15:23 24/01/2023 Dự kiến ban đầu, chương trình “Cầu nối yêu thương” của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong thực hiện trong 5 năm (từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2022), với mục tiêu xây dựng 60 cây cầu dân sinh. Nhưng hiện tại “Cầu nối yêu thương” đã đi qua chặng đường hơn 5 năm và đã có 100 cây cầu được xây dựng trên mọi miền tổ quốc, từ Bắc tới Nam. Những con số trên chỉ mất vài phút thống kê nhưng chứa đựng biết bao suy tư, trăn trở và cả tình cảm của cán bộ, công nhân viên Công ty Nhựa Tiền Phong trong đó…
Hiếm có dịp nào chúng tôi lại được đồng hành cùng cán bộ, công nhân viên Công ty Nhựa Tiền Phong từ đi khảo sát, khởi công tới tận lúc khánh thành như cây cầu thứ 100 này. Tại buổi khảo sát, ông Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quan, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Xã Vinh Quang có 2 thôn nghèo Ngọc Lâu và Bình Thể với 225 hộ dân và gần 1.000 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Tày. Thôn Bình Thể bị ngăn cách với bên ngoài bởi một con suối rộng có tên là Cổ Linh. Lâu nay, những em nhỏ ở thôn Bình Thể phải dậy từ tờ mờ sáng để đến trường vì phải đi qua suối trên một cây cầu cũ ọp ẹp, làm từ tre và gỗ. Mối nguy hiểm luôn rình rập bởi cầu thường xuyên bị hỏng hóc, gãy mục.
Đến năm 2014, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng một cây cầu mới, trụ đổ bê tông và mặt cầu hàn khung kẽm. Nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, cây cầu đã bị lũ cuốn trôi, phải liên tục sửa chữa. Mỗi khi mùa mưa tới, hàng trăm hộ dân cũng như các em học sinh của thôn Bình Thể muốn ra được Quốc lộ 2C để đi học, đi làm phải vượt quãng đường vòng xa tới 15km…”.
Thực ra những địa điểm mà Công ty Nhựa Tiền Phong lựa chọn khảo sát để xây cầu đều thuộc vùng gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế để góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên đường tới trường. Vì vậy, những thông tin do Chủ tịch UBND xã Vinh Quang đưa ra lúc đó chưa có gì khác biệt so với những địa điểm mà đoàn khảo sát của Nhựa Tiền Phong đã đi qua.
Tuy nhiên phải đến tận nơi, chứng kiến tận mắt những mố cầu đã bị xói mòn sau nhiều cơn lũ, cảnh học sinh phải ở trọ để đi học vì không về được nhà, cảnh người dân liều mình vượt qua lũ dữ, đoàn khảo sát đã nhanh chóng thống nhất chọn xây cầu tại xã Vinh Quang vì nó phù hợp với các tiêu chí mà chương trình “Cầu nối yêu thương” đề ra, đó là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; chưa có cầu bắc qua sông, suối hoặc cầu đã xuống cấp trầm trọng; khu vực có nhiều học sinh và đông người dân đi lại…
Đầu tháng 7-2022, Công ty Nhựa Tiền Phong đã chính thức khởi công xây dựng cây cầu mới bằng bê tông cốt thép bắc qua con suối Cổ Linh, giúp người dân và các em học sinh đi lại dễ dàng hơn, loại bỏ nỗi lo mất an toàn khi phải lưu thông qua cây cầu tạm trước đây. Sau 4 tháng xây dựng, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, thời tiết mưa nhiều, đặc biệt đã xảy ra 4 đợt lũ làm ảnh hưởng đến quá trình thi công nhưng “Cầu nối yêu thương” số 100 đã hoàn thành với chiều dài 31m, rộng 4m và tải trọng thiết kế 7 tấn cùng đường dẫn đầu cầu dài hơn 60m. Tổng kinh phí xây dựng cầu là hơn 2 tỷ đồng.
Ngày chuẩn bị khánh thành cầu, đón chúng tôi sau hành trình hơn 300 km cây số là chị Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên huyện Chiêm Hóa. “Những gì đoàn cần hỗ trợ để khánh thành cầu và tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ”, “Sắc màu Tuyên Quang”, cơ sở đã lo hết rồi và bà con đang háo hức chờ đoàn tới lắm. Không khí dưới xã lúc này như đang chuẩn bị cho 30 Tết ấy. Ai cũng chuẩn bị quần áo đẹp để được đi dự hội” - Kiều Oanh cho biết.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, lễ khánh thành “Cầu nối yêu thương” số 100 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra rất thành công. Trong niềm hân hoan phấn khởi của bà con, ông Trần Ngọc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ: “Đoàn khảo sát của Nhựa Tiền Phong đến xã Vinh Quang đúng vào lúc mưa lũ. Khi chứng kiến sự vất vả, nguy hiểm của người dân lúc vượt qua dòng suối mới hiểu được rằng cây cầu mới là niềm mơ ước từ rất lâu của người dân thôn Bình Thể và các thôn lân cận.
Chính vì vậy, Công ty Nhựa Tiền Phong khẩn trương lên phương án xây dựng để cây cầu sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giúp cuộc sống của bà con ổn định, việc học tập của các em nhỏ cũng không còn bị gián đoạn. Tôi hết sức vui mừng khi lễ khánh thành cầu Bình Thể được tổ chức ngày hôm nay có sự tham gia của đông đảo người dân xã Vinh Quang. Đây là cây cầu thứ 100 được xây dựng và cũng là dấu ấn quan trọng cho hành trình 5 năm triển khai chương trình "Cầu nối yêu thương" của Nhựa Tiền Phong. Thành công của chương trình không chỉ mang lại tương lai tươi sáng hơn cho người dân và các em nhỏ, mà còn lan toả tinh thần tương thân tương ái, nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp, góp phần xoá đói giảm nghèo, chung tay xây dựng xã hội văn minh”.
Trước đó, để chào mừng sự kiện cầu Bình Thể đi vào sử dụng và kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, với mong muốn tri ân các thày cô giáo dạy giỏi, hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Công ty Nhựa Tiền Phong đã tổ chức buổi giao lưu văn nghệ “Chắp cánh ước mơ” và trao tặng 30 suất quà tại chương trình.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022 đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên với tất cả thầy cô và học trò xã Vinh Quang bởi không ai nghĩ rằng ngày có một cây cầu mới cũng là ngày được nhận nhiều quà tới như vậy. Đã thành truyền thống, Nhựa Tiền Phong luôn dành những chương trình ý nghĩa, thiết thực cho các em nhỏ nhân dịp khởi công hoặc khánh thành cầu, như một sự động viên, tạo một kỉ niệm đẹp cho tuổi thơ của các em.
Chia sẻ về kế hoạch thiện nguyện trong thời gian tới của Nhựa Tiền Phong tại lễ khánh thành cầu tại bản Co En, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết: “Ở đâu có học sinh còn phải đi học qua những con sông, con suối; bà con còn khó khăn, hàng hoá không lưu thông được vì thiếu cầu thì Nhựa Tiền Phong còn tiếp tục hành trình xây cầu của mình. Lúc đầu, chúng tôi đề ra số lượng giới hạn của Chương trình “Cầu nối yêu thương”. Nhưng càng đi, Nhựa Tiền Phong càng nhận ra, hành trình này phải được tiếp tục khi vẫn còn những cây cầu tạm trên dải đất hình chữ S”.
Cầu Bình Thể được khánh thành cũng đúng vào dịp tổ chức Ngày hội đại đoàn kết dân tộc nên còn mang ý nghĩa lớn hơn với địa phương và người dân. Đó là biểu thị của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của doanh nghiệp. Đồng thời thể hiện sự năng động, sáng tạo, vươn lên của xã Vinh Quang nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp huyện Chiêm Hoá hoàn thiện mục tiêu xoá cầu tạm trong thời gian tới.
Nhân sự kiện ngày Hội đoàn kết toàn dân tộc và ngày khánh thành cầu, Công ty Nhựa Tiền Phong cũng trao gần 70 suất quà tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng..., đồng thời mang lại niềm vui vô bờ bến cho người dân trong dịp đặc biệt này.
Trí Nguyễn