23:14 24/08/2016
Sử dụng cabin vắt, trữ sữa tại nơi làm việc giúp đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ và trẻ nhỏ, góp phần ổn định tình hình lao động tại chính các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia, lợi ích và tính nhân văn của việc vắt sữa cần được nhân rộng... Tiện ích cho lao động nữ Buổi tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng về nuôi con nhỏ, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong đó có nội dung sử dụng cabin vắt, trữ sữa tại nơi làm việc tại Cty TNHH Toyoda Gosei (KCN Nomura) do Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nữ công nhân lao động. Riêng trong tháng 8-2016, Cty Toyoda Gosei Hải Phòng đã xây dựng được 3 cabin để vắt, trữ sữa cho nữ lao động nuôi con nhỏ. Trung bình mỗi ngày có hàng chục chị em sử dụng cabin này, đến khi hết ca có thể đem về hâm lại cho con bú. Đại diện công đoàn công ty cho biết: “Việc làm trên vừa giúp công nhân giảm được chi phí mua sữa cho con, đồng thời cũng giúp các bé giảm được nguy cơ bệnh tật vì thiếu sữa mẹ. Điều này giúp công nhân đang nuôi con nhỏ thêm yên tâm làm việc”. Không riêng gì Cty Toyoda Gosei Hải Phòng, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có sử dụng số lượng đông lao động nữ cũng tiến hành lắp đặt cabin vắt trữ sữa ngay tại nơi làm việc. Trước đó, từ năm 2012, triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ nữ lao động nuôi con bằng sữa mẹ, LĐLĐ thành phố đã bàn giao ca-bin vắt, trữ sữa phục vụ người lao động tại một số doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương và khu kinh tế như: Cty TNHH Yazaky Hải Phòng, Cty giày Aurora... Theo đó, doanh nghiệp bố trí không gian thích hợp để lắp đặt ca-bin và tủ lạnh, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ có 15-20 phút/ngày để thực hiện việc vắt, trữ sữa. Theo phản ánh của nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở, từ khi doanh nghiệp lắp đặt cabin vắt sữa tại nơi làm việc, những lao động nữ nuôi con nhỏ có thể ghé vào cabin bất cứ lúc nào để vắt, trữ sữa mang về cho con, bởi vậy dù nữ công nhân đi làm hằng ngày nhưng con của họ vẫn được bú sữa mẹ. Chị Phạm Thị Huyền, công nhân Cty giày Aurora chia sẻ: “Với công nhân làm ca lại nuôi con nhỏ như chị có thể tranh thủ ít phút buổi trưa để về nhà cho con bú. Khi có cabin vắt, trữ sữa lắp đặt ngay tại nơi làm việc tiện ích hơn rất nhiều, trẻ cũng được bú sữa mẹ nhiều hơn...”. Thực hiện trách nhiệm xã hội Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ mạnh khỏe, phát triển tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm số giờ vắng mặt của người lao động do nghỉ chăm con ốm, có thêm điều kiện toàn tâm, toàn ý với công việc, giúp nâng cao năng suất lao động. Về phía người lao động, khi nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ ít đau ốm, người mẹ không phải lo lắng về sức khỏe của con, tinh thần thoải mái, đồng thời giảm số tiền chi cho khám, chữa bệnh. Rõ ràng, chương trình hỗ trợ nữ lao động nuôi con bằng sữa mẹ tại doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động mà còn thực sự có ý nghĩa với doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, bảo đảm ổn định tình hình lao động nói riêng và sản xuất, kinh doanh nói chung. Đại diện Công đoàn Cty Yazaki cho biết, từ hiệu quả mô hình cabin đầu tiên, Công đoàn cty đã đề nghị và được doanh nghiệp đồng ý mở rộng mô hình, lắp đặt thêm cabin tại các phòng y tế. Bởi lẽ, đối với một doanh nghiệp có tới hơn 7.000 lao động, trong đó có tới 95% là nữ và gần 500 người đang nuôi con nhỏ như đơn vị, nhu cầu được sử dụng cabin vắt, trữ sữa là rất lớn. Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Nhận thấy hiệu quả của chương trình trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm sức khỏe cho lao động nữ và trẻ nhỏ, thời gian qua Công đoàn Khu kinh tế đã phối hợp với các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền để đầu tư lắp đặt cabin vắt, trữ sữa. Riêng tại Khu kinh tế Hải Phòng, đến nay đã lắp đặt 10 cabin tại 8 doanh nghiệp có sử dụng trên 1.000 lao động nữ như: Cty Pioneer, cty Fujixerox, Cty Kyoxera, Cty Syntec... Tuy nhiên, cũng theo bà Hằng, việc triển khai chương trình có khó khăn, vướng mắc đến từ phía các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là vấn đề về diện tích của phòng vắt sữa nhỏ do điều kiện sản xuất của một số doanh nghiệp, phải tận dụng lắp đặt ngay ở các phòng y tế. Đặc biệt, việc tạo điều kiện về thời gian của doanh nghiệp để phối hợp tuyên truyền cho các nữ công nhân tiếp cận những kiến thức kỹ năng về nuôi con nhỏ, chăm sóc sức khỏe sinh sản trong đó có nội dung sử dụng cabin vắt, trữ sữa còn khá hạn chế. Ngoài ra, vấn đề này cũng cần được quan tâm và có quy định cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chủ động và thực hiện một cách có trách nhiệm. ĐỖ HIẾU |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024