Cân đối ngân sách hợp lý để tạo động lực cho Hải Phòng phát triển

10:56 02/11/2019

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 diễn ra sáng 31-10, Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng đã có bài phát biểu về những nội dung mà cử tri và nhân dân thành phố quan tâm. Báo ANHP trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Bùi Thanh Tùng:

 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH HP Bùi Thanh Tùng phát biểu trong phiên thảo luận tại QH sáng 31-10 

Kính thưa Chủ tọa phiên họp

Kính thưa Quốc hội

Trước hết, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Các thành tựu của nền kinh tế đã được nhiều đại biểu trước tôi đánh giá, phân tích kỹ. Điều đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi chúng ta vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Các chỉ số như tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, lạm phát chỉ tăng dưới 3% - mức thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Quốc hội, bội chi ngân sách còn khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 56,15% GDP (so với 64,6% đầu nhiệm kỳ), dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD (so với 31 tỷ USD đầu nhiệm kỳ), kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9% (xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu) trong bối cánh thương mại toàn cầu suy giảm (trong đó riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD).

Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội đạt kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%, bảo đảm an toàn hệ thống.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, tăng 10 bậc so với năm 2018, được các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá như một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Đó chính là những thước đo rất cụ thể về những kết quả nổi bật của nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được chú trọng, hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Điều này đã được phân tích rõ hơn trong Báo cáo năm 2019 của Chính phủ cũng như trong thực tiễn.

Bên cạnh những điểm sáng, kết quả nổi bật như đã nêu ở trên, tôi cũng cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng như phân tích của nhiều Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã phân tích khá đầy đủ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm của sự thành công. Tôi đồng tình các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Chính phủ xác định. Tôi xin nêu và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm ba nội dung sau:

Thứ nhất, mức tăng trưởng GDP cũng như thành tựu thu ngân sách trong hai năm liền 2018, 2019 là rất cao, với mức thu thực tế năm 2018 vượt 8%, năm 2019 vượt 3,3% so với dự toán, hai năm liền thu ngân sách trung ương đã vượt kế hoạch sau một số năm liền hụt thu.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu thu, thì cũng chưa thực sự bền vững. Việc tăng thu nội địa chỉ đạt 1,9% so với dự toán. Trong khi phần tăng thu ngân sách vẫn chủ yếu là do tăng các khoản thu không có tính bền vững như: thu cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước (tăng 40,8%), thu tiền sử dụng đất (tăng 29,9%), thu xổ số kiến thiết (tăng 6,2%)…, thì thu từ khối sản xuất của cả ba loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều không đạt kế hoạch.

Đặc biệt khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng mạnh về quy mô cũng như sản xuất kinh doanh nhưng thu chỉ đạt 95,9% so với dự toán; khối doanh nghiệp nhà nước đang được tích cực tái cơ cấu nhưng chỉ đạt 94,1% dự toán. Như vậy số thu ngân sách nhà nước từ thực chất nội lực nền kinh tế tăng còn thấp.

Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khuyến khích phát triển doanh nghiệp – nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh vẫn không cao, thu ngân sách từ khối doanh nghiệp vẫn chưa chuyển biến tích cực hơn. Đây là vấn đề cần được phân tích làm rõ thêm, tiếp tục đánh giá tác động các chính sách đã ban hành.

Thứ hai, năm 2019, tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chính vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa có nhiều cải thiện, khiến nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển KT-XH chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài. Với tình trạng này, một số dự án đầu tư vay vốn ODA đến hết thời hạn Hiệp định vẫn không thể hoàn thành, gây ra rất nhiều hệ lụy.

Việc bố trí vốn hàng năm chưa đảm bảo tương ứng với tổng mức vốn đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm (đến nay mới đạt 49,1% kế hoạch Chính phủ giao, trong đó vốn TPCP chỉ đạt 26,2%, vốn ODA chỉ đạt 23,1%), trong khi đây là nguồn vốn hết sức quan trọng tạo ra kết cấu hạ tầng trọng điểm cũng như yếu tố cốt lõi phát triển nền kinh tế.

Trong khi chúng ta đã có những cơ chế khá hiệu quả để huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với rất nhiều dự án lớn, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã tăng lên 45,3% với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP; thì việc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thực sự trở thành một nút thắt, một sự tác động không hề nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững dài hạn. Đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành trung ương tiếp tục quan tâm hơn hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vấn đề này.

Thứ ba, được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ bằng những cơ chế chính sách cụ thể, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các Bộ, ngành trung ương, thành phố Hải Phòng năm 2019 cũng đã đạt được những kết quả phát triển KT-XH rất khích lệ, với 7/18 chỉ tiêu KT-XH dự kiến vượt cao so với kế hoạch và vượt mục tiêu của Đại hội 15 Đảng bộ thành phố.

Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 16,5%, cao nhất từ trước đến nay; GRDP bình quân đầu người đã đạt tới mức trên 4.900 USD/người; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng trên 24%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 153.000 tỷ đồng, vượt trên 41% so kế hoạch; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 89.600 tỷ đồng, tăng trên 11% so với năm 2018 và vượt trên 29% kế hoạch, trong đó đặc biệt thu xuất nhập khẩu 60.000 tỷ đồng, vượt gần 20.000 tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2018 và tăng 48% so với kế hoạch); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 15,769 tỷ USD, tăng trên 92,5% so với năm 2018, tăng 56% so với kế hoạch. Những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên bên cạnh sự cố gắng đó, việc trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách khá cao cho một số địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương đã tạo ra một áp lực không nhỏ, cũng một phần tạo khó khăn cho việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Hiện nay thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 sắp kết thúc.

Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ trong việc tính toán cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, cần tính toán một cách thật hợp lý và khoa học tỷ lệ điều tiết thu ngân sách về trung ương đối với các địa phương có khả năng phát triển tốt, có dư địa để phát triển và đặc biệt là có các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển với vai trò là đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện tối đa để Hải phòng và các địa phương trên có thể thực hiện được các cơ chế trong các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù để tiếp sức cho các địa phương này có đà phát triển vượt bậc, sẽ tạo ra nguồn lực lớn hơn đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

ANHP

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích