Cai rượu

16:09 08/11/2015

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khật khưỡng bước vào nhà, nhìn thấy vợ đang ngồi bó gối ở góc bếp, ông Năm lè nhè, giọng điệu cời cợt: “Mẹ thằng Phước à, làm gì mà ngồi đực ra đó hả, mau dọn đồ cho bố nhậu, hứt… hứt”. “Mới bảnh mắt ra đã đi nhậu, say bét nhè ra rồi còn đòi gì nữa, vào mà ngủ đi cho tôi nhờ”. “Hứt, say là say thế nào được, mang mồi nhậu ra không ông cho trận bây giờ”. Không nói lại chồng, bà Hoài đành xuống bếp bê mâm thức ăn lên đặt trước mặt ông Năm. “Đó, còn  bao nhiêu ông nhậu hết đi, mẹ con tôi ăn cơm nhạt. Đúng là không có gì khổ bằng trong nhà có người nghiện rượu”. “Bà nó lại mắng tôi đấy à, uống rượu có gì là xấu chứ, hứt hứt…” - ông Năm chưa kịp ăn gì đã lăn ra nhà ngáy khò khò… Bà Hoài chỉ biết nuốt cục tức, cố gắng kéo chồng lên giường, đắp cho ông tấm chăn mỏng tránh gió máy.

1. Cái chuyện phải chứng kiến cảnh chồng say xỉn đối với bà Hoài giờ là cơm bữa. Nhất là từ ngày ông Năm bị cho “nghỉ hưu” sớm do những sai phạm trong quá trình chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng một dự án của địa phương. Đang là sếp cỡ bự, được kẻ đón người đưa, tiền tiêu không phải nghĩ, nay mất hết, lại mang tiếng “ăn bẩn” nên ông Năm tỏ ra chán chường, sa vào rượu chè. Ông uống như chưa từng được uống, uống thâu đêm thâu ngày, uống nhiều đến mức phải nhập viện mấy lần nhưng vẫn không chừa được rượu.

Mà cái giống say vào thì ai nói gì nghe nấy, lợi dụng điều này, một số kẻ cơ hội đã xui ông dồn hết những đồng tiền còn lại, chung vốn làm ăn rồi tìm cách chiếm đoạt, khiến cho ông Năm không chỉ lâm vào cảnh tay trắng mà còn phải nợ nần. Ông ức lắm, mấy người mà ông tin tưởng đã dìm ông xuống tận cùng của xã hội. Và rượu chính là thứ để ông chôn vùi cuộc đời khốn khổ, khốn nạn của mình vào trong đó. Tuy nhiên, cái thứ cay cay nồng nồng đó lại phá người dữ lắm. Nó khiến ông từ một người bệ vệ, oai phong thành một kẻ tàn tạ khủng khiếp.

Không chỉ “xuống cấp” về dung nhan, tính tình ông Năm cũng trở nên bệ rạc. Trừ những lúc say quá mà ngủ đi, còn bình thường thì ông lúc nào cũng lảm nhảm cả ngày. Hết chửi vợ, đến mắng con cái không thương ông, chẳng chịu mua rượu cho ông uống, để ông phải đi uống chịu, nhục cái mặt lắm. Mà không uống chịu thì lấy tiền đâu ra, nhà còn gì để bán đâu. Được mấy đồng lương hưu của vợ thì chưa đủ cho ông say… nửa tháng.

2. Nhìn cảnh chồng ngày càng đổ đốn, bà Hoài chỉ còn biết thở dài. Bà biết ông Năm chịu cú sốc quá lớn nên mới sinh ra như vậy. Bà rất thương ông, năm lần bảy lượt khuyên ông bớt đau buồn, hạn chế rượu chè. Tiền uống rượu thì bà không tiếc, bà chỉ lo cho sức khỏe của ông ngày một tiều tụy. Nhưng ông Năm nào có nghe, ông còn mắng bà sa sả vì cái tội… dạy đời nữa. Trước thái độ của chồng như vậy, bà tủi thân lắm. Đáng lẽ ở cái tuổi này bà đã được nghỉ ngơi, ấy thế mà phải còng lưng ra chợ buôn bán để duy trì cuộc sống của gia đình. Bà chỉ xót cho hai đứa con đi học đại học mà thiếu tiền đóng học phí, phải chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thêm, nhìn mà tội nghiệp. Thế nên bà phải cố hết sức kiếm tiền, không để các con phải vất vả.

Cứ sáng sớm tinh mơ, bà đã thức dậy cắm nồi cơm để đó cho chồng, rồi đạp xe ra chợ đầu mối lấy rau quả đem về chợ phường bán. Lắm khi chợ tan mà chưa hết hàng, bà Hoài phải đẩy xe đi bán rong. Làm việc cật lực, ăn uống kham khổ, lại lúc nào cũng phải chịu phiền muộn về đức ông chồng say xỉn, sức khỏe bà Hoài ngày một yếu đi. Nhiều lúc đẩy xe hàng, bà chóng mặt, xây xẩm mặt mày suýt ngã ra đường. Dù vậy, bà cũng phải gắng gượng được ngày nào hay ngày đó…

Tuy nhiên, sức người có hạn, lao tâm, lao lực quá nhiều, bà mắc luôn bệnh lao phổi nặng. Người gầy rôc như que củi, bà chỉ còn biết ôm cái giường bệnh chứ không thể làm được việc gì nữa. Hai đứa con thương mẹ thay nhau chăm sóc, thuốc thang. May mà bà Hoài còn có bảo hiểm y tế, chứ không thì chẳng biết bấu víu vào đâu. Vợ bị như vậy, ông Năm cũng áy náy lắm, nhưng ông chẳng biết làm gì để giúp vợ con cả. Hằng ngày ông vẫn phải đi uống rượu chịu bởi ông đã bị nghiện nó rồi. Không có tý men vào người thì ông như mất hồn, nhưng khi lâng lâng vì rượu thì ông lại biến thành kẻ cục súc, lại ra sức mắng nhiếc vợ con là vô tích sự. Đến lúc này thì bà Hoài không thể chịu được nữa, bà muốn vùng dậy đập tan chai rượu mà ông Năm giơ lên giơ xuống. Nhưng bà làm gì còn sức, bà khụy xuống sàn nhà, cứng đờ, bất tỉnh…

3. Thấy mẹ như vậy, hai đứa con khóc thét lên, đứa cuống cuồng gọi xe cấp cứu, đứa lấy dầu nóng xoa toàn thân cho mẹ. Còn ông Năm thì đứng sững như trời trồng, giờ thì ông đã tỉnh ngộ rồi chăng? Vì ông mà vợ khốn khổ, khốn cùng, tính mạng đang hết sức nguy hiểm. May thay bác sỹ cũng cấp cứu kịp nên bà Hoài đã qua cơn nguy kịch, song bà bị liệt một chỗ, mồm bị méo, nói chuyện cũng rất khó khăn.

Ngồi cạnh vợ, hai hàng nước mắt trên má ông Năm lăn dài, ông thấy mình là người chồng nhẫn tâm nhất, đã đẩy một người vợ phúc hậu, tràn đầy sinh lực trở thành tàn phế. Ông hận mình lắm, ông cũng hận rượu - cái thứ làm cho ông tan cửa nát nhà, ông muốn cai rượu. Song để từ bỏ cái thứ đã ăn nhập vào hệ thần kinh, thấm vào đến xương tủy đó là điều không hề dễ. Cứ ngưng được vài hôm là ông cảm thấy bứt rứt, cảm giác kiến bò trong xương, nhạt mồm nhạt miệng quá khiến ông lại ra hàng rượu.

Tu một hơi cả một ly rượu đầy, ông thấy sảng khoái lắm. Thần kinh bắt đầu hưng phấn, ông muốn uống ly nữa, ly nữa. Nhưng lúc này đây, nơi đáy ly rượu, ông chợt thấy hình ảnh người vợ nằm lê lết trên giường bệnh. Tâm can ông bắt đầu giằng xé, ông thấy mình là người chồng, người cha tồi tệ lắm, một người đàn ông trụ cột trong gia đình lại là kẻ nát rượu sao? Ông gọi thêm một ly rượu nữa, nhưng lần này ông không uống mà đổ xuống đất, ông quyết tâm “dứt tình” với thần lưu linh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rồi cùng với sự hỗ trợ của hai người con, sự động viên của vợ, ông Năm đã cai rượu thành công, sức khỏe cũng trở lại. Ông xung phong giúp vợ đi buôn hoa quả kiếm tiền. Và có vẻ như ông có duyên với công việc này nên thu nhập cũng kha khá. May mắn hơn có một người bạn thân từ nước ngoài về, thấy ông vất vả đã cho mượn một khoản tiền để đầu tư kinh doanh. Giờ thì ông đã có một sạp lớn ở ngoài chợ, phải thuê thêm người bán mới xuể. Chính sự thay đổi của ông Năm là động lực để bà Hoài từng bước chiến thắng được bệnh tật, ra chợ giúp chồng bán hàng. Có hôm, hàng hóa bán chạy, bà Hoài mua cho ông Năm chai bia “bồi dưỡng”, thế nhưng ông đã kiên quyết không uống và còn mắng vợ là làm hư chồng…

Bị mắng nhưng bà Hoài lại thấy vui vì chồng đã đoạn tuyệt được bia rượu…

Quảng Bình


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông