16:52 26/05/2022 Nhồi máu cơ tim đã trở thành căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện trên toàn quốc. Dù nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu chúng ta biết được các dấu hiệu cảnh báo và đến bệnh viện sớm, chúng ta có thể tự cứu mình. Tại hải Phòng, hàng năm, có hàng trăm bệnh nhân đã được cứu sống bằng phương pháp tim mạch can thiệp nhờ đến bệnh viện sớm.
Can thiệp kịp thời tránh nguy cơ tử vong
Các bác sĩ Khoa Tim mạch - Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng vừa can thiệp kịp thời, cứu sống bệnh nhân có quốc tịch Trung Quốc bị nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng, Block nhĩ thất độ 3 (cấp độ cao nhất).
Ngày 17-5 vừa qua, bệnh nhân W.C.L 49 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng trong tình trạng đau ngực dữ dội, huyết áp tụt 84/55mmHg, nhịp tim chậm, khó thở.
Qua thăm khám cùng xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, có sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng, block nhĩ thất độ 3 (là cấp độ cao nhất và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đột tử); suy thận cấp, men gan tăng.
Các bác sĩ Khoa Tim mạch - Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đánh giá tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, cần can thiệp xử trí ngay nên bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến phòng phẫu thuật để tiến hành chụp động mạch vành qua da, thực hiện can thiệp cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành phát hiện, tổn thương nặng 3 thân mạch vành, tắc mãn tính động mạch liên thất trước LAĐ, tắc hoàn toàn do xơ vữa và huyết khối động mạch RCA, hẹp 80-90% động mạch mũ. Dựa vào điện tim, các đánh giá và hình ảnh trên phim chụp cho thấy, thủ phạm gây tình trạng sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp lần này là do tắc hoàn toàn động mạch vành phải RCA.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các Khoa: Gây mê hồi sức, Tim mạch - Đột quỵ, kíp bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành can thiệp đặt stent động mạch RCA, sau đó tái thông hoàn toàn, tuần hoàn dòng chảy tốt. Sau can thiệp, nhịp tim, huyết động bệnh nhân đã trở về bình thường, huyết áp tốt, hết đau ngực, được theo dõi và điều trị tại Khoa Tim mạch - Đột quỵ.
Theo Ths.BSNT Vũ Học Huấn - Trưởng Khoa Tim mạch - Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng bệnh lí cấp cứu có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay với sự phát triển của chuyên ngành tim mạch can thiệp, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu đã góp phần làm giảm được đáng kể tỉ lệ tử vong của nhồi máu cơ tim, đồng thời cải thiện được tiên lượng sức khoẻ của người bệnh về lâu dài.
Việc thực hiện thành công liên tiếp các ca can thiệp tim mạch cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng có ý nghĩa rất lớn, khẳng định trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đội ngũ người nước ngoài đang công tác, sinh sống trên địa bàn thành phố.
Cảnh báo những dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp
Theo các chuyên gia Y tế, nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho tim ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.
Chúng ta vẫn nghĩ nhồi máu cơ tim giống như các bộ phim vẫn chiếu trên truyền hình là một người đột ngột ôm lấy ngực và ngã ra. Nhưng thực sự không phải vậy, nhiều người chỉ có những cơn đau ngực rất nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu ở dưới xương ức. Các dấu hiệu này có thể thoáng qua rồi lại bình thường ngay. Thậm chí, những người nhồi máu cơ tim có thể không nhận thấy triệu chứng này cho đến khi có những triệu chứng đau khác xảy ra.
Triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho người bệnh cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở.
Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ. Khi có những cơn đau ngực như vậy, hãy đến một bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp.
Theo cácBác sĩ tại Khoa Tim mạch - Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng những đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim gồm, nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới; Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi; Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.
Các chuyên gia Y tế cũng khuyến cáo, người bệnh nên đến viện sớm nhất có thể khi có đau ngực nghi do nhồi máu cơ tim để được can thiệp kịp thời tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
VŨ DUYÊN
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024