Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

18:31 10/08/2022

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, ngày 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tổ chức hoạt động chất vấn, sau phiên chất vấn lần đầu được tổ chức rất thành công vào tháng 3- 2022.

Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.

Dự tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng; đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan.

Trong phiên họp sáng 10-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

                   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì
                                        
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tham dự phiên chất vấn

  

                                                   Đề xuất Quốc hội ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân

     Các đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn); Đồng Ngọc Ba (Bình Định); Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đặt nhiều câu hỏi về bảo vệ thông tin cá nhân và đề nghị Bộ Công an cho biết giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên mạng…

                                                   

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn

     Bộ trưởng Tô Lâm cho biết,Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ. Đồng thời, tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.

   Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, Bộ đề xuất Quốc hội xem xét thông qua Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến thông qua năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp rao bán dữ liệu cá nhân.

                                                  Đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử

      Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về những khó khăn, vướng mắc, hạn chế  trong việc triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử và đề nghị Bộ trưởng trả lời.

                                                     

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn

         Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sau khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Tháng 2-2021), Bộ Công an đã triển khai gắn số định danh và thông báo 100% số định danh cá nhân cho công dân toàn quốc (mã số định danh cá nhân được cấp ngay từ khi công dân mới sinh ra và chính là số căn cước sau khi công dân đến tuổi làm căn cước).

       Đồng thời, đã triển khai chiến dịch thu nhận và cấp 50 triệu thẻ căn cước gắp chíp điện tử cho công dân toàn quốc để nhân dân sớm được hưởng những tiện ích do thẻ căn cước mới mang lại. Chiến dịch cấp căn cước được triển khai với tinh thần quyết liệt, lực lượng Công an chủ động tìm đến dân để phục vụ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tính đến ngày 05/08/2022, Bộ Công an đã cấp được 67.910.130 thẻ Căn cước công dân gắn chíp; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng phấn đấu hoàn thành việc cấp Căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9/2022 (Riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8).

                                                   

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời các câu hỏi chất vấn

        Cùng với việc đẩy mạnh cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (tài khoản định danh điện tử có thể được xem như “căn cước công dân trên mạng”); đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước tạo thuận lợi nhất cho người dân, điển hình là đã tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân dùng thẻ căn cước đi khám bệnh tại các Cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); triển khai thí điểm xác thực danh tính qua thẻ Căn cước công dân tại các quầy giao dịch của 5 Ngân hàng (BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank, Pvcombank); thí điểm sử dụng thành công thẻ Căn cước công dân thay thẻ ATM...

      Để đẩy nhanh tiến độ cấp Căn cước công dân có gắp chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử và tăng cường các ứng dụng trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo, thực hiện các giải pháp: Công an các địa phương tập trung lực lượng, trang thiết bị, phương tiện và thực hiện các giải pháp tổng thể để cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử. Giao Giám đốc Công an địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ chỉ đạo của Bộ Công an. Trong quá trình triển khai có kiểm tra, giám sát và thực hiện quan tâm, động viên, khen thưởng cán bộ, chiến sĩ kịp thời; phê bình kiểm điểm các đơn vị có kết quả yếu kém. Thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ tiện ích của thẻ căn cước công dân có gắn chip và tài khoản địnhh danh điện tử để công dân biết và triển khai thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai tích hợp thông tin, ứng dụng thẻ căn cước trên các lĩnh vực, góp phần  giảm bớt các giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân…

                                                      Thông tin về  cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới

        Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong cấp hộ chiếu phổ thông mới?

                                                    

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi

       Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngày 22/11/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có quy định về các loại giấy tờ xuất, nhập cảnh. Thực hiện quy định của Luật, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan (dự thảo Thông tư có xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan).

       So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu phổ thông mẫu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là điểm đến ấn tượng, thú vị (các hình ảnh đưa vào hộ chiếu đã được Hội đồng gồm các chuyên gia về văn hóa, họa sĩ, nhà sử học... thẩm định).

     Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mẫu hộ chiếu mới và thời điểm cấp hộ chiếu cũng như tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến (dịch vụ công cấp độ 4) để hạn chế công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

        Theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, ICAO cũng quy định cụ thể về cách thiết kế, bố trí từng nội dung thông tin trên trang nhân thân của hộ chiếu để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với máy đọc hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới. Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế. 

         Về vấn đề hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Do đó, trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 6 và khoản 3, Điều 45, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA; theo đó mẫu hộ chiếu mới ban hành theo Thông tư không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.

          Về vấn đề một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu (Bộ Công an đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này).

                                       Xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

       Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ,tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng đã và đang diễn ra phức tạp, khó lường; lực lượng công an đã xử lý rất nhiều nhưng vụ việc vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi hơn và đề nghị  Bộ trưởng cho biết nguyên nhân; cách giải quyết.

                                            

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn

       Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”... Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan Công an Việt Nam.

      Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng… Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả đấu tranh đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm sử dụng công cao, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

             Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng; Chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo “An toàn, an ninh mạng quốc gia”, các Tiểu ban tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

     Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...); Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài (nhất là các nước trong khu vực ASEAN). Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, dễ tiếp cận, nhất là đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

          Thực hiện tốt công tác nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, băng, nhóm đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh, triệt phá; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác khởi tố, điều tra, xử lý đối tượng phạm tội, nhất là với đối tượng chủ mưu, cầm đầu; Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung. Nâng cao trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

                  Ngăn chặn tình trạng đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet

         Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, tình trạng tán phát tin giả sai sự thật trên internet, mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng, gây rối loạn thông tin, đánh lừa dư luận, gây hoang mang dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công an đánh giá cụ thể về hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích, hướng dẫn về các chính sách mới của Đảng và hiệu quả của việc sử dụng mạng xã hội, internet để phục vụ cho công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh với việc tán phát tin giả, tin sai sự thật?

                                          

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đặt câu hỏi

                  Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin...

     Thủ đoạn phổ biến tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

      Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng số đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận. Tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện cả hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền...

       Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.

       Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Cử đầu mối phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả - Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định nguồn tin, xử lý tin giả. Ban hành “Quy trình công tác công an phát hiện, đấu tranh, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội”, trong đó đã chỉ ra các bước tiến hành; các trường hợp có thể gặp phải trong quá trình đấu tranh xử lý; phân công trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, địa phương trong chủ trì, phối hợp đấu tranh, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội.

       Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng.

       Để công tác đấu tranh phòng, chống tin giả, sai sự thật, tán phát các video phản cảm, độc hại đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí.

        Chủ động bám sát diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp có nguy cơ bị các đối tượng khai thác để tạo dựng, tán phát, chia sẻ thông tin giả mạo, tin sai sự thật; chủ động rà soát, đánh giá xác định đối tượng “nguồn tin trọng điểm” để đôn đốc, hướng dẫn, điều phối tổ chức truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.

       Phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghiên cứu áp dụng những giải pháp kỹ thuật mới về công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ công tác theo dõi, nắm bắt, phân tích, đánh giá, chỉ đạo, điều hành, phối hợp của các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Ban Chỉ đạo 35 các ban, bộ, ngành, địa phương trong tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tin giả, tin sai sự thật, tán phát các video phản cảm, độc hại. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện.

       Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.

                                          Đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng; hoạt động “tín dụng đen”

      Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề cập tình hìnhtội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi và đặt câu hòi: Bộ Công an có biện pháp gì để đấu tranh, xử lý trong thời gian tới?

                                                   

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chất vấn

     Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xủ lý các vi phạm. Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, toàn quốc phát hiện 7.903 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 691 cơ sở kinh doanh tài chính dưới các hình thức, 3.941 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao, 37 cơ sở kinh doanh, 46 cá nhân hoạt động huy động vốn lãi suất cao, 762 cá nhân tham gia hụi, họ, biêu phường, 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 140 băng nhóm tội phạm,1.874 đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.  

        Đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

         Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.

        Triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.

       Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay. Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động. Chỉ đạo điều tra, mở rộng đối với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm tốt công tác thu hồi nguồn tiền từ hoạt động “tín dụng đen”.

                                                                Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy

        Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) phản ánh: theo báo cáo của Bộ Công an, về cơ bản toàn quốc không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Bộ Công an nên xem xét lại nhận định này vì tội phạm ma túy, người sử dụng ma túy vẫn còn ở mức cao. Vậy họ mua bán ở đâu và sử dụng chỗ nào mà không còn tụ điểm phức tạp? Đề nghị Bộ trưởng làm rõ nhận định trên để có giải pháp phù hợp?

                                                   

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) chất vấn

           Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra tại một số địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Đáng lưu ý, tình trạng người dân trồng cây cần sa tại nhà riêng, vườn nhà; người nước ngoài thuê đất để trồng cần sa trái phép ở một số thành phố, đô thị lớn vẫn diễn ra.

        Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng đang có xu hướng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc là 217.059 người; số người sử dụng trái phép chất ma túy là 59.537 người.

      Đây là nguồn cầu ma túy rất lớn, là nguy cơ làm phát sinh, phát triển các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác, gây phức tạp về trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, nhất là số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, “ngáo đá” gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.

                                           

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn

      Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; cụ thể: Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025.Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác nhằm đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; triệt xóa các tụ điểm ma túy phức tạp; Triển khai thực hiện hiệu quả Phương án nghiệp vụ của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam.

      Kết quả, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 38.734 vụ, 56.676 đối tượng; thu giữ 1.070 kg heroin; 3.519,83 kg + 4.545.644 viên ma túy tổng hợp; 1.128,49 kg cần sa; 208 khẩu súng, 491 tỷ động cùng nhiều vật chứng có liên quan. 6 tháng đầu năm 2022, đã khởi tố mới 12.097 vụ, 16.524 đối tượng phạm tội về ma túy; xử lý hành chính: 5.473 vụ, 10.544 đối tượng, xử phạt 12,05 tỷ đồng; đấu tranh triệt xóa 273 điểm, 29 tụ điểm phức tạp về ma túy. Về cơ bản, toàn quốc không còn tụ điểm ma túy phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

      Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục quán triệt, thực hiện các nội dung nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ. Đẩy mạnh việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành;

     Làm tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nguồn lực cho lực lượng Y tế, Lao động - Thương binh, Xã hội phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện và công tác cai nghiện đảm bảo hiệu quả hơn. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, các lực lượng phòng, chống ma túy quốc tế để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

      Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án nghiệp vụ của Bộ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, góp phần ngăn chặn ma túy từ xa. Tập trung đấu tranh giải quyết các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các địa bàn giáp ranh./.

                                                                                                                                             Hồng Thanh



 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông