10:42 22/08/2021 Sau ba tuần, Chính phủ Campuchia đã quyết định dừng chiến dịch toàn quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh cũng kết thúc từ ngày 20/8.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Campuchia nhiều ngày qua dao động trong khoảng 500-600 ca/ngày.
Trong chỉ thị ban hành tối 19/8, Chính phủ Campuchia cho biết chiến dịch tăng cường chống dịch thực hiện 21 ngày qua đã mang lại kết quả tích cực, góp phần làm giảm ở mức độ nhất định việc lây lan biến thể Delta trong cộng đồng và không tác động quá lớn đến hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống của người dân. Theo chiến dịch này, các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh có rủi ro lây nhiễm COVID-19 cao và tụ tập đông người đều bị cấm, cùng với đó là giới nghiêm toàn quốc từ 10 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trước khi vào chợ tại Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: AFP/TTXVN
Về việc lây nhiễm COVID-19 từ tỉnh này sang tỉnh khác, Chính phủ Campuchia khuyến nghị chính quyền các tỉnh và thành phố tiếp tục củng cố các biện pháp y tế, hành chính và chế tài dựa vào tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương.
Theo quyết định của Chính phủ, chính quyền thủ đô Phnom Penh tối 19/8 cũng chấm dứt lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, Phnom Penh vẫn tiếp tục cấm các hoạt động kinh doanh có rủi ro lây nhiễm cao COVID-19 như kinh doanh đồ uống có cồn, cơ sở mát xa và tụ tập từ 15 người trở lên.
Trong khi đó, rủi ro lây nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan như Battambang, Banteay Meanchey, Pailin, Poipet và Oddar Meanchey khi hàng trăm, thậm chí hàng hàng người lao động Campuchia từ Thái Lan đổ về nước mỗi ngày kể từ lúc cửa khẩu Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại hôm 13/8.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tất cả lao động di cư và gia đình họ trở về nước phải cách ly tập trung 21 ngày, trong đó những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 được chia tách để kiểm tra có nhiễm biến thể Delta hay không.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở các tỉnh vẫn ở mức cao, đặc biệt tại tỉnh Banteay Meanchey, nhưng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc tại Campuchia ngày 20/8 lại thấp hơn dự kiến.
Trong thông cáo ngày 20/8, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 519 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 185 ca nhập cảnh và 334 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại đây mấy ngày nay cũng đã giảm xuống dưới mức 20 ca/ngày.
Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 88.242 ca mắc COVID-19, trong đó 83.851 người đã hồi phục và 1.762 người tử vong.
Tròn 6 tháng kể từ khi “làn sóng” COVID-19 lần thứ ba bùng phát tại Campuchia ngày 20/2 và 6 tháng 10 ngày thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19, lực lượng y tế nước này đã tiêm phòng cho 9.461.879 người, bao gồm cả thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, trong đó 7.662.263 người đã hoàn thành tiêm phòng hai mũi vaccine ngừa COVID-19.
*Bộ trưởng Y tế Sri Lanka cho biết nước này sẽ thực hiện phong tỏa toàn quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ 10 giờ tối 20/8 trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng nhanh gây quá tải cho hệ thống y tế quốc đảo này. Dự kiến Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa sẽ đọc thông điệp quốc gia về vấn đề này sau cuộc gặp với thành viên nhóm chuyên trách đối phó virus SARS-CoV-2.
Trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa, tất cả các dịch vụ thiết yếu vẫn được phép hoạt động bình thường.
Sri Lanka ngày 18/8 ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao kỉ lục là 187 ca, trong khi có thêm 3.793 ca mắc mới. Số ca mắc theo ngày đã tăng gấp đôi sau 1 tháng lên mức trung bình 3.897 ca. Các bệnh viện tại đất nước 32 triệu dân này đã quá tải bệnh nhân COVID-19 trong khi biến thể Delta tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Nhiều biện pháp phòng dịch đã được áp dụng như các trường học, phòng tập thể dục, bể bơi bị đóng cửa và các đám cưới và biểu diễn âm nhạc bị cấm.
Khoảng 1/4 dân số Sri Lanka đã tiêm vaccine đầy đủ, phần lớn là vaccine của Sinopharm (Trung Quốc).
Sri Lanka ghi nhận tổng cộng 372.079 ca mắc kể từ đầu dịch năm 2020 với 6.604 ca tử vong.
Theo TTXVN