Biến đổi khí hậu

21:13 03/07/2018

Có thể thấy, trong những ngày này, nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống chọi với diễn biến bất thường và khắc nghiệt nhất của thời tiết.

Đơn cử, tại Mỹ, một số bang như Chicago, Arizona… nhiệt độ ngoài trời lên tới 60 độ C, được giới chuyên môn nhận định là nóng nhất trong 80 năm qua; ở Anh, thành phố Manchester lâu nay là vùng đất có lượng mưa nhiều nhất thì hiện nay cũng đang nắng nóng và đang xảy ra cháy rừng. Ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành từ miền Trung trở ra, trong đó có thành phố Hải Phòng cũng không nằm ngoài tình cảnh trên.

Nắng nóng, cháy rừng, rồi mưa bão, lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân và thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Qua cập nhật, thì chỉ trong hai ngày đầu của đợt nắng nóng, các bệnh viện đã quá tải vì người già và trẻ nhỏ nhập viện với các bệnh liên quan đến hệ hô hấp, tim mạch; cây trồng không thể sinh trưởng, thậm chí là khô, héo; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động ngoài trời bị đình trệ. Tệ hại nữa là ở không ít quốc gia, nhiều chuyến bay đã không thể cất cánh, vì sự an toàn cho hành khách…

Về nguyên nhân thì không có gì phải bàn cãi nữa: Là do sự nóng lên của trái đất và môi trường bị tàn phá. Và đằng sau nguyên nhân trên, dù gián tiếp hay trực tiếp đều do…con người gây ra. Những công xưởng khổng lồ phát khí thải hết năm này sang năm khác làm trái đất nóng lên; khai thác tận diệt nguồn tài nguyên đất, rừng, sông biển khiến mưa bão, lũ lụt tàn phá khốc liệt hơn. Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường gọi đó là cơn thịnh nộ, nổi giận của thiên nhiên.

Cụm từ “biến đổi khí hậu” trước đây nghe còn xa lạ, viển vông, nhưng nay đã thấy hiển hiện rất gần, thậm chí đối với nhiều quốc gia, vùng đất thì đã là hậu quả nhỡn tiền. Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng cũng được đánh giá và đưa vào danh sách khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cũng đã có không ít chương trình, dự án về cải thiện môi trường, phát triển bền vững như thu gom, xử lý chất thải rắn, nước mưa, nước thải; kịch bản xây dựng thành phố các bon thấp; sản xuất vật liệu không nung; chống xâm nhập mặn…

Có câu: Thành công lớn bắt đầu từ những việc nhỏ, mong rằng sự chuyển biến trong ý thức, nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức và quy mô lớn hơn là mỗi quốc gia, châu lục, sẽ góp phần tích cực làm dịu bớt tần suất cũng như mức độ những cơn thịnh nộ của đất trời. 

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông