10:29 20/06/2019 Những ngày qua, dư luận cả nước đang vô cùng phẫn nộ và bức xúc xung quanh vụ bé trai 6 tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man ở Tây Ninh. Đáng tiếc, vụ việc trên không phải là hi hữu bởi đã từng xảy ra rất nhiều vụ cha mẹ bạo hành chính con ruột của mình trên cả nước thời gian qua khiến dư luận bất bình, lên án.
Cụ thể, vào khoảng 19h30 ngày 13-6, tại khu vực nhà trọ trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 3, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh nhận được tin báo về việc một bé trai bị nhốt trong phòng trọ trong tình trạng hoảng loạn, người có vết thương.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã có mặt tại nhà trọ trên để giải cứu cháu bé và đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh để kiểm tra. Kết quả, hai bên bụng của bé trai có hai mảng bầm xanh tím, lưng cũng xuất hiện các vết bầm, cánh tay, các ngón tay cũng bị sưng to, tím đen.
Đặc biệt, phần đầu của bé xuất hiện nhiều vết thương, tím bầm. Tai trái của bé sưng, lở loét, da đầu, gò má có nhiều vết bầm…
Công an phường 3 sau đó đã tiếp nhận thông tin và phối hợp với Công an thành phố Tây Ninh tiến hành mời mẹ cháu bé đến trụ sở làm việc để lấy lời khai, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành và chờ kết quả giám định để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc trẻ em bị chính cha mẹ đánh đập, bạo hành đang gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận
Cũng hành vi tương tự như trên, vào cuối tháng 8 năm ngoái, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử vụ án cha ruột và mẹ kế bạo hành dã man con trai chỉ mới 10 tuổi trong một thời gian dài. Theo đó, tòa tuyên phạt Trần Hoài Nam 6 năm 6 tháng tù, Phạm Thị Tú Trinh 5 năm tù, vì tội hành hạ con và cố ý gây thương tích. Về dân sự, tòa buộc các bị cáo phải bồi thường 194 triệu đồng cho bị hại.
Trước đó, đại diện VKS khẳng định, hai bị cáo thường xuyên đánh đập cháu bé, gây đau đớn về thể xác và tinh thần, phạt cháu không đi học, không cho giao tiếp, bắt uống nước mắm. Đặc biệt, nhiều lần dùng tay chân, muôi bằng inox và dùng roi nhôm ghép lại để đánh cháu. Cả hai bị cáo cùng thống nhất với nhau giáo dục con bằng đòn roi. Khi Trinh ở nhà giám sát, thấy cháu có lỗi sẽ báo cho Nam để Nam về đánh đập, bạo hành chính con đẻ của mình.
Những vụ việc trên đã phần nào cho thấy bạo lực với trẻ em hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực. Con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia tâm lý đã chỉ rõ : Bố mẹ ở Việt Nam vẫn có quan niệm dạy con theo phương pháp "yêu cho roi cho vọt". Những trẻ em bị cha mẹ bạo hành thường rơi vào trường hợp cha mẹ có học vấn thấp, nông thôn, hoặc gia đình phức hợp (cha dượng, mẹ kế).
Nhiều cháu lẽ ra đang ở độ tuổi cần được đến trường để học tập, vui chơi với bạn bè, được cha mẹ thương yêu, bao bọc thì nay lại trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của kỷ luật mang tính “bạo lực”. Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ có xu hướng bạo hành, trả thù đời, những suy nghĩ về hôn nhân bị ảnh hưởng... vì chúng bị trải qua một tuổi thơ bị bạo hành.
Trước vấn đề cấp bách liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em nêu trên, Luật pháp Việt Nam hiện đã có rất nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của trẻ, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 và các văn bản pháp luật khác quy định xử lý nặng hành vi xâm hại trẻ em, trong đó, trẻ càng nhỏ thì mức độ xử phạt càng nặng.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã công bố Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đây được xem là quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành, xâm hại ngày càng có xu hướng gia tăng.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng phải tự nâng cao ý thức của mình, không nên sử dụng bạo lực và có quan niệm sai lệch “con của mình, mình có quyền đánh”.
Khi phát hiện (hoặc nghi ngờ) trẻ bị bạo hành, nên gọi cho đường dây nóng 111 để báo, đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, cách ly trẻ với đối tượng gây bạo hành càng sớm càng tốt.
Trẻ nên được ở trong môi trường an toàn để phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn và phớt lờ vấn đề, hậu quả càng tồi tệ, có khi các bậc phụ huynh phải trả giá bằng chính mạng sống của đứa trẻ.
Lâm Phong
09:45 21/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão