Cánh cổng vào đại học và cao đẳng vẫn rộng mở đón thí sinh

01:08 14/09/2015

 

Khu vực tư vấn thay đổi nguyện vọng xét tuyển Đại học của Trường Đại học Xây dựng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Khu vực tư vấn thay đổi nguyện vọng xét tuyển Đại học của Trường Đại học Xây dựng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đợt 2 của kỳ xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015 đã khép lại, nhưng nhiều trường đại học địa phương, nhất là các trường ngoài công lập vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Vì vậy, các trường tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3. Thời hạn nhận hồ sơ nguyện vọng bổ sung đợt này tính theo dấu bưu điện từ ngày 11/9 đến hết ngày 21/9/2015.

Trong đợt xét tuyển này, tại khu vực phía Bắc, có sáu trường đại học (chưa tính các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên), sáu trường cao đẳng tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trong đó, Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh ở cả hai cơ sở Hà Nội và Đồng Nai.

Tại cơ sở ở Hà Nội, Đại học Lâm Nghiệp còn chỉ tiêu ở 25 ngành trình độ đại học, tại Đồng Nai tuyển sinh 11 ngành trình độ đại học và chín ngành trình độ cao đẳng.

Trường Đại học Công nghiệp Việt Hưng còn 1.000 chỉ tiêu, xét tuyển theo hai phương thức: xét tuyển theo kết quả học tập năm lớp 12 Trung học phổ thông và xét tuyển theo kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2015 tại cụm thi do các trường đại học chủ trì.


Trường Đại học Thái Nguyên cho biết: Sau hai đợt xét tuyển, Đại học Thái Nguyên đã có gần 9.000 thí sinh trúng tuyển, đạt trên 80% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục nhập học mới chỉ đạt trên 70%.

Ở đợt xét tuyển nguyện vọng 3 bắt đầu từ ngày 11/9 đến ngày 21/9, Đại học Thái Nguyên còn trên 2.500 chỉ tiêu.

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng vào các ngành của các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên.

Trường thành viên chỉ nhận hồ sơ cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành thuộc trường.

Theo nhận định của Hội đồng tuyển sinh Đại học Thái Nguyên, nguyên nhân thí sinh đến làm thủ tục nhập học chưa cao có thể do thất lạc giấy gọi trúng tuyển hoặc địa chỉ chưa chính xác.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa có thể là lượng thí sinh ảo, nhóm thí sinh ảo có thể có tên trúng tuyển nhiều trường khác nhau, việc này áp dụng với trường hợp các trường tuyển sinh dựa trên học bạ.

Ngay trong Đại học Thái Nguyên cũng có thí sinh gửi 3-4 bộ hồ sơ xét tuyển bằng bản sao học bạ, nên khó kiểm soát.

Đáng chú ý, qua hai đợt xét tuyển đại học vừa qua, nhiều thí sinh cũng như các bậc phụ huynh không đồng tình với việc cộng điểm ưu tiên vì cho rằng thí sinh đạt điểm trung bình nhưng có điểm ưu tiên cao đủ điểm vào trường, ngành học tốp trên, trong khi thí sinh đạt điểm khá song không có hoặc có ít điểm ưu tiên lại bị trượt đại học.

Trường Đại học Hùng Vương xét tuyển cho 25 ngành trình độ đại học và chín ngành trình độ cao đẳng.

Đối tượng đăng ký xét tuyển vào trường là các thí sinh có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia do các trường đại học chủ trì đã được xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông và có điểm trung bình cộng kết quả học tập các môn xét tuyển theo ngành tương ứng của 6 kỳ trong chương trình Trung học phổ thông đối với các ngành đại học đạt điểm từ 6.0 trở lên, đối với các ngành cao đẳng đạt điểm từ 5.5 trở lên (trừ các ngành đại học, cao đẳng sư phạm). Có hạnh kiểm lớp 12 xếp loại Khá trở lên.

Đại học Dân lập Phương Đông cho biết sẽ xét tuyển theo k ết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia v ới 800 chỉ tiêu trình độ đại học, 80 chỉ tiêu trình độ cao đẳng.

Ngoài ra, trường còn xét tuyển căn cứ theo kết quả học tập bậc Trung học phổ thông với t ổng điểm trung bình 3 môn học của tổ hợp xét tuyển (không tính điểm ưu tiên) ≥18 điểm (với hệ Đại học) và ≥16.5 điểm (với hệ Cao đẳng). 


Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình còn chỉ tiêu cho cả hai trình độ đại học và cao đẳng, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là từ 15 điểm đối với thí sinh khu vực ba đăng ký vào đại học và từ 12 điểm đối với thí sinh khu vực ba đăng ký hệ cao đẳng.

Có sáu trường cao đẳng khu vực phía Bắc thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển trong đợt này, đa số là các trường sư phạm gồm: Cao đẳng Hàng Hải; Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh; Cao đẳng Sư phạm Hà Giang; Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng; Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ; Cao đẳng Sư Phạm Nghệ An.

Khu vực phía Nam có ba trường đại học thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển. Trong đó, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh thông báo còn 60 chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học vào các ngành Khoa học thư viện, Bảo tàng học, Văn hoá các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Văn hoá học (chuyên ngành Văn hóa Việt Nam) với mức điểm xét tuyển từ 15 trở lên, trừ ngành Văn hóa học có mức xét tuyển từ 18,25 trở lên.

Trường Đại học Phú Yên thông báo tuyển 50 chỉ tiêu trình độ đại học, 60 chỉ tiêu trình độ cao đẳng. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm trở lên đối với trình độ đại học và 12 điểm trở lên đối với trình độ cao đẳng.

Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo chỉ tiêu bổ sung đợt này lên tới 567 chỉ tiêu, trong đó có 292 chỉ tiêu trình độ đại học và 275 chỉ tiêu trình độ cao đẳng.

Trường sẽ xét tuyển theo cả hai hình thức là theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và theo học bạ Trung học phổ thông.

Có 13 trường cao đẳng khu vực phía Nam thông báo tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Công nghiệp Cao su; Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị; Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Bách Việt; Cao đẳng Sư phạm Long An; Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung; Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế Bảo Lộc; Cao đẳng Công nghệ và Quản trị SONADERI; Cao đẳng Giao thông vận tải miền Trung; Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Cao đẳng Y tế Tiền Giang.

Theo VietnamPlus


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông