Cần tăng cường “sức đề kháng” ma túy trong trường học

23:02 24/03/2018

Hiểm họa ma túy rình rập mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội, trong đó môi trường học đường luôn cần liều thuốc mạnh “thanh tẩy” mọi tác động của ma túy đối với thanh thiếu niên. Công tác phòng, chống ma túy trong trường học những năm qua đã có chuyển biến tích cực, đảm bảo kiềm chế sự xâm nhập của tệ nạn ma túy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Song vẫn cần tăng cường “sức đề kháng” ma túy học đường...

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP tuyên truyền về ma túy và phòng tránh tại Trường THCS Hoàng Diệu

Ma túy và những hệ lụy học đường

Qua phối hợp với ngành Công an, Lao động, thương binh và xã hội để khảo sát tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy trong trường học, báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, do tác động trực tiếp của tình hình tệ nạn ma túy trong khu vực, tình trạng nghiện ma túy và tội phạm ma túy ở nước ta còn nhiều tồn tại:

Đến hết năm 2015, cả nước có 200.134 người nghiện (có hồ sơ quản lý), trong đó số người nghiện trong độ tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn.

Đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên (trong đó có học sinh, sinh viên) tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, nhà riêng... chưa giảm; không những xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh mà còn lan rộng ra vùng ven, các khu công nghiệp, vùng biên giới như Đồng Nai, Hải Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Trong khi đó, việc tổ chức xét nghiệm để kết luận đối với các đối tượng này còn rất khó khăn. Hiện tượng thanh thiếu niên sử dụng cần sa trong các vũ trường, quán bar kết hợp với ma túy tổng hợp ngày một phổ biến, phản ánh một xu thế mới về hình thức và loại ma túy sử dụng trong giới trẻ ở nước ta.

Ma túy ảnh hưởng đầu tiên đến gia đình. Khi mắc nghiện, người nghiện ma túy có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện của mình; hoặc để có tiền sử dụng ma túy, nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, thậm chí giết người cướp của.

Có người nghiện, sức khỏe các thành viên trong gia đình cũng giảm sút bởi lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên...; hoặc gây tổn thất về tình cảm của mọi người trong gia đình như thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc...; gây tổn thất về thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma túy gây ra.

Đồng thời, ma túy cũng để lại những hệ lụy xấu cho cộng đồng xã hội, như: gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm.. ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc, làm giảm sức hút lao động sản xuất trong xã hội, tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma túy đem lại. Ma túy còn là nguồn gốc, là điều kiện nảy sinh, lan truyền đại dịch HIV/AIDS (một hiểm họa chưa có thuốc chữa).

Các chất ma túy ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hooc môn sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gen độc có điều kiện hoạt hóa, dẫn đến suy yếu nòi giống.

Tính sơ bộ, Việt Nam hiện có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng ¼ dân số cả nước, là lực lượng quan trọng  đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo tham gia vào tệ nạn ma túy nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt.

Và, mặc dù Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn coi trọng việc giáo dục học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác song tình trang sử dụng ma túy trong giới trẻ, học sinh, sinh viên vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng.

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng ra quân phòng chống ma túy học đường

Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy

Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thi sáng tác ca khúc, thi văn nghệ về đề tài phòng, chống ma túy… đan xen trong các hoạt động văn nghệ, thể thao; lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào chương trình học chính khóa, hoạt động ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường.

Hàng năm, hưởng ứng Tháng hành động và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6), Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức mít tinh, ra quân tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các địa phương và giao lưu văn nghệ giữa các Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống ma túy trong trường học; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại một số trường trọng điểm, cấp phát hàng nghìn áo và mũ, hàng vạn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy; phối hợp với Bộ Công an tổ chức các buổi giao lưu “Sinh viên với công tác phòng, chống ma túy” thu hút sinh viên tại các cụm trường trọng điểm: Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên tham gia nhằm tuyên truyền nâng cao hiểu biết và ý thức chủ động phòng, ngừa tệ nạn ma túy của sinh viên.

Ngành GD-ĐT đã biên tập, in ấn, nhân bản hàng triệu tài liệu, tờ rơi, đĩa phim hướng dẫn công tác giáo dục phòng, chống ma túy và cấp phát đến các cơ sở giáo dục để tham khảo, vận dụng; tập huấn cho cán bộ nòng cốt tại các sở GD-ĐT và phòng công tác HSSV các trường đại học, cao đẳng sư phạm về công tác phòng, chống ma túy, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.

Mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy trong trường học tại một số trường thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy được triển khai. Qua đó, đã thành lập được 10 câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống ma túy tại 5 tỉnh phía Bắc; 8 câu lạc bộ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và 4 câu lạc bộ tại Hà Nội và Hải Phòng. Các câu lạc bộ được thành lập và hoạt động bước đầu đã mang lại hiệu quả, là nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường và cộng đồng dân cư...

Trước những diễn biến phức tạp, luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm của tệ nạn ma túy, Bộ GD-ĐT đánh giá kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy trường học trong những năm qua là rất quan trọng nhưng chưa thực sự mang tính bền vững bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều những yếu tố nguy cơ tệ nạn ma túy tấn công vào trường học, gây khó khăn trực tiếp đến công tác phòng, chống ma túy của các nhà trường.

Ở một số nhà trường, việc quản lý, tổ chức phòng, chống ma túy trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu; bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma túy; chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống ma túy trong trường học và cộng đồng...

Tại Hội thảo công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-3 vừa qua tại Trường Đại học Hải Phòng, các đại biểu đã cùng thảo luận về Đề án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học đến năm 2020”, trong đó đặt mục tiêu cụ thể: 100% các thành viên và gia đình học sinh được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác hại của tệ nạn ma túy và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy; 100% các nhà trường không để phát sinh người nghiện mới.

Đề án cũng chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, như: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy trong nhà trường; Duy trì, phát triển, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của các “Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”; Tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong nhà trường; Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy trong nội dung, chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma túy...

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích