14:56 26/12/2015
Với khả năng gây nghiện cao, thuốc lá khiến không ít người phải lệ thuộc vào nó. Với nhiều người, hút thuốc lá đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Ý thức được những tác hại mà thuốc lá gây ra nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm để từ bỏ nó. "Bỏ thuốc lá thì tôi xin chịu" Hút thuốc lá đến nay đã được gần 10 năm, anh Nguyễn Văn Toản, ở An Lão, Hải Phòng, tâm sự: "Nghe đài báo thì cũng biết hút thuốc lá có nhiều tác hại, nhất là dễ gây ung thư phổi, đấy là chưa kể bị vợ chê hôi mồm. Cũng mấy lần tôi định bỏ thuốc nhưng quyết tâm không cao, nhìn anh em, bạn bè phì phèo điếu thuốc lại thấy nhớ, thế là lại hút". Cũng giống với anh Toản, anh Lê Đức Diện, hiện làm lái xe container cho biết: "Nghề lái xe đường dài thường hay phải thức đêm nên rất căng thẳng, mệt mỏi, những lúc như vậy, điếu thuốc lá giúp chúng tôi trở nên tỉnh táo hơn rất nhiều. Lái xe chúng tôi hút thuốc lá nhiều nên thành ra nghiện, bỏ cái gì thì được chứ bỏ thuốc lá thì tôi xin chịu". Nhiều bạn trẻ khi được chúng tôi hỏi về việc bỏ hút thuốc lá hầu hết đều lắc đầu và cho biết: nói chung bỏ thuốc lá không phải là việc dễ, nhất là khi nó trở thành một thói quen của nhiều người. Thêm vào đó, việc bày bán thuốc lá vẫn còn tràn lan, việc xử phạt cũng chưa thực hiện một cách quyết liệt nên khó tạo động lực để người hút từ bỏ hành vi không có lợi cho sức khỏe như thế này. Người hút thuốc lá thì có trăm ngàn lý do để biện minh cho hành vi hút thuốc lá của mình. Trường hợp như của anh Toản hay anh Diện vừa nêu không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Dạo quanh những nơi công cộng như quán café, bến xe, điểm chờ xe buýt…, không khó để bắt gặp cảnh hình ảnh người ta hút thuốc một cách tự nhiên, thoải mái. Việc hút thuốc phổ biến tại các nơi công cộng như hiện nay không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người khác do hít phải khói thuốc thụ động. Về mặt sức khỏe, thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Về mặt kinh tế, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp này không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường… Năm 2012, người dân Việt Nam đã chi cho việc mua thuốc lá là 22.000 tỷ đồng. Những tổn thất này được rất nhiều người dù có hay không sử dụng thuốc lá biết tới nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao việc cai bỏ thuốc lá lại trở thành điều hết sức khó khăn của không ít người? Thuốc lá gây nghiện nhưng có thể bỏ nếu quyết tâm 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư, nicotine, nhựa thuốc lá (Tar), Các-bon-mô-nô-xit, chất phụ gia… là những thành phần chính của khói thuốc lá. Theo nghiên cứu, chính chất nicotine khiến người hút bị nghiện, rồi dần dần bị lệ thuộc vào thuốc lá. Chỉ 7 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, có nghĩa lượng nicotine dần bị thiếu hụt, lúc này, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người nghiện hút điếu tiếp theo để cung cấp nicotine trở lại. Đây chính là lý do vì sao thuốc lá khiến con người ta bị ràng buộc đến vậy. Chính vì tác dụng kích thích nhanh, mạnh, gây hưng phấn tức thời mà nicotine sẽ khiến người hút nghiện thuốc lá từ trung bình đến nặng và một khi nghiện thì rất khó bỏ. Theo nhiều so sánh, nghiện nicotine cũng khó từ bỏ không thua kém nghiện heroin. Theo thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Quang Chính - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố, cai thuốc lá không phải là một việc dễ dàng, do đó không thể thực hiện nó trong một sớm một chiều. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi người hút thuốc lá phải có một quyết tâm rất cao, một sự kiên trì, tính toán giữa cái được và cái mất để hạ quyết tâm bỏ thuốc. Bên cạnh đo, chúng ta phải vận động mọi người cùng bỏ thuốc để tránh bị lôi kéo hút thuốc trở lại bởi theo một nghiên cứu cho thấy người nghiện thuốc dễ dàng tái nghiện trở lại do họ không vượt qua được thời kỳ khó khăn với các hội chứng cai thuốc lá. Hiện nay, việc xử phạt người hút thuốc lá tại những nơi có quy định cấm chưa được thực hiện triệt để; việc bày bán thuốc lá sai quy định của nhiều cửa hàng, đại lý… là những lý do khiến tình trạng hút thuốc lá chưa thể xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên với việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời cũng tạo ra động lực giúp nhiều người thêm quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Hút thuốc thì dễ nhưng để bỏ thuốc thì là cả một cuộc chiến gian nan. Để mỗi người không phải trải qua những khó khăn của giai đoạn cai nghiện thuốc lá thì công tác truyền thông về tác hại thuốc lá cần phải được quan tâm đầu tư đúng mức. Đồng thời hoạt động này cần nhận được sự tham gia vào cuộc của đông đảo các lực lượng để kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhằm mang lại hiệu quả cao. PV |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024