Chất độc da cam/dioxin: Những vết thương không liền sẹo

14:51 08/08/2017

Hải Phòng, mảnh đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh khi có hơn 17.000 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam.Trong đó có hơn 10.000 người hoạt động kháng chiến. 6.664 người là con đẻ của họ.Hơn 55 qua, biết bao số phận vẫn phải gồng mình chống chọi với hậu quả mà căn bệnh mang tên “chất độc da cam/dioxin” gây ra. Chiến tranh đã đi qua, hòa bình lặp lại nhưng nỗi đau da cam vẫn sẽ mãi đeo bám những người con đất Cảng đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho bình yên của Tổ quốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện thành phố có 1230 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên; trong đó 140 gia đình có từ 3 – 5 nạn nhân; không còn khả năng lao động; con cháu bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, vô tri vô giác; không tự chủ được bản thân. Nhiều trường hợp, bố mẹ sinh con ra, nâng niu chăm sóc, nuôi dưỡng con suốt mấy chục năm trời, ngày đêm cực nhọc, vất vả nhưng các con mãi chỉ là những đứa trẻ mới lên 3.

Nhắc đến nỗi đau chiến tranh, khuôn mặt ông Nguyễn Xuân Giao (Tổ dân phố Hoàng Xá, thị trấn An Lão) bỗng dưng nhíu lại. Ông không thể ngờ rằng, khi chiến tranh đã qua đi, cuộc sống của ông và gia đình lại bị căn bệnh “chất độc da cam” bám theo suốt cả cuộc đời. Năm 1972, sau khi bị thương và được điều chuyển ra Bắc công tác, ông Giao về sinh sống cùng vợ và các con yêu quý ra đời trước khi ông nhập ngũ. Sau đó, ông sinh thêm 2 người con, nhưng đau lòng hơn, chất độc da cam mà ông nhiễm phải đã di chứng sang cả 2 người con của ông và hiện tại là đứa cháu ruột của mình.

Hai con của ông năm nay đã ngoài 40 tuổi nhưng không được nhanh nhẹn như những người bình thường khác, còn đứa cháu ruột của ông mặc dù đã 15 tuổi nhưng trí tuệ cũng không được bình thường. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ngày ngày ông vẫn phải chăm lo cho 2 con và cháu nội bị ảnh hưởng chất độc da cam của mình.

Chất độc da cam/dioxin là một tội ác của chiến tranh. Nó không chỉ hủy hoại nòi giống mà nó còn tạo nên gánh nặng cho những người còn sống. Nhìn hai người con của mình dù đã gần 40 tuổi nhưng vẫn không bằng đứa trẻ lên 3, bà Phạm Thị Túy (thôn 1A, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên) không cầm được nước mắt.

Hai con của bà là Nguyễn Viết Công (SN 1979), Nguyễn Viết Văn (SN 1985) bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ cha mình, cả hai đều bị bệnh tâm thần, không tự chủ được trong sinh hoạt. Những tưởng tuổi già sẽ được nương tựa vào các con của mình, thì giờ đây bà Túy lại phải trông nom và chăm sóc hai con mặc dù bản thân bà sức khỏe cũng không được tốt.

Bà Phạm Thị Túy chăm sóc con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam
Bà Phạm Thị Túy chăm sóc con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam

Cũng mong muốn có một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, chồng, con khỏe mạnh, nhưng dường như những mong muốn đó chỉ mãi hiện trong tiềm thức của gia đình bà Trần Thị Khơ (Thôn Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương). Chồng bà sau khi tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Miềm Đông Nam Bộ trở về thì bị nhiễm chất độc da cam và còn ảnh hưởng đến hai người con của bà là Phạm Thị Thanh Khuyên (SN 1977) và Phạm Thị Thu Nhị (SN 1987).

Cả hai đều bị thiểu năng trí tuệ, viêm đa khớp, viêm da mãn tính; không tự chủ được trong sinh hoạt cá nhân, nhiều lúc còn bỏ đi lang thang. Hơn 30 năm nuôi nấng, chăm sóc chồng cùng hai con tật nguyền, bà Khơ vẫn gắng gượng, hết mình làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ.

Trên đây chỉ là một vài trong số hàng nghìn trường hợp gia đình bị nỗi đau da cam đeo bám trên địa bàn thành phố. Tính đến hết tháng 6 – 2017, thành phố có 7163 người được hưởng trợ cấp chất độc hóa học hàng tháng của nhà nước, gồm 4.963 người hoạt động kháng chiến, 2.228 người là con đẻ của họ.

Phần lớn gia đình các nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống vô cùng khó khăn. Số tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ lo thuốc thang, chữa bệnh, không đảm bảo cho mức sống hàng ngày. Cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào những tấm lòng nhân ái của những người xung quanh.

Hàng năm, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều phối hợp với các sở, ngành tổ chức những chuyến thăm hỏi các gia đình nạn nhân chất độc da cam
Hàng năm, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều phối hợp với các sở, ngành tổ chức những chuyến thăm hỏi các gia đình nạn nhân chất độc da cam

Nỗi đau da cam vẫn còn đeo đẳng qua nhiều thế hệ và dường như nó sẽ mãi không có điểm dừng. Thấu hiểu được nỗi đau mà chất độc da cam gây ra, những năm qua thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

Đến nay, Hải Phòng là một trong những địa phương cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng cũng như chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân cơ bản đúng, đủ, kịp thời.

Đại tá Cao Xuân Quý – Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng cho biết: “Trong suốt hơn 11 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần, tạo động lực giúp các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng.

Hội đã vận động được hơn 1.500 lượt các nhà hảo tâm ủng hộ gần 50 tỷ đồng hỗ trợ thăm, khám, chữa bệnh, cải thiện cuộc sống; dạy chữ, dạy nghề, cấp học bổng; sửa chữa, làm mới nhà cửa; tặng xe lăn, thăm hỏi và tặng quà các gia đình nhân dịp lễ tết, ngày truyền thống 10 -8…”

Ngân Phạm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích