16:12 13/02/2019 Sở hữu hơn 3.200 km bờ biển với hơn 40 cảng biển đang hoạt động, nhưng du lịch tàu biển hiện đóng góp chưa tới 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong bối cảnh đó, năm 2018, việc đưa vào vận hành Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách du lịch chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam, được xem là cú hích lớn cho thị trường du lịch giàu tiềm năng này.
Giải bài toán phát triển du lịch tàu biển
Hệ thống cảng biển ở Việt Nam hiện đảm nhiệm cả hai vai trò là cảng tàu khách và cảng hàng hóa. Điều này dẫn tới việc du lịch Việt nhiều lần phải nói “không” với các tàu khách siêu sang khi tàu hàng đã lấp đầy cảng.
Mặt khác, khách du lịch tới Việt Nam bằng đường biển đối mặt với các trải nghiệm tồi tệ vì bị chào đón chung với hàng hoá hay phải tăng bo vào bờ bằng tender…Thực tế đó không chỉ trở thành điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của du lịch tàu biển Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của điểm đến du lịch.
Suốt nhiều năm qua, tình trạng này được các chuyên gia và đại diện các hãng lữ hành lớn trong nước cảnh báo, kiến nghị, tuy nhiên không có giải pháp bởi chi phí xây dựng cảng tàu khách chuyên biệt quá lớn khiến nhiều địa phường e dè, nhất là vào thời điểm hiệu quả đầu tư công bị đặt nhiều nghi vấn.
Trong bối cảnh đó, việc Quảng Ninh đi tiên phong huy động nguồn lực kinh tế tư nhân để đầu tư một cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch tàu biển địa phương và quốc gia.
Ngày 27/11/2018, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã chính thức đi vào vận hành, chấm dứt tình trạng các tàu khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long phải đậu ngoài xa và du khách tăng bo vào bờ bằng tender, vừa mất thời gian, vừa kém an toàn như trước. Đồng thời mở ra giai đoạn mới trong việc phát triển, khai thác “miếng bánh” du lịch tàu biển đầy hấp dẫn với Quảng Ninh.
Tọa lạc bên trái tuyến luồng Hòn Gai - Cái Lân thuộc phường Bãi Cháy, Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long (Tập đoàn Sun Group) đầu tư xây dựng, được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Các hạng mục chính của công trình gồm: cầu cảng, cầu dẫn, bến du thuyền, nhà ga hành khách, nhà công vụ của cơ quan chức năng. Trong đó bến cảng khách dài 406m gồm 6 trụ neo; sảnh đón khách dài 130m, rộng 30m. Đặc biệt, nhà ga Cảng rộng 4.500 m2 gồm 3 tầng với tổng diện tích 13.500 m2, được thiết kế bởi “bàn tay ma thuật” của Bill Bensley - top 5 kiến trúc sư hàng đầu thế giới.
Khởi công từ tháng 4/2017 với tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, Sun Group đã hoàn thành công trình lịch sử của du lịch Quảng Ninh chỉ sau hơn 1 năm triển khai thi công. Thành công của Quảng Ninh thể hiện vai trò và dấu ấn lớn của khối kinh tế tư nhân trong việc phát triển hạ tầng du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Mảnh ghép “đắt giá” của du lịch Quảng Ninh
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chiến lược phát triển du lịch tàu biển đến năm 2020 của thế giới có xu thế phát triển mạnh đến vùng Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao, cao hơn khoảng 40% so với loại hình du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Bên cạnh đó, tàu biển có sức quảng bá điểm đến rất lớn với giá trị marketing toàn cầu. Bởi các hãng tàu có luôn chiến dịch quảng bá điểm đến trên lộ trình du lịch tại nhiều quốc gia. Một ưu điểm khác của du lịch tàu biển là du khách thường đa quốc tịch và có thu nhập cao, nên tại mỗi điểm đến, sẽ đi tour và mua sắm rất lớn.
Với Quảng Ninh, sở hữu kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, nằm trong lộ trình thuận lợi của các hãng tàu châu Á, du lịch tàu biển tỉnh này có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới. Nhất là khi cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long được dự báo nhanh chóng kín lịch đón các chuyến tàu 5 sao quốc tế cập bến trong năm 2019.
Bên cạnh việc “trải thảm” đón thêm dòng khách cao cấp, du lịch Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng cũng chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng về dịch vụ du lịch để đa dạng trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của mọi du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt tại khu vực Bãi Cháy với sự đầu tư đồng bộ của Tập đoàn Sun Group đã hình thành quần thể du lịch sôi động với tiêu chuẩn quốc tế.
Từ tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, quảng trường biển Sun Carnival Plaza, cho đến khu nghỉ dưỡng ven biển Sun Premier Village Ha Long Bay và các khu phố thương mại đang triển khai…Sun Group đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp không khói Quảng Ninh bằng những sản phẩm du lịch vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế.
Thành công trong việc lựa chọn được những nhà đầu tư “đủ tâm và đủ tầm”, du lịch Quảng Ninh đứng trước cơ hội lớn để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, với động lực lớn từ nguồn lực kinh tế tư nhân.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão