15:59 09/04/2019 Đến với Đồ Sơn, du khách không chỉ được tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp sơn thủy hữu tình mà còn có dịp về với địa chỉ của những di tích lịch sử. Ít ai biết rằng, trong khu nghỉ mát nhiều cảnh quan thơ mộng này còn có một địa điểm là nơi xuất phát của những “con tàu không số”, làm nhiệm vụ bí mật chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, làm nên con đường huyền thoại mang tên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, đó chính là bến tàu không số K15 nằm tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn.
Những chiếc cầu tàu – dấu tích còn lại của bến tàu không số xưa (Ảnh: Phan Tuấn)
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, di chuyển về hướng Nam, xuôi trên con đường đôi mang tên nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng dài khoảng 20km, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm quận Đồ Sơn.
Tiếp tục dọc theo bãi tắm khu I, khu II rồi vượt qua con đường dốc men theo sườn núi vào bãi tắm khu III, hiện ra trước mắt du khách là khách sạn Vạn Hoa (nay là Casino Đồ Sơn) nằm thơ mộng trên đỉnh đồi.
Nép mình dưới chân núi Vạn Hoa - điểm nút cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn, chính là bến K15- nơi ra đi của những “con tàu không số”. Ngược dòng lịch sử, theo những tài liệu còn ghi chép lại, năm 1959, Bộ Chính trị chỉ đạo thành lập 2 con đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đó là con đường vận tải xuyên Trường Sơn và con đường vận tải xuyên biển Đông.
Đến tháng 10-1961, Bộ Quốc Phòng ra nghị quyết thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) với nhiệm vụ ban đầu được giao là “Mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Xưởng đóng tàu I Hải Phòng khi đó cũng được giao nhiệm vụ bí mật đóng loại tàu vỏ gỗ gắn máy để phục vụ cho công tác vận tải.
Nhằm giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, việc chọn địa điểm trú đậu, nhận hàng và xuất phát của các con tài không số được đặc biệt chú trọng. Khi đó, khu vực nam bán đảo Đồ Sơn, dưới chân núi Vạn Hoa với tên gọi “Thung lung xanh” có vị trí đảm bảo theo đúng yêu cầu đã được chọn.
Tháng 10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” rời bến K15 lên đường vào Nam Bộ.
Bến K15 là nơi xuất phát đầu tiên của những con tàu không số đi chi viện cho chiến trường miền Nam, khai thông con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (Ảnh: Phan Tuấn)
Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, phải chịu sóng to gió lớn, tàu Phương Đông I đã khôn khéo lách qua hệ thống hàng rào phong tỏa gắt gao của địch, vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) và cập bến Vàm Lũng an toàn. Chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thành công đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Tại bến K15, từ năm 1962-1972, đã có gần 100 lượt tàu của đoàn 125 hải quân xuất phát, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí phương tiện và hàng trăm cán bộ, chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Gần 60 năm qua, khu vực cảnh quan của di tích bến tàu không số K15 đã có nhiều đổi thay song ở nơi đây vẫn mang trong mình vẻ thâm trầm của chứng tích lịch sử. Từ xa nhìn lại là, du khách dễ dàng nhận ra di tích bến tàu không số với biểu tượng cánh buồm màu trắng sừng sững vươn cao hướng ra biển. Biểu tượng này được xây dựng vào cuối năm 2005 để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những người lính Hải quân năm xưa.
Biểu tượng cánh buồm được đúc bằng bê tông gồm 4 cạnh và 4 lõm theo các lớp gấp của cánh buồm, với phần bệ đỡ là khối hình vuộng, cạnh vát kiểu lục lăng ốp đá xẻ màu xanh đen. Hai bên bậc lên xuống có đắp biểu tượng chiếc vô lăng bánh lái tàu.
Từ trên thành bậc của biểu tượng này, dõi mắt nhìn xuống phía dưới biển là những chiếc cầu tàu dài chừng 30m với những thanh sắt dẹt găm sâu xuống lòng biển. Dưới chân cầu, dấu ấn thời gian để lại những mảng hà xù xì rêu phong, bám chặt vào cọc sắt. Đây được coi là dấu tích còn lại duy nhất minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngày nay, bến K15 không chỉ được nhắc đến như một bản anh hùng ca rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của người dân Đồ Sơn mà nơi đây còn là điểm đến tham quan, học tập để cùng tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Bà Lưu Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc phụ trách ban quản lý di tích quận Đồ Sơn cho biết, bến K15 không chỉ là điểm đến tâm linh, điểm đến lịch sử của du khách trong và ngoài nước mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử.
Chỉ tính từ trung tuần tháng 3 đến nay, bến K15 đã đón hàng nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là các đoàn học sinh đến từ nhiều trường học trong và ngoài thành phố đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử kháng chiến của ông cha ta, qua đó khơi gợi niềm tự hào dân tộc”.
Hải Ngân
14:29 23/11/2024