Chàng trai đam mê máy móc và những sáng chế độc đáo

20:45 14/11/2013

Đó là anh Trần Văn Thảo, ở phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, người đã chinh phục Ban giám khảo chương trình Nhà sáng chế 2013 bằng sản phẩm xe điện đa năng siêu nhỏ. Gặp gỡ chàng trai có nụ cười ấm áp vào một ngày giữa thu, chúng tôi được biết năm nay anh vừa tròn 25 tuổi, nhưng có niềm đam mê cháy bỏng với kĩ thuật và quá trình mày mò thiết kế máy móc đến với anh từ khi còn nhỏ.
Đó là anh Trần Văn Thảo, ở phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng, người đã chinh phục Ban giám khảo chương trình Nhà sáng chế 2013 bằng sản phẩm xe điện đa năng siêu nhỏ. Gặp gỡ chàng trai có nụ cười ấm áp vào một ngày giữa thu, chúng tôi được biết năm nay anh vừa tròn 25 tuổi, nhưng có niềm đam mê cháy bỏng với kĩ thuật và quá trình mày mò thiết kế máy móc đến với anh từ khi còn nhỏ.

Anh Trần Văn Thảo bên chiếc xe điện đa năng tự sáng chế
Anh Trần Văn Thảo bên chiếc xe điện đa năng tự sáng chế

Tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2011, Thảo tích lũy kinh nghiệm qua cuộc thi sáng tạo Robocon 2009, các thiết kế đồ án tốt nghiệp và giờ đây là cuộc thi Nhà sáng chế. Đam mê, nghị lực và không ngừng học hỏi, Thảo khiến chúng tôi còn khâm phục hơn bởi sự cầu toàn và luôn nghiêm túc trong công việc của anh.

Hàng nghìn cuộc điện thoại cho một sáng chế

Ý tưởng sáng tạo chiếc xe điện đa năng đầu tiên của chàng cựu sinh viên Bách Khoa xuất phát từ những chuyến đi xa không có phương tiện di chuyển. Nhận định việc di chuyển bằng xe bus, xe ôm, taxi… vừa bất tiện, vừa tốn kém, Thảo nảy ra ý tưởng về một chiếc xe được thiết kế cực kỳ nhỏ gọn, có thể mang theo người như hành lí, thuận tiện cho việc đi lại. Nhìn xa hơn, anh cho rằng sản phẩm này còn có thể giải quyết nạn tắc nghẽn giao thông xảy ra hàng ngày trên các thành phố lớn hiện nay. Đem ý tưởng táo bạo của mình vào chương trình Nhà sáng chế 2013, Thảo càng bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ từ đông đảo công chúng lẫn Ban giám khảo.

Sản phẩm “xe điện siêu nhỏ” của Thảo lần đầu tiên trình làng gây ấn tượng với kích thước và trọng lượng nhỏ gọn, tháo lắp dễ dàng và thời gian tháo lắp ngắn. Đó cũng là điều anh tâm đắc nhất khi bắt tay vào thiết kế: “Khi không sử dụng, ta có thể gấp xe lại gọn gàng như một chiếc vali kéo loại nhỏ và mang theo người như hành lí. Nhờ vậy, mỗi khi tắc đường, bạn có thể gấp xe lại và đi bộ qua đoạn đường ách tắc một cách nhanh chóng. Có thể nói chiếc xe này giúp chúng ta di chuyển linh hoạt hơn rất nhiều so với các phương tiện giao thông khác”.

Trao đổi với PV, chàng trai đam mê máy móc cho biết chiếc xe chạy bằng điện này không những thân thiện với môi trường mà còn giúp giải quyết vấn đề giá xăng dầu leo thang hiện nay. Với khung xe làm bằng hợp kim siêu nhẹ và cứng, chiếc xe bảo đảm độ bền khi chịu tải trọng tối đa, ngoài ra hệ thống đèn chiếu sáng, còi báo động, hệ thống ga hai chế độ đi nhanh và đi chậm, hệ thống phanh an toàn… giúp sáng chế của anh Thảo nổi trội không kém những chiếc xe điện hiện đại khác. Quan trọng hơn hết, giá thành của những chiếc xe này chỉ dao động từ 6 đến 7 triệu đồng/chiếc, tiết kiệm hơn rất nhiều so với giá xe điện bày bán trên thị trường hiện nay.

Từ sau khi tham gia chương trình Nhà sáng chế 2013, Thảo bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhờ thiết kế xe điện độc đáo của mình. “Choáng” nhất là có lần sau khi được quay phóng sự truyền hình, trong vòng một tháng kể từ ngày phát sóng, Thảo nhận được gần 5.000 cuộc điện thoại hỏi thăm, đặt hàng sản phẩm xe điện từ khắp mọi miền tổ quốc.

Sự khích lệ, động viên của mọi người là động lực lớn để anh gấp rút hoàn thiện các sản phẩm của mình. “Phiên bản xe điện trong chương trình Nhà sáng chế của mình vẫn có những điểm chưa được hoàn thiện. Xe có thể đi tốt nhưng phải tính toán cho xe có tuổi thọ về lâu dài, đảm bảo an toàn và các yếu tố khác cho người sử dụng. Vì vậy mình muốn có thêm thời gian để nâng cấp, thử nghiệm, sáng tạo nhiều phiên bản… Bên cạnh đó, mình cũng muốn tổng hợp càng nhiều ý kiến của người sử dụng càng tốt để khắc phục nhược điểm cho xe. Thiết kế thật hoàn chỉnh thì mới có thể yên tâm sản xuất hàng loạt cho mọi người sử dụng”.

Đến chiếc xe “cứu cánh” cho người khuyết tật

Mặc dù có rất nhiều người muốn sở hữu xe điện đa năng nhưng trước mắt, Thảo đang có mục tiêu thiết kế sản phẩm hướng đến ba đối tượng chính, đó là người khuyết tật, người già yếu và học sinh. Dẫn chúng tôi đến thăm nhà cô Hoàng Thị Định (sinh 1956) ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, anh Thảo giới thiệu chiếc xe điện phiên bản nâng cấp anh thiết kế riêng cho người khuyết tật như cô Định.

                

   Những người khuyết tật như cô Định có thể thoải mái di chuyển trên chiếc xe này

Bị khuyết tật ở chân từ thời chiến, cô Định gặp rất nhiều khó khăn trong di chuyển hàng ngày với chiếc nạng gỗ của mình. Tình cờ xem một chương trình truyền hình về sáng chế của anh Thảo, cô rất mừng bởi niềm ao ước có một chiếc xe dành riêng cho mình từ lâu nay đã thành sự thật. Cô Định cười rạng rỡ: “Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ dám đi một phương tiện xe cộ nào vì sợ, ấy thế mà ngồi lên xe điện của Thảo thì lái được ngay. Chiếc xe này dành cho những người khuyết tật như tôi hoặc dành cho người già đi thì vô cùng tiện lợi. Thứ nhất nó rất an toàn bởi kiểu dáng thấp hơn nhiều so với xe đạp điện trên thị trường hiện nay, hơn nữa thiết kế 3 bánh xe vững chắc giúp việc đi hay dừng đều dễ dàng, không phải lịch kịch dựng rồi chống chân như những chiếc xe khác. Ngày tôi đi chiếc xe này quanh ngõ, hàng chục người đến hỏi thăm, hầu hết là các cụ già đều thích thú và bày tỏ muốn sở hữu một chiếc xe tiện lợi như vậy”.

Cũng theo cô Định, giá của chiếc xe này chưa bằng một nửa xe điện 3 bánh cho người khuyết tật trên thị trường hiện nay. Từ ngày có xe, cô Định có thể chủ động đi chợ mỗi buổi sáng, đi dạo quanh ngõ hay thăm thú họ hàng mà chồng con không cần vất vả giúp đỡ như trước. Một khách hàng khác mua xe điện đa năng của Thảo là anh Nguyễn Phương Duy, bị bại liệt nửa người ở Bình Dương cũng có những phản hồi tích cực về sản phẩm này.

Thử “thực nghiệm” một vòng trên chiếc xe điện đa năng, chúng tôi thích thú khi thấy xe có thể tiến - lùi tự động rất an toàn, xe nhẹ và thấp, phù hợp với người cao tuổi cũng như giúp người khuyết tật thoải mái di chuyển. Anh Thảo cho biết trọng lượng của xe chủ yếu tập trung vào ắc quy. Cứ 4kg/bình ắc quy và mỗi xe dùng 4 bình, tức là trọng lượng ắc quy của mỗi xe rơi vào khoảng từ 16 - 17kg tùy loại. Nếu thay ắc quy bằng pin thì chỉ cần 1 chiếc pin (khoảng 3kg) sẽ tương đương với 4 bình ắc quy, mặc dù sử dụng pin đắt gấp đôi ắc quy nhưng chúng lại phù hợp với những chiếc xe đi du lịch nhẹ và gọn gàng.

Nói về những dự định tương lai, anh Thảo hào hứng cho biết sẽ tiếp tục triển khai dòng xe điện đa năng giá rẻ dành cho học sinh và người khuyết tật: “Khi nào hoạt động xe điện đa năng đi vào ổn định, mình sẽ tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu và thực hiện mảng ô tô 4 bánh. Nếu không có gì thay đổi, sang năm mình sẽ lại đăng kí đi thi Nhà sáng chế 2014, nhưng lần này là thử thách với ô tô 4 bánh. Chiếc ô tô do mình sáng chế sẽ có nhiều khác biệt so với ô tô bình thường. Gầm xe có thể nâng lên hạ xuống với cách biệt khoảng 30cm, giúp xe dễ dàng đi lại ngay cả khi đường ngập lụt, gồ ghề. Đồng thời xe có thể quay 360 độ tại chỗ. Tuy nhiên những gì mình còn thiếu lúc này là thời gian và kinh phí để có thể nghiêm túc hoàn thiện tốt nhất sáng chế”.

Thành phố Hải Phòng xưa nay có bề dày truyền thống về nghề cơ khí, chế tạo và sửa chữa xe máy, xe điện… Những ý tưởng và sáng chế của anh Thảo ít nhiều đã góp phần củng cố và phát triển một ngành nghề truyền thống lâu đời của thành phố quê hương.



Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông