09:03 22/10/2018 Vừa qua, Sở Tài nguyên-Môi trường đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Đa dạng sinh học tới hơn 100 cán bộ các sở, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn thành phố. Nhân dịp này, Phóng viên Báo An Ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ sinh học Nguyễn Văn Quân-Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường biển, xung quanh vấn đề trên.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân tại một cuộc hội thảo
PV: Xin ông cho biết những nét cơ bản của quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch hành động đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn thành phố Hải Phòng?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân: Năm 2011, UBND thành phố Hải Phòng đã giao nhiệm vụ xây dựng đề án “Kế hoạch hành động về ĐDSH thành phố Hải Phòng đến năm 2020” cho Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng) là đơn vị chủ đầu tư với sự tham gia của đơn vị tư vấn là Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Mục tiêu lâu dài của đề án là “Xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ĐDSH thành phố Hải Phòng đến năm 2020 tầm nhìn 2030,nhằm bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH thành phố Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo”. Kết quả đã có 20 tiểu hệ sinh thái (HST) thuộc 3 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa và HST thủy vực biển, đảo ven bờ được tập trung nghiên cứu với số lượng 6.177 loài sinh vật đã được thống kê.
Trong số đó, đã xác định được danh sách 85 loài động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục các loài có nguy cơ bị đe dọa của tổ chức Bảo tồn Quốc tế IUCN (2011); 14 loài động, thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để bảo tồn và phát triển nguồn lợi.
Mục tiêu dài hạn của kế hoạch hành động là “Bảo tồn tính đa dạng sinh học, bao gồm các hệ sinh thái, loài, nguồn gen và các chức năng của chúng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo tồn ĐDSH cũng như là căn cứ pháp lý để thực thi các nhiệm vụ trước mắt, trung và dài hạn.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân nghiên cứu hệ sinh thái biển
PV:Thực tiễn công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Bà hiện nay ra sao và có ý nghĩa như thế nào đối với Hải Phòng?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân: Quần đảo Cát Bà có các giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học thông qua việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2014. Tuy nhiên các sức ép từ hoạt động phát triển vùng bờ, gia tăng hoạt động du lịch, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…đang đe dọa các giá trị ĐDSH của “hòn đảo ngọc”.
Chính vì vậy, các hoạt động bảo tồn ĐDSH tại Vườn Quốc gia Cát Bà đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch hành động trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến một số dự án bảo tồn tiêu biểu như: Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà, bảo tồn đa dạng sinh học - Vườn Quốc gia Cát Bà, trồng rừng cây phù trợ, trồng rừng cây bản địa dưới tán cây phù trợ, phát triển các loại hình du lịch sinh thái bền vững, trồng phục hồi hệ sinh thái rạn san hô…về cơ bản kết quả của các dự án này hướng tới xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học phục vụ cho công tác quản lý của Vườn, cũng như giảm thiểu các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà.
PV: Những khó khăn và giải pháp trước mắt, lâu dài đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hải Phòng nói chung và Vườn Quốc gia Cát Bà nói riêng, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân: Theo cá nhân tôi, các vấn đề còn tồn tại trong công tác bảo tồn ĐDSH đó là từ quy định pháp luật đến sự phối hợp liên ngành còn yếu và chồng chéo trách nhiệm. Tiếp đến, nguồn lực bảo tồn ĐDSH còn mỏng và phân tán, ở địa phương, công tác bảo tồn ĐDSH hầu hết là kiêm nhiệm. Các cán bộ ít có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Thêm nữa là chế tài, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ĐDSH còn nhiều bất cập
Các giải pháp trước mắt, lâu dài đối với công tác bảo tồn ĐDSH thành phố Hải Phòng nói chung và Vườn Quốc gia Cát Bà nói riêng, tôi có thể tóm gọn trong một số đầu mục chính. Đó là: Khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Quản lý và bảo vệ môi trường; Ngăn ngừa và phòng tránh thiên tai và cuối cùng là bảo tồn tự nhiên.
PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Kim Oanh thực hiện
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão