Bé gái hơn 3 tuổi mới biết nói, đã biết đọc

16:34 16/03/2017

 

Bé Phương cùng mẹ đọc Báo An ninh Hải Phòng
Bé Phương cùng mẹ đọc Báo An ninh Hải Phòng

Ai mách mẹo gì thì làm nấy, cướp bánh đúc, lấy đuôi con cá chuối quật ngang miệng…, cuối cùng con chị Thúy là bé Vũ Mai Phương, gần 3 tuổi, ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, mới bập bẹ nói. Bất ngờ hơn khi bé nói thành câu cũng là lúc bé biết đọc. Theo nhận định của chuyên gia tâm lý thì đây không phải hiện tượng hiếm gặp, song cháu bé cũng là trường hợp nổi trội, có tiềm năng phát triển về ngôn ngữ hơn so với trẻ đồng trang lứa.

Qua chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm gặp cháu Vũ Mai Phương tại nhà bà ngoại của cháu tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương. Thấy khách đến nhà, cháu nhanh nhảu chào với giọng ngọng líu lo: “Xáu xào bác”, rồi chạy nhảy khắp nhà.

Mẹ cháu, chị Nguyễn Thị Thúy, 29 tuổi, là nhân viên phụ trách thiết bị học tập tại trường THCS An Đồng, phải ra sức dỗ dành, cháu Phương mới chịu ngồi yên. Sau khi vừa ăn, vừa đọc hết dòng chữ trên các tờ tranh, ảnh trong nhà, chúng tôi liền lấy tờ báo An ninh Hải Phòng vừa phát hành ngày 14-3 để bé đọc.

Ngay lập tức, bé Phương đọc dòng chữ “Vì an ninh Tổ quốc”, “Cơ quan của Công an thành phố Hải Phòng”, còn chữ “An ninh Hải Phòng” do đã được viết theo kiểu in hoa nên cháu nheo mắt một lúc rồi mới chậm rãi đọc thành tiếng. Thậm chí với những từ có âm vần khá khó như “kiên quyết, thường xuyên, bền vững” hay “nội chính”, cháu cũng chỉ trầm ngâm một lúc rồi đọc với giọng vẫn còn chưa sõi.

Bà ngoại của cháu, bác Nguyễn Thị Vần, 55 tuổi, cho biết: Bố cháu đi tàu cứ 6 đến 8 tháng mới về một lần, ông bà nội ở xa nên cháu Phương ở nhiều với ông bà ngoại và mẹ. Cháu sinh ngày 22-10-2013, nhưng cũng phải đến gần ngày tròn 3 tuổi mới bập bẹ được vài từ. Gia đình có người làm trong ngành y đã tính đến chuyện đưa cháu lên Viện nhi trung ương để xem cháu có bệnh gì không, vì bây giờ trẻ mắc bệnh tự kỷ nhiều. Trước sinh nhật cháu nói được vài từ, câu ngắn, nhưng từ tết đến giờ thì cháu nói được nhiều và gia đình phát hiện cháu còn đọc được chữ.

Ban đầu cháu đọc các dòng chữ trên chương trình ti vi, ông bà, bố mẹ nghĩ rằng cháu đọc vẹt, sau bố cháu mở các trang báo mạng mà cháu chưa nhìn thấy bao giờ thì cháu cũng vẫn đọc đúng, lúc đó gia đình mới tin là cháu đọc được chữ.

Bé Mai Phương
Bé Mai Phương

Mẹ cháu Phương chia sẻ: Vì mong con sớm biết nói nên đi đâu, đến chỗ nào chị cũng gọi tên các đồ vật, đọc các dòng chữ trên biển hiệu cho con nghe. Khi ấy, cháu Phương chỉ chăm chú nghe chứ chưa bật thành tiếng. Ấy vậy, khi có dịp quay trở lại địa điểm đó, cháu đọc đầy đủ như “Bệnh viện quốc tế Green”, “Big C”, “Samnec”…

Mẹ cho Phương đi tiêm phòng, cháu đọc hết các thông tin trên sổ y bạ, cô y tá sững người rồi dẫn cháu đến các dòng chữ mang tính chuyên môn như “xét nghiệm, tiêu chuẩn, điều kiện, sinh thiết…” thì cháu vẫn đọc được, tuy vẫn còn ngọng nghịu.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thu là cô giáo chủ nhiệm của cháu Phương tại Trường mầm non An Đồng 1 cho biết: “Ngày tiếp nhận cháu vào lớp là tháng 7-2016, cháu Phương chậm về ngôn ngữ hơn các bạn khác. Tuy vậy, từ tết đến giờ thì cháu đọc được hết các hướng dẫn của cô giáo tại góc học tập, vui chơi, mặc dù trên lớp các cô chưa dạy chữ, chưa nói gì đến việc ghép âm, vần.

Với những chữ thông thường, khổ to, cháu còn đọc nhanh hơn các anh chị lớp 5 tuổi, điều mà hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa thấy. Có thể nói, trong một thời gian ngắn, cháu phát triển vượt bậc về ngôn ngữ”.

Chia sẻ với Tiến sỹ tâm lý Đoàn Minh Tỵ - Trường ĐH Hải Phòng về trường hợp cháu Phương, Tiến sỹ lý giải: Hiện tượng như cháu Phương không phải là hiếm gặp, song đây cũng là trẻ có tiềm năng, phát triển nhanh về khả năng ngôn ngữ. Theo nghiên cứu thì cháu Phương là trẻ có trí nhớ rất tốt về hình ảnh, khi người lớn nói là có thể nhập tâm ngay, sau đó cháu tư duy ghép âm, vần rồi luận ra chữ rất nhanh so với các bạn đồng trang lứa.

Cháu còn nhỏ và đây mới chỉ là bứt phá về ngôn ngữ, không phải là tư duy toán học nên chưa thể gọi là hiện tượng thần đồng. Do vậy, trên cơ sở tiềm năng nói trên, gia đình cần tiếp tục khuyến khích, động viên, định hướng cho cháu cách đọc ra sao cho không hại mắt, ngữ điệu thế nào, đọc những gì phù hợp với lứa tuổi và có thể cho cháu học thêm một ngoại ngữ nữa để hình thành tư duy có hệ thống.

Chia tay Mai Phương, bước ra khỏi cửa, tiếng cô bé “Xáu xào bác báo”, khiến chúng tôi giật mình!

Kim Oanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông