Nhân dân góp ý xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng: Cần một quy hoạch bền vững về phát triển đô thị cũ

10:16 05/05/2020

Chuẩn bị cho Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố, mà còn là cơ hội phát huy cao độ tinh thần dân chủ, để mỗi người dân được đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình, góp phần xây dựng định hướng chiến lược phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Báo An ninh Hải Phòng trân trọng giới thiệu ý kiến của đồng chí Đặng Quý Nhất – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.

Tôi đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Có thể nói, Dự thảo được chuẩn bị rất công phu cả về chủ đề, nội dung lẫn kết cấu và hình thức thể hiện, có tính tổng kết cao, phản ánh rõ nét và toàn diện kết quả nhiệm kỳ 2015-2020. Điều này rất rõ ràng, nhất là những thành tựu vượt bậc thành phố đạt được kể từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội XV gắn với Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chinh trị về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Không chỉ Dự thảo báo cáo, mà thực tế đi đến đâu cũng nghe người dân nhận xét về thành công đó.

Về nhận thức cá nhân, tôi có một vài ý kiến nhỏ. Trước hết, đánh giá về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong Dự thảo, khẳng định những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng là hết sức tích cực. Tuy nhiên, trong phần thứ nhất, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XV, tôi vẫn băn khoăn với một cụm từ “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng…”. Theo tôi không nên dùng từ “trong sáng”, bởi trong thực tiễn cuộc sống, vẫn xảy ra tình trạng một bộ phận những cán bộ, đảng viên khi thực thi nhiệm vụ, cái tâm chưa thực sự trong sáng, ứng xử cũng chưa trong sáng, giải quyết công việc cũng chưa trong sáng. Vì vậy đánh giá cả đội ngũ “nhìn chung trong sáng” là chưa phù hợp, nên bỏ từ “trong sáng” hoặc thay thế bằng từ khác sát với thực tiễn cuộc sống hơn.

Cũng liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, hiện nay có rất nhiều dạng hình chi bộ, nên việc định hướng nội dung sinh hoạt Chi bộ cũng cần phải phù hợp với cơ chế, môi trường hoạt động của mỗi dạng hình. Chẳng hạn như chi bộ khu dân cư, hầu hết đảng viên là cán bộ đã hưu trí về địa phương, vai trò, nhiệm vụ, nội dung hoạt động phải khác với đảng viên ở các cơ quan, đơn vị công sở hay doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bố trí giới thiệu đảng viên làm việc ở các dạng hình doanh nghiệp về sinh hoạt với chi bộ hưu trí cũng bộc lộ bất cập. Họ không những không có điều kiện, thời gian tham gia vào hoạt động của địa phương, trong khi đó việc thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng với những đảng viên này cũng khó thực hiện. Vì chi bộ dân cư không thể biết được ở doanh nghiệp họ công tác ra sao, sinh hoạt như thế nào, ở đó có thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hay không? Tôi đề xuất, với những đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu chuyển sinh hoạt về địa phương nên tổ chức một chi bộ riêng, đặc thù thuộc cấp ủy địa phương quản lý.

Một ý nữa liên quan đến quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị. Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ qua Hải Phòng có rất nhiều công trình mới chỉnh trang, phát triển, làm thay đổi diện mạo thành phố theo hướng văn minh hiện đại, mà dải trung tâm thành phố là một ví dụ, nhân dân rất phấn khởi. Nhưng nhìn ngược lại cả quá trình dài trở về trước, công tác quy hoạch và quản lý đô thị cũ chưa thực sự ổn định. Đơn cử cũng ở dải trung tâm thành phố, ở khu vực Nhà hát thành phố có một số công trình nhà cao tầng mọc lên chưa phù hợp, phá vỡ cảnh quan kiến trúc đã được tạo dựng hàng thế kỷ, với giá trị lịch sử văn hóa không thể phủ nhận. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, mỗi giai đoạn lại có phương pháp quản lý, phát triển, chỉnh trang đô thị khác nhau, có khi sẽ đem đến  kết quả không như mong muốn.

 Theo tôi, thành phố cần tiến hành rà soát lại toàn bộ thực trạng việc quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị cũ trong cả quá trình nhiều năm trở lại đây, từ đó xây dựng một quy hoạch tổng thể, có tính thực tiễn cao và bền vững. Cụ thể, phải phân loại rõ cái gì thuộc về giá trị lịch sử văn hóa cần được bảo tồn, cái gì cần phải dỡ bỏ, cái gì được phép phát triển xây dựng mới, kiến trúc như thế nào… Trên cơ sở đó, đã là quy hoạch thì dù ở giai đoạn nào, những người có trách nhiệm thực thi đều phải tuân thủ. Nghĩa là cần một tầm nhìn dài hạn, có tính nhất quán, được như vậy tôi cho rằng mới phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

LÊ MINH THẮNG ghi lại

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích