Căng thẳng Nga – Ukraine: Thử bàn về hệ lụy kinh tế đối với Việt Nam

10:43 28/02/2022

Sau khoảng thời gian căng thẳng leo thang, vào ngày 24-2 trên phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện những thông tin đầu tiên về xung đột vũ trang giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Nga và Ukraine. Còn sớm để nói về nguyên nhân, nhưng dù muốn hay không những diễn biến tương tự cũng sẽ tác động vào tình hình kinh tế thế giới, mà trong bối cảnh hội nhập kinh tế, vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm đáng kể của nhiều người Việt Nam.

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nga và Ukraine, hai nước cộng hòa lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai về diện tích, dân số cũng như các tiềm lực khác, trong thành phần của Liên bang Xô - viết trước đây (Liên Xô cũ). Trước khi Liên Xô tan rã, cả hai quốc gia đều có quan hệ toàn diện mật thiết với Việt Nam, riêng về kinh tế hai quốc gia này cùng với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là thị trường chính của Việt Nam và ngược lại.

Sau hơn 35 năm đổi mới, chủ trương đúng đắn về mở cửa kinh tế cũng như chính sách đối ngoại “làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới” do Đảng ta phát động đã khiến cục diện có nhiều thay đổi. Điều hiển nhiên đó là nền tảng cơ hữu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới, là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Đông Nam Á.

Nói như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Quy mô nền kinh tế tăng cao, nguồn đầu tư đa dạng quốc tịch chảy ngày càng nhiều vào Việt Nam, kết cấu mô hình ngoại thương cũng thay đổi, theo diễn trình đó quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine cũng thay đổi theo.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, năm 2021 vừa qua tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD.

Trong khi đó, dù Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và lớn thứ năm trong APEC của Nga, nhưng cũng trong năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Nga chỉ đạt 7,14 tỷ USD, chiếm khoảng hơn 1% tổng lượng. Còn đối với Ukraine, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam – Ukraine đạt khoảng hơn 478 triệu USD, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng.

Về đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến hết năm 2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 408 tỷ USD. Trong đó đầu tư của Nga vào Việt Nam có khoảng 150 dự án, đứng thứ 23 trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tổng lượng.

Còn đầu tư của Ukraine vào Việt Nam ít hơn, với 27 dự án có tổng vốn khoảng 30 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, tính đến thời điểm này, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Nga và Ukraine, nhưng với số lượng dự án và quy mô đầu tư nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo tác động lớn trong quan hệ kinh tế song phương nói chung.

Kinh tế Hải Phòng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine?

Như vậy, ngoài những yếu tố liên quan đến các mối quan hệ kinh tế quốc phòng, từ những số liệu thống kê trên đây cho thấy, dấu ấn quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Nga và Ukraine còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy có thể suy luận, xung đột giữa hai nước nếu có tác động trực diện đến các quan hệ giao thương hoặc đầu tư, thì ảnh hưởng đối với Việt Nam cũng không đáng kể.

Ở một diễn biến khác, trong thời gian gần đây tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến xấu, như thị trường chứng khoán mất điểm, giá vàng và giá dầu mỏ tăng rất cao, được cho là xuất phát từ căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga – Ukraine? Nhìn vào tổng thể, diễn biến này ít nhiều đã tác động trực tiếp vào nền kinh tế Việt Nam, khi các nhóm biến động đang giữ quyền chi phối khá lớn trong mọi hoạt động cả trong nước và kinh tế đối ngoại.

Nhưng khách quan mà nhìn nhận, giá dầu thực tế đã bắt đầu tăng với cường độ mạnh ngay từ đầu năm 2021, mà nguyên nhân được cho là kinh tế thế giới phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dẫn đến chỉ trong năm 2021, giá xăng dầu tại Việt Nam đã có tới 16 lần điều chỉnh theo hướng tăng, bước sang năm 2022 cũng liên tục tăng, cho thấy nguyên nhân không chỉ từ xung đột giữa hai quốc gia trên.

Hơn nữa, theo thuyết “cơ hội”, rất có thể xung đột chỉ là một trong những cái cớ để các thế lực quốc tế giữ quyền chi phối lợi dụng, thao túng nền kinh tế thế giới, điều mà cơ bản trong cuộc khủng hoảng nào cũng xuất hiện?

Đối với Hải Phòng, là cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, qua hệ thống dịch vụ cảng biển và các phân ngành kinh tế liên quan, đồng thời cũng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nên với mỗi diễn biến kinh tế thế giới, nếu có ảnh hưởng thì Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương chịu hậu quả đầu tiên và lớn nhất, bao gồm cả yếu tố tiêu cực lẫn tích cực.

Thứ nhất, Hải Phòng có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, riêng trong năm 2021 vừa qua tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 25 tỷ USD, phần lớn xuất nguồn từ các doanh nghiệp FDI.

Thứ hai cũng liên quan đến yếu tố nước ngoài, như đã nói ở trên, Hải Phòng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI, cụ thể tính đến thời điểm này thành phố có 800 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 22,731 tỷ USD.

Nhưng hầu như trên địa bàn không có dự án nào đáng kể đến từ Nga và Ukraine có thể làm thay đổi bản đồ đầu tư, thương mại nói riêng và nền kinh tế thành phố nói chung. Ngoại trừ những rủi ro khi kinh tế quốc tế biến động trên diện rộng.

Cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nga và Ukraine chưa có hồi kết, cũng chưa thể lường trước được những diễn biến tiếp theo, nhưng kinh nghiệm cho thấy, các cuộc xung đột thường bao hàm phạm vi rộng, có thể tạo ra sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu.

Vì vậy chúng ta cũng không thể bàng quan, cho rằng căng thẳng đang diễn ra là chuyện riêng của hai nước, mà cần có biện pháp chủ động để ứng phó.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông