16:10 26/03/2021 Sáng 26-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, đồng chí Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế, cùng đại diện các phòng ban, đơn vị và cơ sở y tế tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với sự cố gắng của toàn thể ngành Y tế và các ngành, các địa phương, nước ta đã hoàn thành việc dập 3 đợt dịch, đợt dịch gần nhất xuất phát từ tỉnh Hải Dương. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng có nguy cơ cao sẽ xuất hiện đợt dịch thứ 4, vì trong bối cảnh các nước xung quanh chúng ta có tình hình dịch diễn biến rất phức tạp. Nước ta có đường biên giới trải dài, đặc biệt đường biên giới khu vực Tây Nam không có ngăn cách rõ ràng.
Lực lượng bộ đội biên phòng đã căng mình triển khai lực lượng tại các khu vực này, song vẫn tồn tại nguy cơ các đối tượng xâm nhập trái phép vào nước ta, từ đó mầm bệnh có nguy cơ xâm nhập. Sáng nay, nước ta ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 là các đối tượng nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về (1 ca phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, 1 ca phát hiện tại thành phố Hải Phòng). Để chấm dứt được dịch bệnh, chúng ta cần thực hiện theo khuyến cáo 5K và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đã liên hệ với các đơn vị sản xuất vắc xin, tuy nhiên phải khoảng 1 tháng tới mới có đủ vắc xin để tiêm mở rộng cho người dân.
Trong thời gian này, ngành Y tế cần tập huấn kỹ việc tiêm chủng và xử lý sau tiêm chủng tới tận cấp xã, phường, để khi có vắc xin sẵn sàng triển khai khẩn trương tiêm phòng cho người dân, vì quá trình bảo quản vắc xin yêu cầu rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần triển khai tất cả các biện pháp an toàn cho cuộc bầu cử toàn quốc, các đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch đảm bảo các biện pháp y tế, đặc biệt phòng chống dịch. Một số địa phương có dịch có thể tiến hành diễn tập để cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn.
Về vấn đề tiêm chủng, hiện nay có hơn 250 loại vaccine đang được các nước trên thế giới nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu. Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vaccine và mua vaccine. Việc thiếu hụt nguồn cung vaccine đang là vấn đề trên toàn cầu. Thậm chí ngay khi vaccine chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã cố gắng đàm phán với các hãng vaccine trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm giai đoạn này còn khó khăn.
Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine trên toàn thế giới. Lô vaccine được cung cấp qua COVAX (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần.
Về lo ngại những phản ứng không mong muốn sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mọi loại vaccine, từ vaccine cũ đến vaccine phát triển thời gian gần đây đều có một số phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ... sẽ hết nhanh và tỷ lệ này khá cao. Một số nước châu Âu dừng tiêm vaccine để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, cơ quan Dược phẩm châu Âu đã tuyên bố không có liên quan nào giữa vaccine AstraZeneca và tình trạng đông máu. Vì vậy, một số nước đã quay trở lại tiêm vaccine này
Tại Hội nghị, đại biểu dự Hội nghị được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Astrazeneca (theo Quyết định 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021), hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm chủng (theo Thông tư 51/2021/TT-BYT ngày 19-2-2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ).
Vũ Duyên
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024