lễ hội Hát Đúm huyện Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hóa vật thể thường xuyên được tiến hành từ năm 1962 đến nay và kết quả là đã có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu Di tích Đền thờ danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Di tích, danh thắng Đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, 113 di tích cấp quốc gia và trên 400 di tích xếp hạng cấp thành phố…

Có thể nói, chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Hải Phòng cũng là 60 năm gìn giữ, phát huy những tư liệu, hiện vật - di sản vô giá của thành phố và quốc gia.

Các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng thành phố đã luôn ý thức được vinh dự, trọng trách của mình, luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng cơ quan không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và có những đóng góp quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng; xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của thành phố và đất nước trên trường quốc tế.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông