09:08 24/03/2020 Trên rất nhiều tuyến đường ở Hải Phòng thật không khó bắt gặp những chiếc cột điện phải “gồng gánh” nhiều hộp công tơ, hệ thống dây điện, dây cáp quang, cáp viễn thông, truyền hình… được giăng mắc chằng chịt.
Cháy cột điện tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên
Ngành điện đã cho phép các doanh nghiệp treo lên hệ thống cột điện đủ các loại dây như tơ nhện. Và rồi lượng dây ấy ngày một tăng, việc sắp xếp không xuể, không thể phân loại và thu hồi những dây đã không còn sử dụng, làm ảnh hưởng khả năng chịu lực của cột điện.
Nhiều nơi, các loại cáp không được bó gọn, gây mất mỹ quan đô thị, nguy hiểm cho người và phương tiện khi chùng võng. Đây cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn vận hành lưới điện. Không chỉ vậy, hệ thống đường dây này còn chạy sát các nhà dân, khiến nhiều gia đình luôn trong trạng thái lo sợ về nguy cơ chập cháy.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ cháy trên các cột điện, gây thiệt hại về tài sản.
Điển hình như sáng ngày 28-2-2020, trên đường phố mới, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, dây điện bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt khiến người dân xung quanh và người đi đường hoảng sợ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến hiện trường triển khai chữa cháy.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên làm hàng trăm mét dây điện, dây cáp quang, hộp công tơ… bị cháy; hàng chục hộ dân bị mất điện, làm xáo trộn sinh hoạt của người dân. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ cháy ở các cột điện xảy ra trên địa bàn thành phố.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chập, cháy trên cột điện. Trong đó, chủ yếu do thiết bị điện và đường dây điện đã cũ, xuống cấp. Đặc biệt, trong thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, dẫn đến quá tải công - tơ, gây cháy nổ.
Đáng lo ngại là có rất nhiều cột điện ngay sát nhà dân, khi cột điện cháy nếu không phát hiện kịp thời dễ dẫn tới cháy lan theo đường dây vào sâu nhà dân, trong khi nhiều loại dây cáp các loại không bó gọn, khiến lửa càng mạnh, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra cháy, nổ còn do việc khi khắc phục tình trạng dây điện, dây cáp quang… chùng võng để tiết kiệm chi phí, các đơn vị gộp, bó lại mà không phân loại cũng như chú ý khoảng cách an toàn. Theo thời gian, trong số này sẽ có vỏ dây bị bào mòn gây ra các hiện tượng nhiễm điện, phóng điện.
Cũng theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP, dập tắt cháy cột điện ngay mặt đường còn dễ chứ cháy cột điện trong ngõ sâu lại vào ban đêm thì gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, nhằm hạn chế cháy, nổ tại các cột điện, Phòng PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP đã chủ động phân công lực lượng, thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy nổ xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đơn vị cũng đề xuất khắc phục những tồn tại, bất cập, nguyên nhân và giải pháp khắc phục cháy, nổ thiết bị điện trên cột hạ thế và các vụ cháy do sử dụng điện; tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục và xử lý ngay các vi phạm an toàn về PCCC, đặc biệt là các vi phạm trong thiết kế, lắp đặt, quản lý, sử dụng điện.
Tuy nhiên, việc phòng chống cháy, nổ không chỉ của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ mà còn là trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân. Chính vì vậy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP đề nghị các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC đến toàn thể nhân dân, khuyến cáo nhân dân nâng cao ý thức sử dụng thiết bị điện hợp lý, an toàn, tránh sự cố, nhất là kỹ năng PCCC trên các thiết bị điện cho nhân dân; tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC ở cơ sở; phối hợp với ngành điện thực tập phương án chữa cháy với nhiều tình huống giả định khác nhau phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng biện pháp phòng, chống cháy do điện, quy hoạch khu dân cư bảo đảm khoảng cách an toàn; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm biến áp.
Ngành điện nên thường xuyên kiểm tra, thay mới, bảo dưỡng các biến áp, hệ thống dây dẫn, đặc biệt là những trụ điện, cột điện, hệ thống đường dây giáp với nhà dân; tháo gỡ những đường dây điện, dây cáp quang… đã hỏng, không sử dụng; phát quang cây xanh gần hành lang an toàn điện, xóa bỏ những điểm đen tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do điện, nhất là trong mùa mưa bão.
MINH PHƯƠNG