Cập nhật tình hình dịch bệnh đến sáng 8/4

13:17 08/04/2020

Theo trang thống kê worldometers.info tính đến 7h40 sáng 8/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.426.609 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã lên tới 81.995 người.

Đến nay, thế giới cũng ghi nhận 301.828 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 47.912 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

*Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 396.416 ca mắc và 12.813 ca tử vong do COVID-19, tăng gần 2.000 ca tử vong so với ngày hôm trước. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 141.942 ca mắc và 14.045 ca tử vong. Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 135.586 ca mắc và 17.127 ca tử vong. Đứng thứ tư là Pháp với 109.069 ca mắc và 10.328 ca tử vong. Thứ 5 là Đức với 107.663 ca mắc và 2.016 ca tử vong.

Hiện dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Mỹ, Thống đốc bang Maryland, Larry Hogan thông báo chính quyền Tổng thống Donald Trump đã coi hành lang thủ đô Washington D.C và Baltimore, thủ phủ bang Maryland, là một điểm nóng mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York (Mỹ)

Bang Maryland đã ghi nhận 4.371 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 103 trường hợp tử vong. Trong khi đó, tại thủ đô Washington D.C, số ca nhiễm virus đã lên tới 1.200 người, với 22 ca tử vong. Do chỉ thị yêu cầu người dân "ở nhà", không cấm các hoạt động tập thể dục tại thủ đô Washington D.C nên rất đông người dân đã đạp xe, đi bộ hay dắt chó đi dạo tại những đường đi bộ nhỏ hẹp hay đường đạp xe, dẫn tới không đảm bảo được việc thực hiện “giãn cách xã hội”.

Trong khi đó, Thống đốc bang New York (Mỹ), Andrew Cuomo trong cuộc họp báo đêm 7/4 (theo giờ Việt Nam) cho biết sau 2 ngày số ca tử vong không tăng, bang này đã phải chứng kiến ngày có số ca tử vong vì COVID-19 nghiêm trọng nhất với 731 ca tử vong mới. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 599 ca tử vong trong một ngày trước đó. Tính tổng cộng, bang New York đã có tới 5.489 ca tử vong. Ngược lại, cũng có tín hiệu tích cực ở bang này khi số ca mới phải nhập viện trong ngày đều giảm trong 3 ngày qua.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ bổ sung 225 triệu USD vào các khoản viện trợ toàn cầu của Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chính quyền Mỹ cũng sẽ đảm bảo những vật tư y tế thiết yếu ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tại Italy,  nhà chức trách miền Bắc Italy đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm máu các nhân viên y tế nhằm tìm ra kháng thể có thể giúp xác định cá nhân trong cộng đồng "miễn nhiễm" với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thống đốc Veneto Luca Zaia cho biết mục tiêu của chiến dịch này là tìm ra những cá thể "miễn dịch" với virus SARS-CoV-2, từ đó cấp phép để họ quay lại làm việc.

*Bước đi trên được triển khai trong bối cảnh số ca tử vong và ca mắc COVID-19 tại Italy có dấu hiệu "ổn định" và chính phủ đã bắt đầu cân nhắc về giai đoạn 2 của khủng hoảng y tế, khi các doanh nghiệp cũng như các ngành nghề kinh doanh vốn phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa có thể hoạt động trở lại.

*Theo cập nhật tối 7/4 của Bộ Y tế Anh, tính đến 23h00 ngày 6/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này đã tăng lên 7.159 ca. Như vậy, trong 24 giờ trước đó tính đến mốc trên, Anh ghi nhận thêm 786 ca tử vong, mức cao kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát.

Theo Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance (Pa-trích Va-lan-xơ), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện không còn tăng nhanh như trước, song vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đã lên đến đỉnh dịch.

Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 7/4 cho biết, tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Boris Johnson ổn định và ông vẫn đang được điều trị đặc biệt để theo dõi chặt chẽ tình hình.

*Tại Pháp, tính đến tối 7/4 (theo giờ địa phương), Pháp đã ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do dịch COVID-19, bao gồm 7.091 ca qua đời tại bệnh viện (tăng 607 ca trong 24 giờ) và 3.237 ca tại các viện dưỡng lão (tăng 820 ca). Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.417 ca tử vong vì COVID-19.

Giới chức y tế Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch bệnh.

Trong khi đó, nhiều nước Bắc Âu thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng một số quy định đang hạn chế hoạt động đang được áp đặt để chống dịch bệnh lây lan, sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm đã được kiểm soát ở mức thấp.

*Chính phủ Đan Mạch lên kế hoạch mở cửa trở lại các nhà trẻ và trường tiểu học từ ngày 15/4 tới, như bước đầu tiên để dần nới lỏng lệnh phong tỏa đã kéo dài 3 tuần. Trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo sẽ công bố kế hoạch nới lỏng dần lệnh phong tỏa nếu các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong nước không biến động.

*Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng thông báo kế hoạch từng bước và lịch trình mở cửa trở lại nhà trẻ và trường học trong tháng 4. Theo đó, các nhà trẻ sẽ được mở lại từ 20-27/4, trong các trường từ lớp 1-4  sẽ mở lại từ ngày 27/4. Tuy nhiên, người dân Na Uy vẫn phải tiếp tục làm việc tại nhà và duy trì các biện pháp khử trùng "trong thời gian dài".

*Còn tại Thụy Điển, chính phủ nước này sẽ đưa ra một dự luật tăng thêm quyền hành động khẩn cấp cho chính phủ trong trường hợp cần thiết, như đóng cửa các trung tâm vận chuyển và nhà hàng, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Dự luật được đánh giá sẽ được Quốc hội Thụy Điển thông qua trong những ngày tới, sau khi nhận được sự ủng hộ của nhiều chính đảng đối lập.

*Tại Trung Quốc, từ 0h đêm 8/4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.

Với lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống, cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết. Theo hãng tin AFP, ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Theo báo cáo ngày 8/4 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 7/4 đã có thêm 112 bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc đại lục được ra viện. Tính tới cuối ngày 7/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 77.279 bệnh nhân đã hồi phục và được ra viện. Tính tới ngày 7/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.802 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.333 ca tử vong vì dịch bệnh./.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích