Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề người dân quan tâm

09:28 20/07/2024

Ngày 19-7, kỳ họp thứ 18 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024), HĐND thành phố khoá 16 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì.

   

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn

       Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương…

          Các đồng chí: Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lê Minh Quang, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn.

           Khẩn trương xử lý nhà chung cư xuống cấp

Đại biểu Phạm Văn Hà (tổ đại biểu quận Ngô Quyền) chất vấn

           Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hà (quận Ngô Quyền) về việc nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm nhưng chậm được sửa chữa, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyên Thành Hưng cho biết, đây là thực tế và diễn ra nhiều năm qua. Mặc dù thành phố, ngành xây dựng luôn ưu tiên kinh phí sửa chữa nhưng không đáp ứng yêu cầu. Giám đốc Sở Xây dựng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Sở Xây dựng và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà. Đồng thời cho biết, Sở Xây dựng đã khảo sát lại 9 chung cư và sẽ thu xếp các nguồn lực để sửa chữa trong năm 2024. Cụ thể, sẽ sửa chữa thang máy; bổ sung phương tiện, thiết bị PCCC; xây dựng tường ngăn khu vực để xe đạp, xe máy; bố trí khu vực xạc điện…

          Ngoài ra, ngành Xây dựng cũng  sẽ chỉ đạo sửa chữa các căn hộ quá hư hỏng; tường, trần, nền bong rộp…

          Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, đang tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo trì các khu chung cư; tính toán giá thuê nhà chung cư hợp lý để có thể trích lập kinh phí sửa chữa.

          Sẽ kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán nhà ở xã hội

           Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Phương (An Lão) về việc người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội, thủ tục còn phức tạp, thậm chí có tiêu cực, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đây cũng là vấn đề phát sinh từ thực tế.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội. Đến nay, việc xây dựng được thực hiện khá tốt, đã có quỹ nhà lớn cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, việc mua, bán nhà đang nảy sinh một số dấu hiệu phức tạp, có nhiều vướng mắc, khó khăn.

          Cụ thể, Sở  Xây dựng, các chủ đầu tư đã niêm yết, công bố công khai đối tượng, giá bán nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vẫn có sự “biến tướng” dưới hình thức hợp đồng tư vấn và người mua nhà phải trả phí 50-90 triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Có một số hợp đồng người dân ký với các doanh nghiệp sửa chữa các căn hộ trước khi nhận.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng trả lời chất vấn

          Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để khắc phục, sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân nắm được các thông tin. Đồng thời tiếp tục công khai giá bán nhà ở xã hội; kiểm tra, giám sát năng lực của các tổ chức tư vấn; yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin, chủ động ngăn chặn các thông tin sai lệch về mua, bán nhà ở xã hội.

           Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị người mua nhà nên tìm hiểu kỹ các thông tin chính thức, hạn chế tình trạng bị lôi kéo, cò mồi, đẩy giá lên cao. Đồng thời kiểm tra kỹ hợp đồng mua bán, lưu ý về các điều khoản. Trong trường hợp chưa rõ hoặc có nghi ngờ cần phản ánh ngay với Sở Xây dựng. Lãnh đạo Sở Xây dựng mong muốn các cơ quan liên quan cung cấp thông tin chính thống tới người dân, thường xuyên hỗ trợ nhân dân; nếu phát hiện bất thường kiểm tra, xử lý ngay.

           Đại biểu Vũ Mạnh Hùng (huyện Thủy Nguyên) đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ thêm quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội, cụ thể là gặp ai, nộp hồ sơ ở đâu? Giám đốc Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến này và cho biết sẽ thiết lập quy trình tiếp nhận hồ sơ mua, bán nhà ở xã hội; làm việc với các chủ đầu tư để giám sát.

          Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng cần tập trung cao cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm; đơn giản về thủ tục; tránh phiền hà, nhũng nhiễu, trục lợi chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội.

          Sẽ khắc phục tình trạng ngập lụt trên tuyến đường 351 trong năm 2024

          Đại biểu Lưu Xuân Cải (An Dương) chất vấn về tình trạng ngập lụt trên tuyến đường 351 (khu vực qua các xã: Nam Sơn, Hồng Thái) và các tuyến đường trong khu dân cư xã An Hưng, huyện An Dương.

Đại biểu Lưu Xuân Cải (tổ đại biểu huyện An Dương) chất vấn

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sẽ chỉ đạo Công ty thoát nước duy tu vận hành tốt khu vực có hệ thống thoát nước do Sở quản lý (hiện đang vận hành ổn định); phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND huyện An Dương trong quá trình triển khai dự án sửa chữa đường tỉnh 351 do Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư (đã khởi công từ 15-7-2024), dự kiến hoàn thành trong năm 2024, với các hạng mục chính: sửa chữa mặt đường, 3.560m rãnh thoát nước dọc tuyến; bổ sung ga thăm, ga thu nước, cửa xả, các cống dọc và ngang đường; nạo vét bùn, khơi thông dòng chạy hệ thống thoát nước hiện trạng...

Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ khắc phục được tình trạng ngập lụt tuyến đường trên.

                                                  Điện chiếu sáng nông thôn còn nhiều bất cập

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố về tình trạng nhiều tuyến đường NTMKM đã hoàn thành nhưng điện chiếu sáng chưa “sáng”, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hệ thống chiếu sáng do các huyện quản lý nhà nước, Sở Xây dựng chỉ thực hiện hướng dẫn các huyện công tác lập dự toán chi phí quản lý, vận hành và tổ chức lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành theo quy định và phối hợp cùng Sở Tài chính tổng hợp chi phí quản lý vận hành để báo cáo UBND thành phố bố trí kinh phí vận hành hàng năm.

Theo số liệu báo cáo của các huyện (trừ Bạch Long Vĩ), từ năm 2022 đến nay, hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại các tuyến đường trên đã được UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý, vận hành, trả tiền điện cho 7 huyện để đảm bảo công tác chiếu sáng công cộng (năm 2022: 4,5 tỷ đồng; năm 2023: 5,7 tỷ đồng; năm 2024: 9.7 tỷ đồng).

          Trả lời bổ sung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh cho biết, đến nay, toàn thành phố có 57 xã hoàn thành xây dựng NTMKM. Tuy nhiên, mới chỉ có 27 xã quyết toán hoàn thành, còn lại 30 xã chưa xong. Đây là nguyên nhân khiến hệ thống điện chiếu sáng chưa được kích hoạt. Thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc để hoàn thành và thắp sáng cho các tuyến đường quê.

                                                      Nhiều nguyên nhân tác động tới giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú trả lời chất vấn

        Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Việt Tuấn (quận Lê Chân) về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú cho biết tính đến ngày 30-6- 2024, Hải Phòng giải ngân đạt hơn hơn 5.500 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 17.000 tỷ đồng); 28% kế hoạch HĐND thành phố giao (gần 20.000 tỷ đồng).Với kết quả này, Hải Phòng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành và xếp thứ 1/5 thành phố trực thuộc Trung ương theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đại biểu Trần Việt Tuấn (tổ đại biểu quận Lê Chân) chất vấn

          Tuy nhiên, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng các dự án rất chậm; thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian; do các doanh nghiệp chậm đóng góp kinh phí thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Vốn xây dựng NTMKM cũng giải ngân chậm.

           Thời gian tới, Sở KHĐT tham mưu với thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng...

                     2 phương án xử lý vướng mắc cho tuyến đường bộ ven biển

          Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Việt Cường (quận Dương Kinh) về sự chậm trễ của tuyến đường bộ ven biển, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Ngọc Tú cho biết, tuyến đường chậm chủ yếu do dự án BOT mà vướng mắc lớn nhất là chênh lệch lãi suất vốn vay (hợp đồng quy định 5-6% nhưng các doanh nghiệp phải vay tới 11-12%). Từ đó phát sinh khoản kinh phí 1900 tỷ đồng không được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Đại biểu Trần Việt Cường (tổ đại biểu quận Dương Kinh) chất vấn

          Về giải pháp, thành phố sẽ chấm dứt hợp đồng BOT để lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc sử dụng vốn đầu tư công để hoàn trả chi phí đã đầu tư và thực hiện các hạng mục còn lại của hợp đồng BOT) để có thể hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án BOT.Nếu được chấp thuận, tuyến đường dự kiến hoàn thành năm 2027.

                                        Nghiên cứu đề xuất cơ chế để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Trước lo ngại của đại biểu Vũ Thị Kim Liên (quận Lê Chân) và nhiều đại biểu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố, Giám đốc Sở Y tế Lê Minh Quang cho biết, hiện thành phố có khoảng 7.772 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, đa số nhỏ lẻ, tuy nhiên cũng có nhiều cơ sở cung cấp với số lượng lớn lên tới hàng trăm suất. Trong đó, số cơ sở đã ký cam kết bảo đảm ATTP là 6.276 (đạt 80,8%); số cơ sở được kiểm tra năm 2023 là 4.475 (đạt 57,6%); số cơ sở bị xử phạt là 20 cơ sở (chiếm 0,4%) cơ sở được kiểm tra; số sơ cở đã được tập huấn kiến thức ATTP là 3.616 (đạt 46,5%).

Giám đốc Sở Y tế Lê Minh Quang trả lời chất vấn

          Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế cũng thừa nhận, việc quản lý thức ăn đường phố chưa được sâu sát, thường xuyên do thiếu nguồn lực, đặc biệt nguồn lực con người. Cán bộ quản lý, theo dõi ATTP nói chung, thức ăn đường phố nói riêng tại cấp xã do công chức Văn hóa - Xã hội thực hiện nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc. Kiến thức, ý thức của một bộ phận không nhỏ người chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thức ăn đường phố còn kém; tỷ lệ cơ sở được kiểm tra an toàn thực phẩm hàng năm còn thấp; việc kiểm tra còn sơ sài, hình thức; các tồn tại đa số được nhắc nhở nhưng chưa khắc phục nghiêm túc, kịp thời. Còn thiếu trang thiết bị, đặc biệt là các thiết bị test nhanh phục vụ kiểm tra an toàn thực phẩm như: phát hiện tinh bột, dầu mỡ đối với bát, đĩa; hàn the; hóa chất bảo vệ thực vật…

Quang cảnh phiên chất vấn

          Ngoài các biện pháp quản lý chuyên ngành, Giám đốc Sở Y tế đề nghị cần có sự phối chặt chẽ, hiệu quả liên ngành. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố, chú trọng các chợ đầu mối, các cơ sở thu mua, các hộ gia đình nuôi trồng nhỏ lẻ.  Sở Công Thương phải quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, chú trọng các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát, cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp. Đồng thời người kinh doanh thức ăn đường phố phải có trách nhiệm, có ý thức, kiến thức trong việc lựa chọn nguyên liệu sử dụng chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố.

          Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập lưu ý, Thành uỷ đang chỉ đạo thực hiện sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội, đề nghị Giám đốc Sở Y tế nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù bảo đảm thuận lợi, hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về thức ăn đường phố và vệ sinh an toàn thực phẩm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân (như mô hình thành lập Sở An toàn thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh).

                                                                               Nội dung chất vấn đúng và trúng

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập nêu rõ, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân thành phố quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu HĐND thành phố qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, các vấn đề, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập kết luận phiên chất vấn

 Qua quá trình chất vấn, các đại biểu HĐND đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn UBND thành phố, các sở, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Các đồng chí Giám đốc Sở thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao; trả lời tập trung, không né tránh những vấn đề được hỏi và giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu HĐND thành phố nêu. Đồng thời thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế, bất cập của ngành, lĩnh vực; đề ra nhiều giải pháp thiết thực, khả thi; bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân thành phố. 

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, HĐND sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn, làm cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, đặc biệt là Giám đốc các Sở: Xây dựng, KHĐT, Y tế  thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết về những vấn đề được các đại biểu HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp này. Đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố và cử tri giám sát việc thực hiện./.

                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông