21:47 31/10/2013 “Đến Đường Lâm mà không thăm “rặng duối Cụ Ngô” thì thật là điều đáng tiếc, thượng tá Phan Xuân Đô, Phó trưởng CATX Sơn Tây nói như vậy khi dẫn chúng tôi thăm làng cổ Đường Lâm. Chỉ đến khi bước vào Đường Lâm, “đất hai Vua”, chúng tôi mới thấy điều anh Đô nói thật đúng.
“Đến Đường Lâm mà không thăm “rặng duối Cụ Ngô” thì thật là điều đáng tiếc, thượng tá Phan Xuân Đô, Phó trưởng CATX Sơn Tây nói như vậy khi dẫn chúng tôi thăm làng cổ Đường Lâm. Chỉ đến khi bước vào Đường Lâm, “đất hai Vua”, chúng tôi mới thấy điều anh Đô nói thật đúng. Bởi ở đây có tới 138 ngôi nhà cổ từ 100 tuổi trở lên, trong đó có một số ngôi nhà 200, 300 tuổi và 7 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia với đền thờ Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh rồi chùa Mía, đình thôn Mông Phụ, đình thôn Đoài Giáp và đình thôn Cam Thịnh. Không chỉ thế, Đường Lâm còn có 21 đồi gò và 18 địa danh nổi tiếng như đồi Hổ Gầm, giếng Sữa…, trong đó có rặng duối, nơi được cho là Ngô Quyền đã dùng buộc voi chiến, ngựa chiến… Trước bản danh sách dài mà thượng tá Đô liệt kê, do thời gian không có nhiều, chúng tôi quyết định chỉ vào thăm đình Mông Phụ, ghé qua một ngôi nhà cổ rồi tìm đến “rặng duối Cụ Ngô”… Đi trên con đường lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường đá ong, ta mới cảm nhận được không gian u tịch của một ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi mang đậm bản sắc thuần nông đồng bằng Bắc Bộ và dấu ấn của một nền văn minh lúa nước. Thượng tá Đô là người sinh ra và lớn lên ở TX Sơn Tây nên anh hiểu khá rõ về ngôi làng cổ này. Vừa đi anh vừa chỉ cho chúng tôi thấy nét độc đáo trong kiến trúc làng ở Đường Lâm, đó là những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông nhau. Kiến trúc độc đáo này nhằm đảm bảo về mặt an ninh, người làng thì đi ngả nào rồi cũng về đến nhà nhưng kẻ trộm một khi mò vào đây dù có chạy đằng trời cũng bị bắt, bởi mỗi khi có động, tráng đinh trong làng ùa ra, rất nhanh, họ sẽ dồn kẻ gian vào một chỗ. Có lẽ linh hồn làm nên nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đấy chính là đá ong. Đến Đường Lâm, ta bắt gặp đá ong ở mọi nơi, từ những ngôi nhà gỗ với bức tường xây bằng đá ong nằm trong khuôn viên có tường bao cũng xây bằng đá ong đến cổng làng, cổng nhà và cả giếng nước... Đá ong là loại vật liệu có sẵn của xứ Đoài. Ngày xưa, trong “Đôi mắt người Sơn Tây”, nhà thơ Quang Dũng từng thổn thức: “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/Em đã bao ngày lệ chứa chan”. Nét độc đáo của đá ong, khi được đào lên thì còn mềm nhưng khi đã đẽo thành khuôn gạch rồi thì càng để lâu, càng phơi sương, phơi nắng, càng cứng. Chọn vật liệu này xây nhà, xây cổng…, người Đường Lâm đã tạo nên nét đặc sắc cổ kính riêng có cho ngôi làng của mình, bởi thế người ta mới gọi Đường Lâm là làng Việt cổ đá ong. Khách vào tham quan Đường Lâm thường được đưa đến đình Mông Phụ đầu tiên, bởi ngôi đình này nằm ngay trung tâm làng cổ. Ngôi đình được xác định xây dựng từ năm 1553, thời vua Lê Thần Tông, thờ Đức Thánh Tản, đệ nhất phúc đẳng thần, một trong bốn vị tứ bất tử của người Việt. Dân Đường Lâm khá tự hào về ngôi đình này, bởi đình được đặt ở một thế đất cực đẹp, tọa lạc đầu một con rồng, hai bên hông đình có hai giếng nước là hai con mắt rồng. Nét độc đáo của đình Mông Phụ ở chỗ, đình có sàn gỗ, đây là dấu ấn của kiểu kiến trúc Việt - Mường và khác với kiến trúc hiện đại, thường sân và nền nhà cao hơn đường thì ở đây sân đình lại thấp hơn so với mặt bằng xung quanh. Điều khác thường ấy chính là dụng ý của người xưa, khi mưa, nước từ tứ phía sẽ đổ vào sân đình, bởi nước phải chảy chỗ trũng. “Tụ thủy sinh tài lộc”, phải chăng, đấy là khát vọng của người xưa về một cuộc sống đủ đầy, no ấm cho dân làng. Sau đó, nước từ sân đình chảy theo đường cống hai bên đình, chẳng khác nào đôi râu rồng. Còn một nét độc đáo nữa, khu vực sân trước đình rộng mênh mông, có thể coi đây là điểm giao nhau của một “ngã sáu”, từ đây có 6 con đường tỏa đi các hướng và cũng từ 6 hướng lại quy tụ về đây. Song điều đặc biệt, từ sân đình, người ta theo 6 con đường đi về bất kể xóm nào nhưng không hề quay lưng lại với hướng đình. Rời đình Mông Phụ, thượng tá Đô đưa chúng tôi vào thăm ngôi nhà cổ của gia đình một người vốn là chỗ quen biết, đấy là gia đình nhà văn Hà Nguyên Huyến, hiện là biên tập viên tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn. Nhà ông Huyến ở xóm Sui, thôn Mông Phụ. Theo ông Huyến, ngôi nhà của gia đình ông có độ tuổi dư 200 năm và là di tích được xếp hạng nhà cổ loại I. Ngôi nhà này được thiết kế theo lối nội tự, ngoại khách (trong thờ tự, ngoài tiếp khách) gồm 5 gian, 2 dĩ. Nhà ông có nghề gia truyền làm tương nên trong sân bày la liệt các chum sành khá lớn. Với nước da ngăm đen, bộ râu quai nón cùng với giọng nói khàn khàn, ông Huyến vào “vai” hướng dẫn viên khá ngọt. Chả thế mà các đài truyền hình khi về Đường Lâm làm phim hầu như đều tìm đến ông. Văn hóa xứ Đoài cũng như lịch sử các huyền thoại về Kẻ Mía, tên nôm của Đường Lâm, quê ông Huyến dường như thấm đượm trong con người nhà văn này. Trước thắc mắc của chúng tôi, nói Đường Lâm là làng cổ nhưng ở Đường Lâm hiện có tới 9 làng thì theo Huyến, nói đến Đường Lâm là nói đến vùng đất của một cộng đồng dân cư gồm 9 làng hợp lại chứ không nên quan niệm Đường Lâm là một xã với sự phân chia hành chính như hiện nay. Bởi như thế khó có thể đánh giá một cách tổng quát lịch sử, văn hóa đã diễn ra trên mảnh đất này. Sau khi thắp hương ở đền và lăng Ngô Quyền, thượng tá Đô kéo luôn ông Dương Hữu Số, thủ từ trông coi đền, lăng đi cùng chúng tôi ra phía đồi Hổ Gầm. Vừa ra khỏi làng cổ với con đường lát gạch cùng tường đá ong trầm mặc cổ kính nhuốn màu thời gian, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rặng duối gồm 18 cây đứng bên thảm lúa trong một lũng dài ngút ngàn sắc xanh, uy nghi, in bóng trên nền trời lồng lộng. Từ bên này lăng Ngô Quyền nhìn sang, các “cụ duối” nằm ở khoảng giữa, còn bên kia là đồi Hổ Gầm với đền Mẫu và giếng Sữa linh thiêng, ông Số chỉ tay giới thiệu. Khu vực này đồi, gò thấp chỉ trồng lúa và hoa màu chứ tịnh không có nhà cửa cũng như mồ mả gì. Ông Số cho biết, rặng duối chính là địa giới đất đai của tướng Ngô Quyền khi ông chưa lên ngôi vua với các dòng họ khác trong làng. Từ rặng duối kéo vào đến ngôi đền mà chúng tôi vừa vào thắp hương là đất của Ngô Quyền. Từ sau khi Ngô Quyền mất vào năm 944 đến tận bây giờ, đất ấy vẫn là đất của Vua nên không ai được phép xâm phạm, không được làm nhà ở và cũng không được đặt mồ mả. Bảo vệ đất đai của Ngô Vương, bà con Đường Lâm tâm niệm chính là thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ công lao của ngài. Theo ông Số, ngày xưa vùng này là vùng đồi gò với rừng cây rậm rạp, đêm ngủ còn nghe tiếng hổ gầm, vượn hót. Sau khi phát quang cây cối, tướng Ngô Quyền đã lấy đây làm bãi luyện quân. Rặng duối dài hàng ngàn mét (nay chỉ còn 18 cây) được Ngô Quyền dùng làm nơi buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận. Sau này, Ngài tập kết quân lính, tổ chức duyệt binh, tuyên thệ tại bãi đất dưới rặng duối này rồi tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh trận thủy chiến nổi tiếng khiến quân Nam Hán tan tác, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc. Như vậy, rặng duối đã dư ngàn tuổi. Tháng 4-2011 vừa qua, rặng duối đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Bà con Đường Lâm trìu mến gọi đây là “Rặng duối Cụ Ngô”. Những thân duối cao trên chục mét, gốc lớn đến 3, 4 người ôm. Khi đứng dưới rặng duối, ta thấy một không khí trầm mặc, linh thiêng. Theo ông Số, rặng duối này không ai dám xâm phạm, dù chỉ là một cành nhỏ. Bà con Đường Lâm mỗi khi bị cảm mạo, trúng gió hoặc phụ nữ sinh con không có sữa… thì thường tìm đến rặng duối khẩn cầu xin Ngài ít lá duối về cùng với một vài thảo dược khác, nấu nồi nước xông giải cảm hoặc sắc nắm lá duối lên uống. Có người muốn làm đẹp còn ra xin Ngài nắm lá duối về, hàng ngày xát vào răng để làm cho hàm răng trắng. Bà con Đường Lâm còn bảo cứ nhìn rặng duối là biết kết quả mùa màng, hễ năm nào duối ra nhiều quả là năm ấy được mùa. Còn có một phong tục đẹp, riêng có ở Cam Lâm, theo ông Số, từ bao đời nay, mỗi khi trong làng có người qua đời, bao giờ người ta cũng đưa quan tài đến đặt dưới “rặng duối Cụ Ngô” rồi mới đưa đến nơi an táng. Bà con gọi đây là lễ chào làng, chào rặng duối cổ lần cuối để người quá cố trở về với đất Mẹ. Với một không gian thoáng đãng, rặng duối còn là nơi hẹn hò của các đôi trai gái… Từ bao đời nay, người Đường Lâm coi các “cụ” duối như là những bậc thần linh bảo hộ cho cuộc sống của dân làng. Trải qua hàng ngàn năm, các “cụ” duối Đường Lâm vẫn sống uy nghi, lừng lững với lá cành xanh tốt, xum xuê. |