09:52 27/07/2020 BV Trẻ em Hải Phòng vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân Lương Nguyễn Ngọc A. 46 tháng tuổi, ở huyện Kiến Thuỵ, bị vỡ tá tràng không rõ nguyên nhân
.Ngày 1-7, bệnh nhân được gia đình đưa đến BV Trẻ em Hải Phòng, sau 1 ngày cháu bé xuất hiện sốt, kèm theo nôn nhiều lần, đau bụng quanh rốn, chưa đại tiện từ lúc đau, ở nhà đã dùng thuốc hạ sốt và uống oresol. Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sốt 38,7oC, tim đều, phổi rì rào phế nang rõ không ran, bụng chướng, nắn đau khắp bụng, đau nhiều hố chậu phải, có phản ứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc khắp bụng. Bác sĩ tiến hành chụp Xquang bụng không thấy hình ảnh bất thường; siêu âm bụng thấy hình ảnh dịch tự do giữa các quai ruột, các quai ruột vùng hố chậu phải thâm nhiễm viêm. Bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa vỡ/ rối loạn đông máu, được truyền huyết tương tươi và chỉ định mổ nội soi
Quá trình phẫu thuật, kíp mổ đặt 3 troca vào ổ bụng, camera qua troca tại rốn quan sát thấy ở bụng có dịch mủ ở hạ sườn phải, hố chậu phải và Douglas, ít giả mạc dính giữa các quai ruột, ruột thừa viêm xung huyết không tương xứng, kiểm tra tiếp có mạc nối lớn đến bao bọc lấy 1 ổ mủ tại góc mạc treo đại tràng góc gan, giải phóng mạc nối lớn thấy tổn thương hốc rộng nhiều mủ đen bẩn màu sô cô la đường kính 10cm bao quanh đoạn 2 tá tràng, sau phúc mạc nghi ngờ do tổn thương tá tràng. Trước tình hình trên, íp phẫu thuật đã quyết định chuyển mổ mở, rạch da đường trắng giữa trên rốn vào ổ bụng, bơm hơi qua sonde dạ dày để đánh giá chính xác vị trí tổn thương là vỡ ngang vuông góc bờ tự do tá tràng dài 7mm phía bờ tự do đoạn D2, bờ thẳng, niêm mạc hồng, thanh mạc 2 bên bờ tổn thương không mủn nát.
Bệnh nhân được xử lý trong phẫu thuật: khâu kín tổn thương bằng chỉ PDS 5,0 hai lớp mũi rời, mở thông hỗng tràng điểm cách góc Treizt 40 cm, rửa sạch ổ bụng, đặt 01 dẫn lưu tại vị trí vỡ tá tràng, 01 dẫn lưu douglas, lưu sonde dạ dày.
Sau mổ bệnh nhân sốt 38-39,5 °C, được điều trị kháng sinh, được nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Ngày 3 sau mổ bơm sữa nuôi dưỡng qua mở thông hỗng tràng khi bệnh nhân có lưu thông ruột tốt. Ngày thứ 4 sau mổ, cấy dịch dẫn lưu ổ vỡ tá tràng mọc vi khuẩn Klebsiella và tụ cầu vàng, bệnh nhân được thay kháng sinh theo kháng sinh đồ, hết sốt từ ngày 7, dẫn lưu ổ bụng rút ngày thứ 7 sau mổ, dẫn lưu tại vị trí vỡ tá tràng ban đầu ra dịch đục bẩn màu sô cô la, sau đó dịch trong dần và được rút vào ngày thứ 14, bệnh nhân tự ăn được sữa bằng đường miệng từ ngày thứ 12 sau mổ và rút sonde mở thông hỗng tràng vào ngày thứ 17, sau đó lỗ mở thông hỗng tràng tự liền dần và liền hoàn toàn sau rút 5 ngày, bệnh nhân xuất viện ổn định sau 23 ngày điều trị.
Hình ảnh vị trí tổn thương trong mổ và lược đồ phẫu thuật
Theo BS Trần Minh Cảnh, Phó Giám đốc BV Trẻ em Hải Phòng, thì tá tràng là tạng nằm sau phúc mạc, nằm vắt ngang cột sống, tổn thương tá tràng thường gặp trong những trường hợp chấn thương với lực va đập trực diện, ép tá tràng vào cột sống gây vỡ tá tràng, triệu chứng của bệnh đôi khi bị che lấp bởi tổn thương các tạng khác kèm theo và đôi khi mất nhiều thời gian để dịch tá tràng chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì triệu chứng mới rõ. Vỡ tá tràng là một bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín với tỷ lệ khoảng 3-5%. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là khâu xử trí ban đầu còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ biến chứng sau mổ (17,6-46,6%) và tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao (trên 20%). Đây là 1 trường hợp vỡ D2 tá tràng mà các bác sĩ không tìm được nguyên nhân, không khai thác được tiền sử chấn thương do bệnh nhân là trẻ nhỏ.
Việc BV Trẻ em Hải Phòng điều trị thành công bệnh nhân vỡ tá tràng tại khoa Ngoại tổng hợp, nhờ đánh giá chính xác mức độ tổn thương trong mổ, đưa ra quyết định can thiệp phẫu thuật phù hợp, kịp thời cứu sống bệnh nhân thoát khỏi lưới hái tử thần. Điều đó khẳng định chuyên môn vững vàng, thái độ phục vụ hết lòng vì người bệnh của cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện, được người nhà bệnh nhân ghi nhận và đánh giá cao.
Hồng Hải
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024