Cảnh giác thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả mua hàng "trả góp"

15:43 23/08/2017

Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua trả góp. Đối tượng phạm tội hầu hết là những kẻ có tiền án, tiền sự, không công ăn việc làm đã lợi dụng sơ hở, thiếu giám sát kiểm tra của các công ty tài chính, cửa hàng, siêu thị kinh doanh để mua các loại hàng hóa có giá trị như ĐTDĐ, xe máy, tivi... rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Thủ tục cho vay tiền mua hàng trả góp của các công ty tài chính còn khá lỏng lẻo (Ảnh minh họa)

Vụ án vừa được TAND TP đưa ra xét xử, phần nào cho thấy sự lỏng lẻo của các cơ sở kinh doanh trả góp. Các đối tượng phạm tội gồm: Phạm Mạnh Minh; Ram Jack Sinh, đều sinh 1990; Cao Thị Nhung, sinh 1984, cùng ở Lạch Tray, phường Hàng Kênh, Lê Chân; Nguyễn Văn Chung, sinh 1980, trú ở thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương và Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh 1969, ở Văn Cao, phường Đằng Lâm, Hải An.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 10-2016, Sinh cùng Nhung lên mạng internet “chào mời” dịch vụ cho vay họ góp, xin việc làm để lấy giấy CMND và các giấy tờ tuỳ thân của một số người.

Tiếp đó, các đối tượng sử dụng CMND, GPLX, hộ khẩu của người khác, thay ảnh giả danh người trong các giấy tờ này để ký hợp đồng tín dụng mua điện thoại trả góp với các công ty tài chính TNHH một thành viên Home Credit và HD SaiSon. Với thủ đoạn này, Minh, Nhung và đồng bọn đã mua trả góp 5 điện thoại có giá trị cao như Iphone 6s, Samsung A9, Samsung S7 rồi rao bán qua mạng, chiếm đoạt khoảng 50 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, ngày 2-7 vừa qua Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hải Dương khởi tố bị can 2 đối tượng Nguyễn Khắc Đoàn, sinh 1998, ở khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương và Đỗ Thị Thư, sinh 1998, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó vào ngày 4-4, tại siêu thị Điện Máy Xanh trên đường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, xuất hiện 1 nam thanh niên mang giấy CMND, GPLX đến làm hồ sơ đề nghị vay tiền mua điện thoại.

Sau khi kiểm tra 2 loại giấy tờ trên bằng mắt thường, nhân viên của công ty đã đề xuất cho vay gần 8 triệu đồng theo hợp đồng tín dụng tiêu dùng trả góp để mua 1 ti vi giá trên 10,3 triệu đồng.

Tuy nhiên sau đó phía Cty mới phát hiện các giấy tờ trên là giả mạo. Cũng trong khoảng thời gian trên, Phòng CSHS- Công an tỉnh liên tiếp nhận thông tin về một số đối tượng làm giả giấy CMND và GPLX lừa vay mua hàng trả góp, sau đó đem bán lấy tiền tiêu xài.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã nhanh chóng xác định Nguyễn Khắc Đoàn là một trong những đối tượng như vậy. Tại cơ quan điều tra, Đoàn khai nhận, hàng ngày  hắn cặp cạ chung như vợ chồng với Thư. Không có việc làm nên cặp tình nhân rơi vào cảnh túng thiếu.

Lang thang trên internet, Đoàn biết Cty Home Credit cho vay trả góp để mua các sản phẩm điện tử tại một số siêu thị, cửa hàng. Lợi dụng điều kiện cho vay khá đơn giản, chỉ cần có giấy CMND và GPLX là có thể làm thủ tục vay nên đối tượng nảy sinh ý định làm giả các giấy tờ trên để vay tiền. Đoàn tìm mua giấy CMND của người khác, rồi dùng máy sấy, khò nóng để dán ảnh mình vào và làm giả GPLX trùng khớp thông tin, ảnh với CMND trên rồi đi mua hàng trả góp. 

Có thể nói, trong các vụ án trên, ngoài thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội còn phải kể đến sự sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý của các công ty tài chính. Trong vai một khách mua hàng, chúng tôi mới thấy thực tế các thủ tục tài chính rất đơn giản, người mua chỉ cần một CMND, GPLX và 2 số điện thoại.

Trong khi đó, nhân viên các cơ sở bằng mắt thường không thể phát hiện được đâu là CMND thật, đâu là giả. Vì thế, các đối tượng thường lợi dụng sổ hộ khẩu và chứng minh thư của người khác để dán ảnh vào đó.

Ngoài ra, không ít trường hợp các thông tin trên CMND và hộ khẩu không trùng khớp song vì doanh số bán hàng, nhân viên đã vô tình  hoặc cố ý bỏ qua. Cá biệt, một số đối tượng còn liều lĩnh đóng giả là người có tên trong chứng minh thư để thực hiện các thủ tục vay tiền, mua hàng trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, theo một cán bộ điều tra để hạn chế các vụ việc, phía Cty kinh doanh tài chính, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh dưới hình thức bán hàng trả góp cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Với các hồ sơ đề nghị mua hàng dưới hình thức trả góp, cần kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng; tường hợp nghi ngờ cần phải thông tin cho cơ quan chức năng thông báo sự việc để xác minh, làm rõ.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông