Câu chuyện trong bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ phục vụ khu cách ly: Vất vả vì đồng bào mình cũng tự hào lắm!

15:05 26/03/2020

Vậy là đã gần một tuần chị Nguyễn Ngọc Ánh-Bếp trưởng của bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, ra khỏi nhà từ lúc trời còn tối đen, thậm chí là chưa có tiếng gà gáy sáng, bởi mới có khoảng hơn 3 giờ và về đến nhà là 18 giờ-khi trời cũng đã…nhá nhem.

Khách sạn sinh viên-nơi có hơn 100 trường hợp cách ly theo dõi

Mặc dù đang trong thời gian học sinh toàn trường nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bếp ăn bán trú không hoạt động, song khi hiệu trưởng nhà trường trực tiếp điện thoại động viên, chị Ánh và các đồng nghiệp của mình đã lập tức có mặt tại trường để nhận nhiệm vụ nấu ăn cho các trường hợp thuộc diện cách ly theo dõi đang sinh hoạt trong khu Khách sạn sinh viên của Trường ĐH Quản lý và Công nghệ nằm trên địa bàn quận Lê Chân.

Lau vội mồ hôi trên trán, chị Ánh chia sẻ rất chân thành: Khi nghe Ban giám hiệu nhà trường thông báo phục vụ cho khoảng 150 người ăn, chị em chúng tôi nghĩ rằng đơn giản vì nấu ăn là nghề của mình rồi. Khi các con đi học, nhà bếp còn phục vụ tới hơn 400 suất ăn bán trú và chúng tôi vui vẻ nhận lời ngay tắp lự. Thế nhưng khi bắt tay vào việc thì quả thực 5 chị em chúng tôi phụ trách nấu bếp có cảm giác bị sốc, một hai ngày đầu thấy quay cuồng, hoa mắt, chóng mặt. Thay vì phục vụ một bữa ăn chính như của các con trong trường thì nay nấu ăn 3 bữa gồm sáng-trưa-chiều cho khoảng 150 người lớn. 

Nhà bếp hối hả chuẩn bị bữa cơm trưa

Chị Bùi Thị Hậu, phụ bếp cho chị Ánh nhẩm tính: Một ngày chúng tôi phải nấu trên dưới 50kg gạo, rồi thịt, cá, rau củ. Chỉ tính riêng bữa sáng thôi, hôm nào ăn xôi ruốc, vừng lạc, chị em tôi phải rời nhà từ 3 giờ, 3 rưỡi sáng để kịp nấu và đến 6 giờ 30 phút là phải xong xuôi tất cả để xe của lực lượng làm nhiệm vụ đến chở về khu cách ly phục vụ mọi người trong đó.

Xe khuất tầm mắt thì chúng tôi lại lao vào soạn sửa cho bữa trưa, khi ấy thì cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng vào phụ giúp tiếp nhận đồ, nhặt rau, gọt vỏ để nhà bếp chế biến, các thầy cô nhà trường và các trường bạn tình nguyện đến chia cơm, canh, thức ăn, đóng hộp… đảm bảo 10 giờ 30 phải hoàn tất bữa trưa và đối với bữa chiều là 17 giờ.

Các cô giáo nhà trường và trường bạn tình nguyện đến giúp nhà bếp chia đồ ăn

Mặc dù, các suất ăn chiều đã được chuyển đến nơi cách ly hơn nửa giờ đồng hồ, song với cảm nhận của phóng viên và cũng là phụ nữ, tôi nhận thấy đôi bàn tay của các chị nấu bếp vẫn nhợt nhạt bởi ngâm nước quá lâu. Chiếc áo xanh đồng phục bếp của các chị vẫn còn loang mồ hôi.

Ấy vậy mà khi được hỏi về thực đơn của các bữa ăn, các chị say sưa trò chuyện, quên cả mệt nhọc.

Chị Ánh bộc bạch: Tuy hầu hết người trong khu cách ly là người lớn nhưng đang rất cần được nâng cao về sức khoẻ để chống đỡ bệnh dịch nên chị em chúng tôi càng phải trách nhiệm hơn với từng bữa ăn. Với bữa ăn sáng thì phải thường xuyên đổi món để người ăn không chán, còn bữa trưa, chiều thì đảm bảo hai món mặn, một món rau và một món canh. Với những món đòi hỏi kỳ công như cá kho, chị em chúng tôi phải lên lịch kho từ sáng để đến bữa chiều vừa đảm bảo cá đủ độ ngấm, vừa không bị nguội lạnh nhưng cũng không quá nóng để gắp ra không bị vỡ, ngon mắt, ngon miệng.

 Đọc báo, nghe đài nhà bếp cũng tăng khẩu phần rau xanh trong các bữa ăn, kèm theo là các gia vị hành, tỏi, gừng, hạt tiêu để có thể đề kháng với virus corona. Có những bữa ăn chúng tôi phải nấu tới 30kg rau, hàng cân hành, tỏi, nêm nếm gia vị đậm đà, mình ăn cảm nhận được vị ngon thì mọi người ở trong khu cách ly cũng vậy thôi.

Thăm quan khu nấu ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, phóng viên bắt gặp một tấm biển ghi rõ 5 mục được đặt ở vị trí ngay cửa ra vào, đó là: 1-Đo thân nhiệt trước khi vào khu vực nấu bếp, 2-Sát khuẩn tay và đeo khẩu trang tại khu vực chia đồ ăn, 3-Chia đúng số khay cơm, thức ăn, 4-Khi chia cơm không bật quạt (đảm bảo cơm nóng), 5-Không chia cơm sớm để bị nguội và không chia quá muộn để nhân dân bị đói, 6-Tròn việc (để không áy náy).

Cô Nguyễn Thị Thắm-Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ mà lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận Lê Chân và Phòng Giáo dục tin tưởng giao phó, tôi có chút băn khoăn, không phải vì ngại việc mà là làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm sức khoẻ cho người trong diện cách ly theo quy chuẩn chung của toàn thành phố.

11h30 ngày 21-3 chính thức nhận nhiệm vụ thì 14h cùng ngày Ban giám hiệu, bộ phận nấu bếp và các cô giáo tình nguyện bắt tay vào nấu những suất ăn đầu tiên tại bếp nhà trường. Cũng trong ngần ấy thời gian Ban giám hiệu nhà trường khẩn trương liên hệ, ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm, hộp đựng. Dù là các con trong trường hay người lớn thì chúng tôi vẫn đặt lên hàng đầu là chất lượng và an toàn thực phẩm, thịt giao tới bếp vẫn còn ấm, su su phải vừa hái chứ không phải để hai, ba ngày, cá phải còn tươi thì thịt, nước mới ngọt, hộp đựng phải đảm bảo tiêu chuẩn không làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn…

Vận chuyển các suất ăn tới khu vực cách ly

Trong những ngày này, bên cạnh hoạt động chuyên môn là xây dựng các bài giảng trực tuyến cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, chọn sách theo Thông tư 01 của Bộ Giáo dục, các thầy cô nhà trường còn chia nhau đến phụ giúp nhà bếp cũng trọn vẹn từ sáng đến chiều. Tôi động viên nhà bếp, các thầy cô rằng, điều kiện cơ sở vật chất khu vực nấu ăn của nhà trường khang trang, sạch sẽ, được các cấp lãnh đạo tin tưởng lựa chọn là nơi nấu các suất ăn phục vụ nhân dân trong thời gian cách ly là điều vinh dự và chúng ta phải cố gắng hoàn thành. Sâu xa đây cũng là một phần trách nhiệm của mỗi người dân khi quê hương, đất nước gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Câu chuyện dở dang khi trời nhá nhem, cô hiệu trưởng cùng một vài phụ huynh học sinh hối hả khuân các thùng dầu ăn, khẩu trang, đồ bảo hộ mà một số tổ chức, nhà hảo tâm trao tặng từ chiều để cất vào kho của nhà trường trước khi ông trời mưa nắng thất thường. Âu cũng là trân trọng, biết ơn những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân mình tương trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

Phụ huynh học sinh cùng cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm chuyển hiện vật được các tổ chức, nhà hảo tâm trao tặng để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 

Bếp trưởng Nguyễn Ngọc Ánh cùng các chị em cũng lục tục ra về, bắt tay phóng viên, chị Ánh rơm rớm nước mắt: Hôm trước trên đường từ trường về, vẫn mặc áo đồng phục, một người quen gặp chị, hỏi với “học sinh nghỉ sao lại đi làm?” Chị bảo: “Em đi nấu ăn để phục vụ người đang cách ly”. Bác ấy nói như hô “Cố gắng lên, đồng bào mình đấy, tự hào lắm!” rồi giơ ngón tay cái. Chị cảm động và tan biến hết mệt mỏi em ạ. Còn sức thì chị em mình sẽ cố gắng!

Mới thấy, trước những cam go, thách thức, trong mỗi người dân Việt nhỏ bé lại lấp lánh nghĩa tình đồng bào, chung tay cùng quê hương, đất nước vượt khó. Chúng tôi cũng thầm mong, các chị có sức khoẻ để tròn việc, tròn vai và rồi không phải áy náy với lương tâm, đồng bào mình! 

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông