Cảm động những lá thư rơi nước mắt từ trại giam Xuân Nguyên

20:03 18/10/2014

 

Những lá thư xúc động được phạm nhân tại Trại giam Xuân Nguyên viết
Những lá thư xúc động được phạm nhân tại Trại giam Xuân Nguyên viết

Hội trường của Trại giam Xuân Nguyên một ngày giữa thu 2014. Hàng trăm phạm nhân như nín lặng và nhiều giọt nước mắt đã rơi khi nghe mỗi phạm nhân đọc thư gửi lời xin lỗi đến thân nhân, chính quyền địa phương và cả người bị hại. Dù biết là đã muộn màng nhưng trong sâu thẳm tự đáy lòng họ, những phạm nhân ấy vẫn thực sự muốn nói một lời xin lỗi…

Những đứa con tội lỗi

Lần đầu tiên trong đời, bà mẹ lam lũ Nguyễn Thị Sửu, ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, nhận được lá thư của con trai. Lá thư được gửi từ Trại giam Xuân Nguyên, nơi con bà đang thụ án vì tội giết người. Hoảng hốt, bà tưởng có gì hệ trọng nên nó mới viết thư về nhà. Nhưng gói trong lá thư là những dòng chữ chất chứa ăn năn và lời xin lỗi của đứa con tội lỗi: “Vì con sương gió gội đầu/Hiện trong mắt mẹ nỗi sầu bi ai/ Mười chín năm thật là dài/ Để cho con được sửa sai cuộc đời…”.

Phận làm con chưa một ngày báo đáp được công sinh thành dưỡng dục và chỉ vì phút nông nổi, Đồng Xuân Hưng, sinh 1977, đã phạm tội giết người và phải trả giá bằng bản án 19 năm tù giam, để lại cho người mẹ già phải chăm sóc nuôi dưỡng 2 con của Hưng đang trong độ tuổi cắp sách đến trường. Sau thời gian chấp hành án, được sự động viên, giáo dục của cán bộ trại giam, Hưng đã nhận ra lỗi lầm bản thân.

Bao đêm trăn trở, suy nghĩ để bày tỏ thành lời, Hưng đã làm bài thơ gửi mẹ dù biết đó là những lời xin lỗi muộn màng. Cuối thư, Hưng nhắn nhủ với mẹ: “Một lần nữa con xin hứa với mẹ, nơi đây con sẽ không ngừng vươn lên, con cải tạo thật tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, con sẽ luôn hướng về phía mặt trời để bóng đen quá khứ phai mờ dần trong con…”.

Cùng chung nỗi niềm, phạm nhân Dương Thị Diễm Trang, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy ở tuổi vị thành niên với án phạt 7 năm tù, hiện đang chấp hành án tại Đội 11, phân trại 1 và đã được giảm án 3 lần. Trong thư, Trang hối hận tự vấn bản thân và mong được mẹ tha thứ: “Tuổi 16 con lầm đường lạc lối/ Mải chơi theo chúng bạn đua đòi/Bỏ lại phía sau tương lai rạng sáng/ Dấn thân vào vòng xoáy đam mê. Chỉ còn vài tháng nữa là con hết án rồi, vậy là con đã đi gần hết quãng đường để trả giá cho những lỗi lầm đã gây ra, nhưng có một điều mà con bao đêm trằn trọc thao thức mẹ ơi hãy cho con được một lần nói lời xin lỗi, dù đã quá muộn màng…".

Trong gần 3.000 lá thư phạm nhân viết gửi lời xin lỗi vừa được Trại giam Xuân Nguyên sơ kết phát động, nhiều nhất là những thư gửi đến ông, bà, bố mẹ, vợ chồng, anh chị em trong gia đình, những lá thư bày tỏ sự ân hận về những tội lỗi trong quá khứ mà khi vào trại, xa gia đình, người thân, được sự cảm hóa, giáo dục của cán bộ trại giam, họ mới nhận ra tình thương của người thân, của gia đình quan trọng như thế nào.

Họ mong muốn được người thân rộng lượng tha thứ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, được chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra. Nhiều gia đình bày tỏ sự xúc động khi nhận được thư của con em, thân nhân mình, những lá thư chân thành mộc mạc nhưng ấm lòng người, như thư của phạm nhân Phạm Hồng Lĩnh, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án phạt 30 năm, gửi cho bố mẹ.

Trong bức thư nắn nót nhưng nhoè đi vì nước mắt, Lĩnh tâm sự rất nhiều: “Sự trừng phạt thích đáng của pháp luật đã lên tiếng thay cho bố mẹ để răn đe, giáo dục những kẻ muốn sống ngoài vòng pháp luật như con. Bố đã từng dạy con rằng đàn ông sống ở trên đời phải biết trung, hiếu nhân nghĩa. Nay con bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa. Luận bốn tội của đàn ông con đã phạm cả rồi, nếu sống ở đời nhà Tống bên Trung Quốc, tội con phải chết nhiều lần”. Nhưng khi ý thức hướng thiện chạm đến cửa ngõ của tâm hồn thì phạm nhân Hưng biết không có điều gì là quá muộn.

“Ngày mai sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay nếu ta thực sự biết nhận rõ lỗi lầm của bản thân mình và cố gắng mỗi ngày làm ít nhất một việc tốt có ích cho bản thân, cho xã hội. Con mong bố, mẹ hãy tin rằng những giọt mồ hôi của con trai bố, mẹ đang rơi trên mảnh đất này, phân xưởng lao động này ngày mai sau sẽ ươm mầm cho một chồi non mới mọc lên, tâm hồn mới, nhân cách mới, tốt đẹp hơn, cao quý hơn và đàng hoàng hơn trước kia rất nhiều…”.

Xin lỗi để bước tiếp tương lai

Có mặt tại hội trường Trại giam Xuân Nguyên hôm đó, nhiều giọt nước mắt đã rơi trên những gương mặt của những tội nhân một thời lầm lỡ khi nghe phạm nhân Hoàng Nam Trung, sinh 1973, ở số 35/47 Lê Lai, phường Máy Chai, Ngô Quyền, đang chấp hành án 18 năm tại Phân trại 3 về tội mua bán trái phép chất ma túy đọc thư gửi tới trung tá Nguyễn Xuân Trào (Công an phường Máy Chai, Ngô Quyền).

Phạm nhân Lê Nghĩa Hưng (Phân trại 2) nhắn nhủ: “Dù biết rằng có thể không được tha thứ nhưng khi đã nói lên được 2 tiếng xin lỗi chân thành cũng giúp chúng tôi xóa đi mặc cảm, vững bước trên con đường hướng thiện, hoàn lương”
Phạm nhân Lê Nghĩa Hưng (Phân trại 2) nhắn nhủ: “Dù biết rằng có thể không được tha thứ nhưng khi đã nói lên được 2 tiếng xin lỗi chân thành cũng giúp chúng tôi xóa đi mặc cảm, vững bước trên con đường hướng thiện, hoàn lương”

Lá thư dài 7 trang, trong thư Trung tự dằn vặt: “Là một người trước đây cũng đã từng gieo rắc cái chết trắng, tôi vô cùng xấu hổ và ân hận. Giờ đây trong tôi đã thấm thía nỗi khổ đau và mất mát. Tôi có thể khẳng định rằng những năm tháng ở nơi đây, tôi sẽ trở thành một công dân lương thiện, có ích…”.

Hoàng Nam Trung sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ đều là công nhân viên chức. Được cho ăn học đàng hoàng, sau khi tốt nghiệp THPT, Trung thi đỗ vào Trường đại học văn hóa Hà Nội. Thế nhưng chỉ được 2 năm đèn sách, do thích lối sống buông thả, Trung đã bỏ học giữa chừng, quay về Hải Phòng rồi xin vào làm ở một cơ quan nhà nước. Trong thời gian này, Trung quen biết với nhiều thành phần xã hội, sao vào ăn chơi, đàn đúm, bỏ mặc ngoài tai những lời khuyên can của bố mẹ và gia đình. Sau đó, một người bạn rủ Trung thâm nhập vào một đường dây ma túy lớn hoạt động liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng.

Kết cục tất yếu, Trung bị bắt cùng gần chục đối tượng. Vào trại giam, một lần tận mắt chứng kiến cảnh người bạn tù phải vật vã, đớn đau trong trạm xá vì ma túy, Trung chợt rùng mình ghê sợ, hình ảnh đó cứ ám ảnh, hiện hữu trong tâm trí không thôi. “Thế mà tôi, chính tôi đã từng là kẻ đang tâm “gieo rắc” cái chết đó cho chính đồng loại, đã làm cho bao gia đình tan nát, vợ xa chồng, bố lìa con…”, Trung đau đớn, tự dằn vặt.

Đã mấy năm trôi qua kể từ cái ngày chuyện dữ xảy ra với con trai, nỗi đau mất con vẫn hằn sâu trên gương mặt khắc khổ ông Trần Văn Trạc, ở đội 7 thôn 3, Quảng Châu, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên). Nhưng những dòng chữ của phạm nhân Trần Quốc Toàn, sinh 1975, hiện chấp hành án 20 năm tại Đội 21 phân trại 1 đã khiến ông tha thứ thủ phạm gây ra cái chết của con trai mình.

Trong thư, Toàn thành khẩn: “Hai bác ơi! Bố mẹ cháu cũng đã nói với cháu rằng nếu như ngày hôm đó không phải là anh Thiết nằm xuống mà lại chính là con thì bố mẹ sẽ sống sao? Nghe những lời đó mà lòng cháu quặn lại. Vậy thì ngày đó hai bác đau, đau nhiều vô cùng. Lẽ ra vào tuổi hai bác được con cháu phụng dưỡng, báo hiếu vui bên gia đình, nhưng giờ đây thay vào đó là sự đau thương mất mát, là cái không khí trầm lặng, u buồn. Cháu biết phải làm sao đây?

Cháu trăm lần, nghìn lần xin được cúi đầu trước hai bác, trước di hương anh Thiết. Cháu rất ân hận và hối tiếc về hành động ngu ngốc đó của mình. Cháu sẽ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội. Lúc đó cháu sẽ là một công dân tốt, chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật”.

Còn phạm nhân Đào Duy Khánh, sinh 1977, ở xã Thủy Sơn, Thủy Nguyên, án chấp hành 9 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản viết thư gửi ông Hoàng Văn Mười, ở phường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân: “Cho đến ngày hôm nay em cũng đã chấp hành gần 1/3 mức án của mình rồi, anh chị cũng đã thông cảm và tha thứ cho em rồi, hơn thế nữa anh chị còn làm đơn xóa nợ số tiền 116 triệu đồng cho em, em rất vui mừng và cảm kích.

Em mong muốn hơn nữa sau này em hoàn lương trở về đón nhận được sự chia sẻ cảm thông của mọi người, xóa đi sự kỳ thị đối với một người lầm lỡ phạm tội như em. Và em muốn sống như một người lương thiện, sẽ không phạm phải sai lầm nào nữa, sống có ích hơn, có trách nhiệm hơn để đền đáp lòng vị tha của anh chị…”.

Có mặt tại hội trường nghe Khánh đọc thư, ông Mười nghẹn lời xúc động, nắm lấy tay Khánh.

ĐỖ HIẾU


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông