BHTG chi nhánh khu vực Đông Bắc Bộ đẩy mạnh tuyên truyền: Đưa chính sách gần người dân hơn

09:26 26/12/2017

Thắng Thủy (Vĩnh Bảo), Tân Phong (Kiến Thụy), Kiến Xương (Thái Bình) hay Quảng Ninh, Nam Định…, đó là những nơi mà bước chân những cán bộ tuyên truyền của Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) chi nhánh khu vực Đông Bắc Bộ đã trải qua nhằm mục đích đưa những chính sách của Đảng, nhà nước về công tác BHTG đến gần với người dân hơn...

Tân Phong (Kiến Thụy, Hải Phòng) những ngày “nắng tháng Tám, rám trái bưởi”, những chiếc quạt chạy hết tốc lực vẫn không xua tan được cái nóng rát của tiết trời oi ả. Thái Bình trong đợt rét đầu tiên của miền Bắc. Trời trở gió, nghe tiếng u u từ xa vọng lại biết rằng ngoài ấy, trên những cánh đồng, những cây lúa đang rạp mình đón những ngọn gió đầu tiên. Tuy nhiên, sự đỏng đảnh về thời tiết của ông trời cũng không ngăn được dòng người dân đổ về kín hội trường để được nghe những thông tin, chính sách mới từ các cán bộ BHTG.

Phó Giám đốc chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ Lương Trần Chung thông tin các chính sách tới người dân huyện Kiến Thuy

Làm thế nào giảm tình trạng tín dụng đen tại các vùng thôn quê, giúp người dân biết được những địa chỉ tin cậy để “bảo đảm an toàn” cho số tiền “hai sương một nắng” mà họ đã tích cóp từng ngày. Và khi chẳng may sự cố xảy ra tại các tổ chức tín dụng, người dân nên hành xử thế nào là đúng nhất để tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền… Sự căng thẳng được xoa dịu bằng tiếng cười, các tình huống xung đột về tín dụng được tái hiện và giải mã thông qua những tiểu phẩm hài với sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng là một trong những cách đề dẫn giúp người dân dần tiếp cận với các chính sách BHTG.

Và, khi sự chú ý đã bắt đầu được tập trung thì cũng là lúc công tác tuyên truyền của những cán bộ BHTG bắt đầu phát huy tác dụng. Thông qua việc trực tiếp thông tin cho người dân về những chính sách và hoạt động của BHTG; cách phân biệt giữa BHTG Việt Nam và các loại bảo hiểm thương mại, hạn mức trả tiền bảo hiểm khi xảy ra rủi ro… Lối truyền đạt sinh động, linh hoạt và thông tin phong phú, hấp dẫn, những cán bộ làm công tác tuyên truyền đã giúp người dân hiểu rằng BHTG là một sự bảo đảm cho quyền lợi của người có tiền gửi tiết kiệm, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống các TCTD trên cả nước.

Trưởng phòng Tổng hợp BHTG khu vực Đông Bắc Bộ Vũ Thị Kim Thoa tuyên truyền chính sách của BHTG tại Thái Bình

Sau buổi tuyên truyền, chia sẻ với chúng tôi, cô Đỗ Thị Thơ, ở thôn Công Bình, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cho biết: Ở thôn cô, nhiều người dân tham gia góp họ (hụi, phường) với mức tiền mỗi tháng từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Có những bát họ to thu hút được vài chục người tham gia với số tiền lên đến cả trăm triệu. Tuy nhiên rủi ro cũng xảy ra nhiều với việc chủ họ sau khi gom được một số tiền lớn đã “cao chạy xa bay”. Bản thân cô hiện đang “góp họ” cùng gần chục “chị em thân thiết” trong thôn với số tiền 2 triệu đồng/tháng. Đối với người làm nghề thuần nông như cô, số tiền góp cho “bát họ” đó khá lớn nên nhiều đêm cô cũng thấy trằn trọc vì lo. Nếu nhỡ… thì đúng là “bắc thang lên hỏi ông trời” thật. Qua buổi tuyên truyền này cô mới biết, nếu gửi tiền vào các QTDND thì sẽ đượcBHTG bảo đảm quyền lợi, nếu rủi ro sẽ được chi trả đền bù chứ không mất trắng như “vỡ họ”. Vậy thì từ nay tội gì mà chuốc cái lo vào thân…

Cũng đồng suy nghĩ như cô Thơ, Nguyễn Thị Linh, ở thôn Thái Hòa, xã Kiến Xương, nhân viên trung tâm y tế xã cho biết: Em không “góp họ” nhưng mẹ và chị gái em lại tham gia. Sau buổi tuyên truyền này, em sẽ về vận động mẹ và chị không chơi nữa mà gửi vào quỹ tín dụng hay ngân hàng cho yên tâm...

Người dân rất quan tâm đến những thông tin liên quan đến BHTG

Trao đổi với chúng tôi về công tác tuyên truyền được chi nhánh tích cực đẩy mạnh trong thời gian qua, Trưởng phòng Tổng hợp BHTG Việt Nam chi nhánh khu vực Đông Bắc Bộ Vũ Thị Kim Thoa cho biết:  Chi nhánh hiện giám sát hoạt động từ xa 272 tổ chức tham gia BHTG trải rộng trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực. Chúng tôi nhận thức được rằng, tại các vùng nông thôn, vùng xa, người dân ít có điều kiện tiếp cận với thông tin nên người gửi tiền là đối tượng dễ bị tổn thương cần có sự quan tâm đặc biệt.

Việc đưa chính sách tới nơi đây không chỉ giúp hiểu biết về chính sách pháp luật về BHTG được nâng cao mà còn tăng cường niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCCTD, thúc đẩy khả năng huy động vốn của các TCTD. Từ đó góp phần quan trọng trong việc cho vay đầu tư phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hình thức tuyên truyền một cách linh hoạt và đa dạng để tiếp cận các nhóm công chúng từ nhiều góc độ. Thu hút được sự quan tâm, chủ động tìm hiểu của người dân, qua đó giúp chính sách về BHTG lan tỏa và thực sự đi vào cuộc sống.

Bùi Hạnhb

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông