16:11 06/08/2019 Tôi đến bảo tàng Hải quân vào một buổi sáng cuối tháng 7, dưới ánh nắng vàng giao mùa, bảo tàng như rực rỡ hơn với hình dáng con tàu hiên ngang vươn ra biển lớn.
Chứng tích chiến tranh phong tỏa của đế quốc Mỹ tại Bảo tàng Hải quân
Tự hào cùng chung chữ Hải…
Nhìn từ góc độ ngôn ngữ, thì Hải Phòng (giữ biển) với Hải quân (lính biển) có nhiều nét tương đồng, nên dẫu không phải lần đầu tiên, nhưng chuyến đến lần này tôi đã có chủ ý từ trước, rằng muốn viết một bài nhân dịp Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam.
Dù đã chuẩn bị, nhưng tôi vẫn khá bất ngờ khi chứng kiến có nhiều khách đến bảo tàng, từ các cháu bé tiểu học đến các đoàn cán bộ, có cả những người dân đến theo nhóm hoặc chỉ một người. Tôi nhập vào một đoàn khách, cùng trải nghiệm ngược dòng thời gian theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, tìm về ký ức.
Nhìn lại suốt chặng đường cách mạng, những hình ảnh, hiện vật lịch sử được trưng bày tại đây xứng đáng là minh chứng sống động, từ truyền thống đánh giặc trên sông biển của cha ông, đến 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ, rồi sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa từ sau ngày đất nước thống nhất năm 1975… tất cả đều rõ nét.
Điều đặc biệt là trong bức tranh toàn cảnh ấy, dấu ấn Hải Phòng như “anh em sinh đôi”, thể hiện xứng tầm vị thế được ví như cái nôi của Hải quân Việt Nam. Điểm nhấn ấn tượng đầu tiên là trong một không gian riêng biệt dành riêng mô tả về 3 trận thủy chiến Bạch Đằng Giang, dẫu trải qua nghìn năm vẫn để lại dư âm vang dội nơi cửa biển Hải Phòng.
Theo đánh giá của các nhà sử học trong và ngoài nước, 3 cuộc chiến Bạch Đằng, lần lượt của Ngô Quyền chống quân Nam Hán ( 938), Lê Hoàn chống quân Tống (981) và nhà Trần chống quân Nguyên-Mông (1288), được coi là những trận thủy chiến vĩ đại nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc của thế giới. Đồng thời cũng là pho tư liệu hoàn chỉnh nhất cho học thuyết thủy quân nước Việt, mở đường cho niềm tự hào của Hải quân Việt Nam
“Hải Phòng đi trước về sau” trong cuộc kháng chiến chống Pháp, “Hải Phòng-Hà Nội” chia lửa với miền Nam trong các cuộc phong tỏa, không kích tàn khốc….
Và đây, những quả thủy lôi khổng lồ đã bị vô hiệu, trở thành vật trưng bày cho những tội ác ghê rợn của đế quốc Mỹ. Và đây, bằng chứng về những chiến công quả cảm của những con tàu không số mở đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Và đây, những hình ảnh đặc công nước đoàn 126 anh hùng đã đem lại nỗi ám ảnh khiếp đảm cho kẻ thù…
Từ những chiếc cọc Bạch Đằng đến thiết bị rà phá thủy lôi là cả quá trình nghìn năm lịch sử biến thiên, giờ tất cả hiển hiện ở bảo tàng Hải quân, những nỗi đau và niềm tự hào mang tên Hải Phòng – Việt nam cứ rực lên như thế.
Hình ảnh một đoàn đại biểu tham quan Bảo tàng Hải quân
Bản hùng ca bất hủ
Bảo tàng Hải quân được thành lập từ tháng 1-1975, nhưng công trình nhà trưng bày nằm trên địa bàn phường Anh Dũng (Dương Kinh) được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955/7-5-2005). Bảo tàng mang hình dáng một con tàu đang vươn ra biển, tọa lạc trên mặt bằng 16.000m2 cùng với các công trình bổ trợ, xứng đáng là trung tâm văn hoá - lịch sử - mỹ thuật của Quân chủng trên thành phố cảng Hải Phòng.
Có thể nói, sứ mệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân chỉ sau một tuần được thành lập chính là sự kiện tống tiễn những con tàu cuối cùng của quân viễn chinh Pháp cuốn cờ rút khỏi Hải Phòng ngày 15-5-1955, sau gần một trăm năm xâm lược và cai trị Việt Nam. Gần 10 năm sau, chiến thắng đầu tiên của lực lượng Hải quân cách mạng các ngày 2 và 5-8-1964 gắn liền với “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” cũng bắt đầu từ Hải Phòng, mãi mãi như vết sẹo nhói đau của nước Mỹ khi can thiệp thô bạo vào lãnh thổ Việt Nam.
Sau sự kiện này, Việt Nam trở thành chiến trường lớn nhất, mở đường cho cuộc chiến tàn khốc và dài nhất thế giới trong thế kỷ 20. Cùng với việc đưa quân tràn ngập miền Nam, nước Mỹ và đồng minh của họ cũng mở các đợt tiến công bằng hỏa lực dồn dập ra khu vực miền Bắc.
Lịch sử không bao giờ mờ phai những cái tên Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… những trung tâm kinh tế vùng hậu phương đã kiên cường trụ vững trong cơn tàn phá của kẻ thù. Đặc biệt Hải Phòng, cửa ngõ hàng hải nối liền miền Bắc với các nước anh em và bè bạn, ngoài chịu đựng sức công phá của không quân, còn bị phong tỏa bởi hệ thống thủy lôi, thủy pháo tầm xa dày đặc của hải quân Mỹ.
Giờ đây, thế hệ tuổi trẻ Việt Nam dẫu không được chứng kiến trực tiếp những tháng ngày bi tráng ấy, nhưng cũng phần nào thấu hiểu từ những chứng tích được lưu giữ tại Bảo tàng hải quân. Từ góc nhìn này, phải khẳng định Bảo tàng Hải Quân có giá trị như một pho sách giáo khoa, giáo dục cho các thế hệ sau hiểu rõ từng bước trưởng thành của lực lượng Hải quân cách mạng nói riêng và lịch sử thủy chiến Việt Nam nói chung.
Những đoàn khách đến tham quan Bảo tàng, nét chung là ai cũng chăm chú, pha chút trầm tư trước những kỷ vật của lịch sử, có lẽ đó cũng chính là tâm trạng chứa chan đầy trách nhiệm đối với Tổ quốc, khi những năm gần đây vấn đề biển, đảo được nhắc đến nhiều hơn.
Trước khi rời Bảo tàng, tôi cùng các đoàn khách chụp ảnh lưu niệm ở khu vực trưng bày ngoài trời. Nhìn những quả thủy lôi to mấy vòng tay ôm, còn nguyên cánh quạt và hệ thống dẫn đường phá hủy, chúng tôi cùng đùa: “Ngày xưa nó là phương tiện giết người, ai đến gần là xứng danh anh hùng, còn giờ đây…”.
Nghịch cảnh chiến tranh là thế, phương tiện giết người của kẻ thù một thủa, đã trở thành niềm tự hào vĩnh cửu vang danh Hải Phòng - Hải quân -Việt Nam.
Lê Vũ
14:29 23/11/2024