Biển Đông – Quyền và trách nhiệm quốc tế (Kỳ 3): Kiên định lập trường hòa bình

10:02 16/08/2019

Việc Trung Quốc nhiều lần vi phạm nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời công khai tiến hành các hoạt động tôn tạo, lấn biển quy mô lớn ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phản đối và quan ngại của các nước là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; Trái với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Ngư dân Việt Nam bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc

Cần phải thấy rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là luôn tìm mọi cách hàn gắn những bất đồng, củng cố mối đoàn kết hữu nghị quốc tế, tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên lập trường của Đảng và Nhà nước cũng hết sức kiên quyết, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

“Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên”.

Việt Nam cũng nhiều lần và liên tục đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982.

Tuy nhiên, gần đây nhất Trung Quốc tiếp tục cho nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam.

Trước động thái này, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 31-7 vừa qua, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe doạ nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hoá, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Rõ ràng, quan điểm của Việt Nam là luôn kiên định lập trường duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông cũng như khu vực và trên toàn thế giới. Vì vậy các nước trong khu vực cũng như trên thế giới cần phải có đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu chung này.

Ngày 7-8 vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông