Bát nháo tình trạng viết sớ tại đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

08:48 11/06/2018

Báo ANHP nhận được phản ánh của nhiều du khách về tình trạng một số cá nhân bán hàng rong, có hành vi chèo kéo, chào mời du khách thiếu lịch sự bằng các hành động ấn, dúi vào tay du khách mua hàng, đặc biệt tình trạng bát nháo trong việc viết sớ tại Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những hiện tượng này diễn ra khiến nhiều du khách tới tham quan khu di tích vô cùng bức xúc.

Dịch vụ viết sớ và bán “bùa” vào mùa trước dịp thi cử

Có mặt tại di tích vào ngày cuối tuần, PV nghi nhận lượng khách tới dâng hương rất đông, trong đó phần lớn là phụ huynh và học sinh tới cầu công danh đỗ đạt.

Tại đây, vẫn diễn ra nạn chèo kéo, hễ thấy khách đến, những người bán hàng ngay lập tức xông ra chào mời đon đả. Điều đặc biệt, tình trạng bát nháo về viết sớ và bán “bùa” học diễn ra công khai.

Tại đây, các hoạt động của các “ông thầy” viết sớ “tác nghiệp” với việc hỏi nhanh tên, tuổi, quê quán, điều cầu xin của khách hàng rồi ngay lập tức thông tin được điền vào những khoảng trống mà nhiều dòng chữ nho được in sẵn.

Khách muốn gì thì thầy viết sớ đáp ứng đủ, nhanh và gọn. Tất cả những điều cầu xin đều được quy vào mấy nội dung: học hành, tài lộc, công danh, sức khỏe, tai qua nạn khỏi… mỗi tờ sớ có giá 20.000 đồng.

Ngoài viết sớ “thầy” còn gán thêm 1 tấm “bùa” bằng vải viết chữ nho với hàm ý là “sắc lệnh giáo dục” có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Một tờ “sắc lệnh giáo dục” với 2 hàng chữ nho ghi 2 bên được bán với giá 50.000 đồng

Trưởng ban Ban quản lý di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Lê Văn Kiều cho biết: Qua tình hình thực tế và phản ánh của du khách thập phương, đơn vị đã nắm được tình trạng trên, đồng thời cử người của ban gặp các cá nhân có hoạt động sai trái để nhắc nhở, tuy nhiên nhiều người vẫn không chấp hành.

Để kịp thời giải quyết tình trạng nêu trên, Ban quản lý di tích đã có công văn gửi UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đề nghị địa phương phối hợp với ban: tổ chức ký cam kết, thu giữ tang vật và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm theo quy định của địa phương để răn đe, lập lại trật tự, ổn định tình hình hàng quán và ANTT tại khu vực.

Trong vai một người vào đền xin lễ, PV tiếp cận bàn viết sớ của một người tự giới thiệu là Trần Hoàng Liên, 75 tuổi quê tại tỉnh Nam Định.

Khi bày tỏ mong muốn viết sớ vào đền lễ cụ, ông Liên lấy ra một tờ sớ đựng trong phong bì dài màu vàng rồi hỏi tên tuổi, địa chỉ và viết mấy hàng chữ nho, đồng thời đưa thêm cho phóng viên một lá bùa ‘sắc lệnh giáo dục” bảo mang về nhà để bàn học của cháu, giúp cháu học hành thi cử đỗ đạt. 

Tờ sớ với hàng chữ nho viết không rõ nghĩa

Theo cụ Trần Văn Vọng (người làm lễ tại đền), tình trạng sớ kèm theo bùa (sắc lệnh giáo dục) thật ra được cải biến từ bùa trấn trạch tại đền trần Nam Định, hàng ngày tại đền có rất nhiều phụ huynh tới dâng hương và nhà đền tiếp nhận hàng chục sớ và kèm lá “bùa” được làm lễ tại đây.

Tình trạng này xuất hiện từ năm 2017 và rộ lên thời điểm trước mùa thi năm 2018.  Đem tờ sớ và nội dung tấm “bùa” (sắc lệnh giáo dục) gặp nhà sử học Ngô Đăng Lợi, những chữ nho viết trên sớ không rõ nghĩa, không dịch được.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo - nhấn mạnh: Những hộ viết sớ tại khu di tích đều tự phát, xã không quản lý do họ không đăng ký với xã. Địa phương đã giao cho các ban, ngành của UBND xã kiểm tra, xử lý nghiêm và chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong, viết sớ tại cổng di tích.   

Để phát huy những giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thiết nghĩ xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo cần phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm quản lý chặt chẽ tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách, xem bói và bán “bùa” trái quy định.

Các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích