Biến động dài hạn, giá vàng tiếp tục giữ ở mức cao

07:51 30/06/2020

Tính từ tháng 2 vừa qua, giá vàng trong nước tái lập mức kỷ lục 49 triệu đồng/lượng, đến nay dù có những lúc lên xuống, nhưng vàng vẫn xoay quanh mức giá này. Việc giá vàng kéo dài thời gian hơn 4 tháng trên mức đỉnh của mọi thời đại, đang tạo những tiềm ẩn đáng lo cho thị trường vàng – tiền tệ, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ngoài Việt Nam.

(Hình ảnh minh họa)

          Kéo dài kỷ lục

Trước đó, cách đây 8 năm, vào năm 2011 giá vàng trong nước đã có thời điểm lên tới mức 49 triệu đồng/lượng, nhưng mức giá này không giữ được lâu, trong khoảng thời gian sau đó giảm mạnh và đứng ở khoảng trên dưới 35 triệu đồng/lượng trong mấy năm liền vừa qua.

Từ cuối năm 2019, trước những tác động của tình hình thế giới, nhất là những điểm nóng xung đột chiến tranh, xung đột thương mại giữa các cường quốc, giá vàng tăng mạnh trở lại. Đặc biệt sang đầu năm 2020, giá vàng vọt tăng lên và tái lập đỉnh trong thời gian hơn 4 tháng quá như đã nói ở trên.

Riêng đối với vàng trong nước, điều hết sức đáng lưu ý là, nếu như vào thời điểm tháng 8-2011 giá vàng đạt 49 triệu đồng/lượng, thì giá thế giới khoảng 1.900 USD/oz, còn hiện tại, giá thế giới mới ở mức bình quân 1.700 USD/oz. Cho thấy, giá vàng trong nước đang có chiều hướng vận hành khác biệt

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn thế giới, tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế, cộng hưởng với những điểm nóng xung đột chưa có dấu hiệu cải thiện.

Điều này dẫn đến thất nghiệp gia tăng, trong khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải tung ra những gói tài chính lớn, nhằm cứu vãn nền kinh tế. Nghĩa là, cung tăng, cầu giảm, giá trị sản xuất giảm, trong khi tài chính “bội thực”, đã tạo cơ hội cho vàng trở lại với những giá trị truyền thống trước đó.

(Hình ảnh minh họa)

Muốn tiết kiệm cũng khó

Điều đó có thể thấy rõ ở Việt Nam, khi từ rất lâu, người dân đã xem vàng là một phương tiện thanh toán cũng như công cụ tích trữ hữu hiệu, nhất là khi nền kinh tế nước ta chưa phát triển, lạm phát ở mức cao, đồng tiền tiết kiệm được chuyển hóa qua nhiều hình thức vật chất khác nhau.

Những năm gần đây, trong điều kiện mở cửa hội nhập, giá trị truyền thống của vàng đã có nhiều thay đổi,  những người có tiền dư có thêm lựa chọn các phương thức tiết kiệm như: gửi ngân hàng, mua bất động sản, đầu tư chứng khoán, cho vay lãi ngoài…

Tuy nhiên, dù nền kinh tế phát triển hay trì trệ, trong xã hội luôn có một bộ phận không nhỏ người dân dư thừa của cải trong sinh hoạt. Bên cạnh việc đầu tư sinh lời từ hoạt động kinh doanh, nhiều người chọn phương pháp tích trữ bảo toàn và phát triển vốn.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, Chính phủ vẫn có nguồn vàng dự trữ, được xem như một kênh bảo đảm an toàn cho nền kinh tế.

Cũng có quan điểm cho rằng, việc giá vàng trong nước giữ ở mức cao và tạo khoảng cách lớn với vàng thế giới như hiện nay, ngoài lý do vận động theo mức tăng chung toàn cầu, còn bởi sự phân cách do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Cụ thể, trong khi Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh, thì bên ngoài Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, với gần 10 triệu người mắc nhiễm. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã tạo ra những khoảng cách ly nhất định giữa các nền kinh tế, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chính vì vậy, nhiều luồng hàng hóa chưa thể vận hành trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, giá vàng ở Việt Nam với thị trường vàng thế giới cũng tương tự.

 Điều đáng nói nữa  là, giá vàng tăng đã tác động đáng kể tới một bộ phận không nhỏ dân cư, nhất là nhóm người lao động phổ thông, vì tích trữ vàng vẫn là thói quen phổ biến.

Theo phản ánh của một số công nhân ở khu công nghiệp Tràng Duệ, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, những năm trước nhiều công nhân đã chọn vàng làm nguồn tích trữ, với phương thức lập nhóm “góp vốn sắm chung”.

Nghĩa là lần lượt theo tháng, nhóm sẽ góp tiền, tháng này đánh “1 chỉ” cho người này, tháng sau sẽ đến lượt người khác. Giá vàng tăng cao, khiến phương thức khá hay này cũng không được bền vững.

(Hình ảnh minh họa)

Lúng túng trong đầu tư

Trong khi đó, chỉ tính trên địa bàn Hải Phòng, song hành cùng tốc độ phát triển, hàng chục năm qua bên cạnh những dự án đầu tư bất động sản theo hướng đô thị hóa, còn một lượng rất lớn đất đai, nhà ở được thu hồi để phục vụ cho các dự án kinh tế, hạ tầng giao thông.

Khó có thể thống kê được số tiền đền bù được chuyển cho những người dân, nhưng chắc chắn là con số rất lớn, chưa kể một nguồn tiền không nhỏ của xã hội dôi dư từ các hoạt động khác. Dù có tiền nhưng nhiều người không có khả năng đầu tư kinh doanh, tự tái tạo và phát triển nguồn vốn.

Như đã nói, trước kia thị trường chứng khoán là điểm đến đầu tư, nhưng thực tế cho thấy những người “ngập sâu” vào chứng khoán đã phải “ăn quả đắng” đến mức nào. Còn đầu tư vào bất động sản, không phải người nào cũng có… duyên, vì vậy giá vàng tăng cao đang làm khó cho bộ phận người có tiền này.

Ở một góc độ khác, một kênh tiết kiệm truyền thống nữa là tích trữ ngoại tệ, thì ngay cả giá trị ngoại tệ cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Chẳng hạn như đô la Mỹ, trong 5 năm qua mức độ chênh lệch không đáng kể, thời điểm cao nhất giá đô la Mỹ chợ “đen” đạt trên 23 nghìn đồng/USD, hiện cũng ở mức tương tự.

Nhưng việc tích trữ đô la Mỹ dù không sinh lời, vẫn cơ bản giữ được nguồn vốn ổn định. Còn việc tích trữ bằng đồng Euro hay một số ngoại tệ mạnh khác đều bị thiệt hại, khi những ngoại tệ này ngày càng mất giá so với đô la Mỹ. Mặt khác, ngoại tệ là nhóm tài sản được quản lý chặt chẽ bởi các chính sách, người dân không thể tự ý muốn đầu tư là được.

          Ngay cả việc một số người mạnh dạn đem tiền dôi dư của mình đầu tư vào các hoạt động tín dụng đen hoặc xé nhỏ tự đem cho vay lãi, thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro. Hậu quả thấy rõ là những vụ vỡ nợ, lừa đảo, chiếm dụng tài sản liên tục xảy ra, nhiều gia đình mất trắng cả “chì lẫn chài” khi cho vay.

Trong số đó có không ít “chủ nợ” ảo khi lợi dụng khả năng quan hệ hoặc vị trí công tác, chuyển tiền từ các ngân hàng sang thị trường đen, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những khoản “nợ xấu” khổng lồ mà chưa có giải pháp thu hồi.

          Có thể thấy thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nhưng thị trường vàng đang khiến việc giải quyết các nguồn tiền dư thừa vướng mắc.

Nghĩa là một lượng không nhỏ nguồn vốn trong xã hội đang bị đóng băng, khi hầu hết các kênh hoạt động đều đem lại ít hiệu quả như đã nói ở trên.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích