18:01 31/05/2018 Sáng 31-5, BV Trẻ em Hải Phòng đã gắp thành công dị vật là nắp kim loại, có rìa mỏng kèm gai nhọn, ra khỏi dạ dày bệnh nhân Đoàn Bảo Giang, sinh 2010, ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải.
Trước đó, lúc 22h ngày 29-5, bệnh nhân Đoàn Bảo Giang được người nhà đưa đến khám bệnh do bị nuốt dị vật vào đường tiêu hóa. Kết quả nội soi cho thấy vùng hang vị dạ dày của bệnh nhân có 1 dị vật hình tròn bằng kim loại, đường kính 1,2cm, rìa mỏng kèm gai nhọn ở trung tâm dị vật; niêm mạc bờ cong nhỏ phù nề sung huyết do dị vật nằm trong dạ dày.
Hình ảnh dị vật trong dạ dày bệnh nhân (Ảnh Hồng Hải)
Sau 2 ngày theo dõi cho thấy dị vật to, không thể qua dạ dày xuống ruột nên bệnh nhân được chỉ định gắp qua nội soi bằng ống mềm có gây mê.
Với chuyên môn vững vàng, kíp nội soi Khoa gây mê hồi tỉnh và Khoa tiêu hóa BV Trẻ em Hải Phòng đã gắp thành công dị vật là nắp kim loại từ dạ dày của bệnh nhân, đưa ra ngoài an toàn. Sau nội soi, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, có thể xuất viện sớm.
Dị vật được gắp ra từ dạ dày của bệnh nhân
Chị Lê Thị Minh Hằng, sinh 1983, là mẹ của bệnh nhân Đoàn Bảo Giang xúc động cho biết: Lúc 21h ngày 29-5, tôi đang ở nhà thì cháu Giang chạy lại kêu cứu vì đã nuốt phải nắp kim loại vào cổ họng. Lúc này, cháu có biểu hiện ho sặc sụa, toàn thân tím tái và khó thở.
Sau đó, cháu nuốt dị vật vào đường tiêu hóa nên không bị khó thở. Gia đình đã vội vàng đưa cháu đến BV Trẻ em để thăm khám. Các bác sỹ đã gắp thành công dị vật từ dạ dày, đưa ra ngoài an toàn, trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của cháu và cả gia đình tôi…”.
Sức khỏe của bệnh nhân Đoàn Bảo Giang tiến triển tốt (Ảnh Hồng Hải)
Theo bác sỹ chuyên khoa II Trần Minh Cảnh, Phó Giám đốc BV, dị vật đường thở và đường tiêu hóa là một cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng và tiêu hóa, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Dị vật có đường kính dưới 2cm như: pin cúc, đinh, hạt lạc, hạt na… nếu trẻ nuốt phải sẽ dễ tụt vào đường thở và khí quản, có thể gây ngừng thở.
Đặc biệt, trẻ nuốt phải pin cúc thì cực kỳ nguy hiểm, khi pin cúc vào khí quản và thực quản sẽ gây bỏng do điện, gây hẹp khí quản và thực quản. Nếu trẻ nuốt hoặc hóc dị vật nhọn sẽ gây thủng phổi, họng, thủng phế quản, xẹp phổi, áp xe phổ nhiễm trùng và nhiễm trùng máu.
Trẻ nuốt dị vật xuống đường tiêu hóa sẽ gây thủng dạ dày, thủng ruột, nhiễm trùng, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Bác sỹ Cảnh cũng cho biết: Khi trẻ hóc dị vật, sẽ có biểu hiện tím tái, ho sặc sụa, có thể bị ngừng thở nếu dị vật làm bịt đường thở. Khi gặp dị vật đường thở, nhất là đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần bình tĩnh, trách kích thích trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sỹ chuyên khoa thăm khám và xử trí kịp thời.
Thiết nghĩ, dị vật đường hô hấp và đường tiêu hóa ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không được để trẻ nhỏ chơi hoặc cầm các đồ vật có nhiều chi tiết nhỏ hoặc các loại thực phẩm dễ gây hóc như lạc, thạch, nhãn, chôm chôm…
Trong bất kỳ trường hợp hóc dị vật nào, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến viện càng sớm càng tốt, không nên cố gắng dùng tay lấy dị vật vì có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn…
Hồng Hải
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão