Cần tập trung tái tạo nguồn cung ứng thực phẩm

09:24 02/03/2019

Thị trường tết Nguyên đán năm nay bao gồm cả thời gian trước, trong và sau tết, dù có thời điểm biến động cục bộ nhưng cơ bản giá ổn định, tình hình cung ứng khá suôn sẻ. Tuy nhiên theo thông lệ hàng năm, do dồn lực cho nhu cầu tết nên nguồn hàng thực phẩm thời điểm nay thường gặp bất ổn, đòi hỏi sự tập trung cao để tiếp tục giữ vững yêu cầu vận động của thị trường.

Các trang trại đóng góp rất lớn vào tái tạo nguồn cung bình ổn thị trường

          Giá trở lại ổn định

          Bà Nguyễn Thị Dung, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đường An Đà cho biết, so với cùng kỳ năm trước giá bình quân của thịt lợn có lúc tăng đến 10%, nhưng chỉ mang tính cục bộ. Còn hiện tại, giá đang trở lại với mức bình quân chung của thị trường, so với năm 2018. Cụ thể thịt nạc thăn đang được bán 100 nghìn đồng/kg, nạc vai – sườn thăn 95 nghìn đồng/kg, mông – vai cắt sấn 85 nghìn đồng/kg, các loại thịt nách - ba chỉ - sườn tạp chỉ từ 75 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên, mức giá này cũng tiềm ẩn không ít nỗi lo cho các tiểu thương, bởi thời gian qua giá lợn hơi biến động rất mạnh, trong khi nguồn cung sau tết theo kinh nghiệm của những năm trước luôn ở dạng khan hàng.

          Tính trong nhóm các loại thực phẩm tươi sống, thì giữ mức ổn định nhất có lẽ là gà ta, với giá bình quân bán sống 90 nghìn đồng/kg và bán dạng thịt 115 nghìn đồng/kg. Nhưng dù ổn định, thì cả người chăn nuôi lẫn kinh doanh gà vẫn kêu khổ, vì đặt kỳ vọng quá nhiều vào dịp tết Nguyên đán, khi mà theo thông lệ những năm trước, giá gà ta thường tăng ít nhất 20%. Theo bà H. ở xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), người vừa chăn nuôi vừa tự vận chuyển sản phẩm vào nội thành tiêu thụ, thì giá gà sống dịp cận tết thậm chí có lúc đạt được 95 nghìn đồng/kg. Nhưng vấn đề chính là mức tiêu thụ cũng giảm mạnh trong mấy ngày gần đây, nên giá bán đã trở lại vạch xuất phát, có buổi chợ ế bà H. phải bán đổ cho các nhà hàng mức giá 80 nghìn đồng/kg.

Gà ta đã vậy, còn gà công nghiệp gần như không thể tiêu thụ, và giá cũng lao dốc. Ông Phạm Văn Nghị - một người Hải Phòng mở 5 trang trại ở Hải Dương và Đông Triều (Quang Ninh) than thở: “Chưa có năm nào bết bát như năm nay, khi gà công nghiệp lông trắng bán trày trật mới hết hàng…”

          Cùng với các loại thịt, nhóm rau xanh cũng đang trong bắt đầu giảm giá. Ngoại trừ một tuần sau tết rau xanh tăng bình quân 20%, còn thời điểm hiện tại một số loại rơi vào tình trạng “âm” so với mức bình quân của tháng trước tết. Đáng chú ý, những rau mất giá chủ yếu là những loại nông dân Hải Phòng đang canh tác. Cụ thể như cải xanh – dền – cải cúc  bán lẻ mới có 5 nghìn đồng/bó, cải bắp 6 nghìn đồng/kg, súp lơ xanh 7 nghìn đồng/cây to, cải xoong 7 nghìn đồng/kg, rau thơm 12 nghìn đồng/kg…

          Không lơ là với nguồn cung

          Theo số liệu của ngành nông nghiệp, thì vụ Đông – Xuân năm nay diện tích cây rau màu là 7.449ha chưa đáp ứng yêu cầu kế hoạch, trong đó diện tích các loại rau xanh đều có dấu hiệu giảm mạnh, cụ thể chỉ đạt 6.020,6 ha, bằng 97,21%, giảm 172,6 ha so với vụ Đông năm trước. Nhưng điều quan trọng là, thời điểm này nhiều diện tích thuộc diện xen canh đã chuyển sang trồng lúa và các loại cây màu khác, nên nguồn cung rau tại chỗ có phần ảnh hưởng không nhỏ. Đối với gia súc, gia cầm, dù giá lợn hơi năm 2018 tăng rất cao, nhưng tổng đàn lợn trong dịp tết vừa qua của thành phố vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, với 422,1 nghìn con. Trong khi đó, đàn gia cầm được tích trữ tới 7.873,2 nghìn con, nhưng do nhu cầu tiêu thụ dịp tết nên hiện cũng đang giảm đáng kể.

Đánh giá về thị trường Hải Phòng, ông Phạm Văn Nghị cho biết, thực phẩm tươi sống Hải Phòng được hình thành từ rất nhiều nguồn, nhưng như đã đề cập ở trên, nguồn cung tại chỗ lúc cao điểm cũng chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu, còn lại cơ bản là từ các tỉnh lân cận, một phần khác nhập khẩu hoặc phía Nam và Trung Quốc nhưng chủ yếu là rau dạng củ, quả...  Cũng theo ông Nghị, có hai nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm ổn định thời gian qua, thứ nhất là thời gian trước phía Trung Quốc nhập khẩu tiểu ngạch lợn, gà công nghiệp với số lượng lớn, khiến nhiều người đã đầu tư vào chăn nuôi, tuy nhiên vào cuối năm Trung Quốc hạn chế nhập khẩu xuất khẩu, tác động nguồn cung trở ngược về nội địa. Thứ hai, thời tiết năm nay rất thuận lợi, ít dịch bệnh, không chỉ tạo điều kiện tốt cho nuôi trồng mà cũng rất thuận lợi cho bảo quản, lưu thông hàng hóa. Trong khi nhu cầu tiêu thụ có hạn, dẫn đến mất cân đối trong cán cân cung-cầu.

          Tham khảo ý kiến một số chủ trang trại, hầu hết mọi người đều cho rằng, sau mỗi lần biến động là nguồn lực chăn nuôi sẽ có “vấn đề”, nếu giá giảm có người nản không muốn đầu tư, nếu giá biến động bất thường lại càng khó để đầu tư tái tạo. Điều đáng bàn là “điểm rơi” của thị trường rất khó dự báo, rủi ro cũng rất dễ xảy ra. Hơn nữa, mỗi dịp sau tết thì nguồn giống cũng sẽ bấp bênh, vì bản thân giống cũng là một kênh đầu tư nuôi trồng, nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp tết sẽ tác động ngược trở lại nguồn cung, rất có thể sẽ làm tăng giá giống trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là, nếu để tự phát thì nguồn cung sẽ rất khó lường, đương nhiên sẽ khó cân đối với nguồn cầu, tác động không nhỏ đến bình ổn thị trường.

          Thiết nghĩ trong điều kiện hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc, rà soát toàn diện để làm rõ thực trạng nêu trên, kể từ nguồn cung (bao gồm cả khâu sản xuất tại chỗ và nhập từ bên ngoài) cho đến nguồn cầu và diễn biến thị trường. Từ đó có giải pháp quy hoạch, định  lượng và định hướng, tránh tình trạng để nông dân và các nhà cung cấp “tự bơi” trong điều kiện tự do.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông