Biển Đồ Sơn - một cảm nhận đặc biệt

23:34 07/11/2015

 

Bãi biển Đồ Sơn
Bãi biển Đồ Sơn

Mỗi khi cuốn sách giáo khoa lật tới trang cuối cùng và không gian rộn rã tiếng ve kêu, đám học trò của tôi lại mong được về với biển. Để được nghe tiếng sóng vỗ bờ. Đón làn gió mát từ khơi xa ùa về. Ngửi mùi tanh nồng của cá khi thuyền cập bên. Dầm mình trong làn nước mát lành của biển khơi. Nhưng, với những học trò đặc biệt của tôi - những người hỏng mắt - thì chỉ khi nào được con sóng trùm lên đầu, nước biển tràn vào miệng mặn chát thì các em mới hình dung được thế nào là biển. Đó thực sự là 1 cảm nhận rất đặc biệt về biển.

Năm nay trường tôi lại tổ chức cho học trò đi biển. Do điều kiên sức khỏe, tôi không thể đi cùng các em. Với người khiếm thị, môi trường tự nhiên luôn là điều bí ẩn. Đi chơi cùng học trò, được nghe các em đặt câu hỏi và trò chuyện, kiến thức của người thầy cũng được mở rộng hơn. Do điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nhiều người khiếm thị vẫn chưa một lần được ra thăm biển nhưng học sinh của Trường khiếm thị Hải Phòng ai cũng được tắm biển trên hai lần, trong 5 năm học.  Đi Đồ Sơn về, các em thường kể rất nhiều chuyện, đặt ra rất nhiều câu hỏi như: Sóng bắt nguồn từ đâu? Tại sao cát gần sóng lại rắn chắc hơn sát bờ? Bờ bên kia của biển là nơi đâu?…

Tôi là một giáo viên của trường, cũng bị hỏng mắt hoàn toàn, đã nhiều lần tới Đồ Sơn nhưng lần đi Đồ Sơn ngày tôi còn nhỏ như học trò của mình hiện nay thì mãi là kỉ niệm đẹp nhất trong tôi. Ngày đó (năm chín mươi của thế kỉ trước) Đồ Sơn còn là điều mơ ước của rất nhiều người. Trại hè thiếu nhi nơi chúng tôi nghỉ qua đêm vẫn còn hoang sơ. Ở phía nào cũng nghe thấy tiếng biển và thông reo. Biển sát tới tận chân đồi. Tiếng sóng đi vào tận phòng ngủ. Bây giờ, đám trẻ cũng thế, vẫn háo hức khi được biết năm nay nhà trường lại tổ chức đi Đồ Sơn. Em biết sử dụng mạng lên Google gõ từ khóa Đồ Sơn tìm kiếm, nghe máy tính đọc các bài viết về bán đảo này. Em chưa biết sử dụng mạng ngồi bên nghe chăm chú. Những em còn thị lực xem các hình ảnh về khu du lịch Đồ Sơn và biển đảo  nước ta. Em Nguyễn Phương Chi nói: “Nước biển Đồ Sơn đục vì nó nằm giữa hai cửa sông lớn Văn Úc và Lạch Tray. Nước ngọt hòa vào nước mặn thành nước lợ… Đồ Sơn có chín ngọn núi, Tám núi đứng thành hàng, một ngọn đứng tach ra được gọi là núi Độc”.

Trước khi các em được đi Đồ Sơn hơn một tuần, phòng vi tính của tôi đón các em lên chỉ để tìm hiểu về đất và người Đồ Sơn. Người hỏng mắt trước khi đến một nơi mới đều như vậy. Nguyễn Đăng Khoa - học sinh hòa nhập có lần tới trường chơi tâm sự: “Em ước sao hết năm học trường đi Đồ Sơn để em được cùng các bạn vui chơi…”. Mặc dù không còn học ở trường nhưng mỗi khi đi đâu về, Khoa thường tới trường kể chuyện với tôi và dùng máy tính tìm hiểu lại nơi vừa đến.

Ngày chưa có máy tính, học trò chúng tôi quây quanh những người lớn tuổi để hỏi. Sách báo eo hẹp, phương tiện tiếp cận với thông tin của người khiếm thị chỉ là chiếc Radio, cả trường cũng chỉ có một cái. Bây giờ các em được tiếp cận với máy tính và sử dụng mạng internet tra cứu thông tin. Phùng Tuấn Đạt - học sinh lớp hai nói: “Năm nay em được đi Đồ Sơn lần thứ hai. Đồ Sơn là bán đảo của thành phố”. Miệng nói, tay em gõ cụm từ bán đảo vào Google. Sau mấy giây, Đạt đã được nghe máy tính đọc khái niệm em đang cần tìm hiểu. Nó reo lên: “Bán đảo là vùng đất ba mặt giáp biển một phía gắn với đất liền”. Em Dương Văn Can, quê Cao Bằng, ngày còn là học sinh của trường cũng đã thắc mắc: “Tại sao Đồ Sơn chỉ giáp với huyện Kiến Thụy mà không giáp với các huyện khác?”. Google cũng đã giúp Can hiểu. Em tâm sự: “Nhà em ở trên núi cao. Các anh chị của em nhiều người cũng chưa được đi biển. Không học ở đây chắc em cũng không biết Đồ Sơn”. Em Phạn Văn Nam nói: “Thủy Nguyên quê em cũng có biển nhưng không phải là bán đảo”. Nam cũng gõ từ Thủy Nguyên vào Google. Nó mừng rỡ: “Thủy Nguyên một mặt giáp biển, ba mặt là sông, nếu không có cầu thì quê em cũng như một hòn đảo”. Nam kéo ghế tới sát chiếc bàn lớn: “Ví dụ như cái bàn này là đất liền thì cái ghế này là bán đảo”. Nó lại đẩy chiếc ghế ra xa bàn: “Cách ra thế này được gọi là đảo”.

...
...

Mặc dù có những việc người bình thường quan sát một chút là hiểu ngay nhưng với người khiếm thị là cả một quá trình tích lũy. Việc đứa trẻ khiếm thị đi trải nghiệm củng cố những phần đã học trong sách vở là rất cần thiết. Không phải cái gì nghe nói mà không có thực tế người khiếm thị cũng hiểu. Mặc dù người hỏng mắt đi chơi thu nhặt được kiến thức là vô cùng ít ỏi nhưng nó là nền tảng để mở rộng hiểu biết khi đọc sách báo.

Bùi Quang Huy, năm nay mới học lớp một, hồn nhiên hơn các bạn: "Em được đi Tuần Châu cùng với mẹ, biển Quảng Ninh cũng có sóng như biển Hải Phòng, ở đó em được trêu khỉ, ném kẹo cho nó ăn. Ở Đồ Sơn có khỉ không thầy?”. Em Trần Quang Hải liền giải thích cho bạn: “Trong khu du lịch, ở khu ba Đồ Sơn người ta cũng mới nuôi thú”. Hải hơn các bạn trong  nhóm là có ba làm ở công ty du lịch. Em đã được cùng gia đình đi tắm biển ở Vũng Tàu, Nha Trang.

Nghe Hải kể chuyện, Toàn hỏi: “Biển miền Nam nước có mặn như biển khu hai Đồ Sơn không?”. Nam thể hiện sự hiểu biết: “Nước biển ở đâu cũng mặn, tất cả các biển đều thông nhau phải không thầy? Biển Đồ Sơn và biển Hạ Long đều nằm trong vịnh Bắc Bộ…”.

Những buổi học ngoại khóa, tôi thường lắng nghe các em nói nhiều hơn là giải thích. Cái gì không hiểu, bọn trẻ tự tra Google. Tôi chỉ là người đưa ra từ khóa hỗ trợ các em tìm kiếm và giải thích những gì các em được nghe mà chưa hiểu. Tự giải đáp được qua mạng, các em rất phấn khởi. Ngày tôi là học trò, trước khi  ra Đồ Sơn cũng bám theo bác bảo vệ hỏi nhiều chuyện linh tinh cả buổi. Đêm trước ngày đi biển, cả trường gần như thức trắng. Điều kiện của trại hè ngày đó còn rất thiếu thốn, nhiều phòng ngủ chưa có quạt điện, nhưng đi về rồi ai cũng mong tới năm sau lại được ra tắm biển.

Em Trần Thu Trang tâm sự: “Ba ngoại em vẫn chưa được đi Đồ Sơn lần nào. Em mong nhà có máy tính để em mở các bài về Đồ Sơn cho bà xem”. Mặc dù không phải là đi biển lần đầu tiên nhưng Trang cũng tìm nghe những bài về Đồ Sơn: “Mỗi lần em đi đâu về bà thường bảo kể cho bà nghe. Năm nay em muốn viết một bài về Đồ Sơn đọc cho bà nghe nhưng chưa biết viết thế nào”.

Mạc Thành Đạt phát biểu cảm tưởng: “Trường mình năm nay lại ra trại hè phải không thầy? Đường lên trại hè xe nghiêng như đi lên dốc cầu”.

Nghe các em trò chuyện, tôi luôn thấy nhiều điều mới lạ. Tôi cũng có chung cảm nhận với em.

Toàn là người vùng núi gửi xuống trường. Do điêu kiện sức khỏe, năm nay em không được đi chơi cùng với các bạn. Tôi tới phòng ngủ thăm em, trong lúc các bạn đang nhộn nhịp chuẩn bị đồ cho chuyến du lịch. Toàn rất buồn:

- Thầy ơi, sang năm nhà trường có tổ chức đi nữa không?

- Em còn ở trường chắc chắn sẽ lại được đi.

Xe chở các em đi rồi sân trường vắng lặng. Tôi như nghe thấy tiếng biển vọng về. Ngày mai các em sẽ được chạy chân trần trên cát, được  tắm trong làn nước mặn mòi của biển khơi, được đùa rỡn với những con sóng  xô bờ. Và cảm nhận về biển trong các em thực sự là đặc biệt!

Lê Trung Cường _Giáo viên trường Khiếm thị Hải Phòng


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông