07:38 08/12/2023 Chiều 7-12, kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khoá 16 bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân và Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Bùi Văn Kiệm trả lời chất vấn.
Tăng cường các giải pháp thu ngân sách; chi cho đầu tư phát triển
Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố trả lời chất vấn của đại biểu Trần Việt Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về thu ngân sách chưa đạt kỳ vọng tinh thần nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố; tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển những năm gần đây có xu hướng giảm.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, thời điểm ban hành nghị quyết 45 có nhiều điểm thuận lợi, kinh tế của Hải Phòng liên tục tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do tác động quá sâu rộng của đại dịch COVID-19, đến nay, qua 3 năm vần chưa hết nên ảnh hưởng tới tổng thể toàn nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có Hải Phòng và trực diện tới công tác thu ngân sách.
Tính trong 3 năm 20210 2023, số thu ngân sách đều bị hụt so với mục tiêu đề ra theo nghị quyết 45 và nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16. Tuy nhiên, số thu của Hải Phòng vẫn năm sau cao hơn năm trước, năm 2021 đạt 36.300 tỷ đồng, tuy không đạt mục tiêu của nghị quyết 45 nhưng cao hơn mục tiêu nghị quyết đại hội 16 là 1200 tỷ đồng. năm 2022 đạt 37.000 tỷ đồng, hụt hơn 7000 tỷ đồng; năm 2023 đạt 42.500 tỷ đồng.
Để khắc phục, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết, thành phố quyết tâm rất cao và rất quyết liệt trong công tác thu ngân sách. Theo đó, đẩy mạnh GPMB, đưa các dự án vào khai thác; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư; tăng cường các giải pháp chống thất thu, thất thoát…
Về tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm trong những năm gần đây, đồng chí Lê Anh Quân cho biết, số chi cho đầu tư công của Hải Phòng vẫn tăng qua hàng năm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thành phố đang nỗ lực khắc phục, cụ thể giảm chi thường xuyên để tăng chi cao hơn cho đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền về tiến độ xây dựng nhà ở xã hội và đưa các hộ dân sinh sống trong chung cư cũ về nơi ở mới, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết: Thành phố đã xây dựng kế hoạch và quyết tâm xây dựng 5700 căn hộ chung cư mới để bố trí cho các hộ dân đang sinh sống trong các khu chung cư cũ xuống cấp.
HĐND thành phố đã ban hành NQ 04 để thực hiện và đến nay, Hải Phòng có nhiều dự án nhà ở xã hội đang thực hiện tại quận Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Đồ Sơn…, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tới năm 2025. Cùng với đó, thành phố tích cực đưa các hộ dân về sinh sống tại khu chung cư mới.
Để đẩy nhanh tiến độ, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các sở, ngành. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu nhà ở xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới.
Về chỉnh trang đô thị, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết, thành phố đang tích cực thực hiện, tập trung cải tạo 18 tuyến đường nội đô và nhiều chương trình khác với quyết tâm xây dựng đô thị Hải Phòng văn minh, hiện đại.
Khắc phục khó khăn trong thực hiện chương trình
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo về việc phục khó khăn trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa 2018, nhất là đối với giáo viên và học sinh.
Nêu rõ nguyên nhân của tình trạng này, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Bùi Văn Kiệm cho biết, đối với khó khăn về thiếu giáo viên, đã chủ động làm việc với ngành Nội vụ, các quận huyện để tổng rà soát, đánh giá tình trạng thiếu giáo viên, và tham mưu, đề xuất thực hiện những biện pháp thiết thực.
Nổi bật, Hải Phòng là địa phương đã mạnh dạn quyết định giao số giáo viên hợp đồng, bổ sung biên chế giáo viên theo quyết định của Bộ Chính trị cho các trường, các địa phương thiếu giáo viên dạy các môn mới, môn tự chọn, lựa chọn của chương trình mới. Sở cũng đã phối hợp chặt chẽ, tư vấn cho các quận huyện trong việc điều phối giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, thậm chí là áp dụng biện pháp thỉnh giảng, dùng chung giáo viên giữa các trường, giữa các cấp (như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật).
Về biện pháp căn bản và lâu dài, Sở đã tham mưu và được UBND thành phố quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này đã được thực hiện 2 năm bằng ngân sách thành phố để mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy các môn mới, môn tích hợp của chương trình 2018. Năm 2022, đã có trên 1800 giáo viên được bồi dưỡng; năm 2023, bồi dưỡng trên1960 giáo viên theo Đề án
Qua 3 năm, có thể khẳng định Hải Phòng không gặp trở ngại quá lớn từ vấn đề đội ngũ giáo viên, các trường đã dần thích nghi với phương thức tổ chức dạy học của chương trình mới.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng tham gia nhiều ý kiến để Bộ GDĐT có những điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục những vấn đề phát sinh, như học sinh cấp 3 chuyển đến trường mà không có tổ hợp môn đang học ở trường cũ; điều chỉnh hướng dẫn phân công giáo viên dạy, đánh giá, kiểm tra môn tích hợp (hiện nay có thể phân công 2, 3 giáo viên dạy 1 môn tích hợp).
Về việc sử dụng các bộ sách khác nhau, Sở đã rất chú trọng tổ chức cho giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách ngay từ khi còn là bản sách mẫu. Đến nay, giáo viên và học sinh thành phố đã dần vượt qua những khó khăn bước đầu này, việc sử dụng sách giáo khoa lớp 1-4, lớp 6-8 đã ổn định, hiệu quả.
Đối với lớp 5, 9, 12 đang chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ, Sở sẽ kiên trì, tăng cường thực hiện các biện pháp trên.
Hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm
Trả lời đại biểu Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội CCB thành phố về tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học trên địa bàn thành phố còn nhiều, hiệu quả không cao, Giám đốc Sở GDĐT cho rằng, có nguyên nhân cả từ phía nhà trường (áp lực thành tích; thu nhập); từ cha mẹ học sinh (tâm lý khá phổ biến là con không học thêm sẽ không yên tâm).
Về phía ngành giáo dục, năm học nào Sở cũng có văn bản chỉ đạo riêng về dạy thêm học thêm. Giám đốc Sở GDĐT cũng thông tin để đại biểu, cử tri và nhân dân hiểu về một số quy định rất rõ ràng đối với dạy thêm do nhà trường tổ chức.
Đó là không tổ chức dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (cấp tiểu học cấm dạy thêm do đã học 2 buổi/ngày); không tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài 19 giờ 30 hằng ngày và ngày chủ nhật; dạy đúng số buổi, số tiết học thêm trong tuần (đối với lớp 9, lớp 12 tối đa 16 tiết/tuần, các lớp còn lại tối đa 12 tiết/tuần); chỉ dạy thêm khi học sinh thực sự có nhu cầu, tự nguyện và được sự đồng ý của gia đình.
Không được ép buộc gia đình học sinh, học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào, đặc biệt không để xảy ra tình trạng phụ huynh, học sinh làm đơn, đăng ký học thêm hình thức, đối phó theo mẫu thống nhất, trở thành ép buộc, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Trong thời gian tới, Sở GDĐT sẽ có những chỉ đạo cụ thể hơn để tăng cường giảng dạy bổ trợ, nâng cao cho học sinh các kỹ năng đã được quy định tại các môn học của Chương trình 2018;chú trọng giảng dạy lý thuyết gắn với thực hành, rèn luyện kĩ năng sống, mỗi nhà trường cần tạo được các hoạt động ngoại khóa sinh động, lôi cuốn học sinh tham gia, khắc phục tình trạng nặng về dạy chữ, để học sinh không sợ, không ngán ngại đi học và thực sự muốn đến trường.
Về phía gia đình, phụ huynh và cộng đồng xã hội, ngành giáo dục rất mong muốn và đề nghị các gia đình, các bậc phụ huynh cần phát huy vai trò, trách nhiệm cùng nhà trường quản lý và giáo dục con em mình, không khoán trắng cho nhà trường và thầy cô giáo. Giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cùng có vai trò như giáo dục nhà trường, nhất là giáo dục về đạo đức, nhân cách, kĩ năng hòa nhập, thích ứng, bộc lộ, khẳng định bản thân.
Đã đến lúc phụ huynh không nên tạo sức ép với con cái về thành tích học tập ở trường, không nên chỉ chú trọng đầu tư cho con học chữ; cố gắng dành thời gian thỏa đáng cho con được tham gia các hoạt động trong môi trường gia đình, cộng đồng, xã hội để phát triển toàn diện.
Giám đốc Sở GDĐT cũng nêu rõ: rất cần phụ huynh đấu tranh trực diện về tình trạng dạy thêm học thêm thay vì gửi đơn, gửi tin nặc danh đến sở, đến các cơ quan báo chí, đưa lên mạng xã hội. Ngành GDĐT sẽ kiên quyết xử lý đến cùng các hành vi ép buộc học thêm hay trù dập học sinh chỉ vì không tham gia học thêm.
Tiếp tục theo dõi, giám sát sau chất vấn
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập nêu rõ: trên cơ sở nắm chắc vấn đề, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, các vị đại biểu HĐND thành phố đặt câu hỏi tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, gọn, rõ vấn đề. Đây đều là những vấn đề nóng, được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố và Giám đốc Sở GDĐT trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh; nêu ra các giải pháp và tiến độ cụ thể để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế. Đồng thời tiếp thu, giải trình làm rõ những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.
Phần trả lời của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và Giám đốc Sở GDĐT thể hiện quyết tâm của tập thể UBND thành phoos trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết những khó khăn, tồn tại hiện nay cũng như việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2024.
Sau phiên chất vấn tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát để xác định những vấn đề quan trọng, nổi cộm, còn nhiều tồn tại để tiếp tục tổ chức chất vấn và tái chất vấn nếu cần thiết. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết, giải quyết các nội dung sau chất vấn của UBND thành phố; các ngành, các đơn vị./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024