Châu Âu 24 giờ qua: Số tử vong tại Italy xu hướng giảm, tại Tây Ban Nha tăng 30%

10:20 23/03/2020

Italy vẫn tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Âu, tuy nhiên mức tăng về số ca nhiễm và ca tử vong mới đều thấp hơn một ngày trước đó và giới chức hy vọng các biện pháp phong tỏa đang có tác dụng.

Theo những thống kê mới nhất, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu hiện đã lên tới hơn 150.000 ca. Trong ngày 22/3, Cộng hòa Cyprus, Romania và Kosovo cũng đã ghi nhận các ca tử vong đầu tiên vì dịch này.

Italy vẫn tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Âu, tuy nhiên mức tăng về số ca nhiễm và ca tử vong mới đều thấp hơn một ngày trước đó và giới chức hy vọng các biện pháp phong tỏa đang có tác dụng. Trong ngày 22/3, Italy ghi nhận 5.560 ca nhiễm mới (giảm 15% so với một ngày trước) và thêm 651 ca tử vong (giảm 18% so với 1 ngày trước). Tới thời điểm này, Italy đã có tổng cộng 59.138 người mắc dịch COVID-19, trong đó 5.476 người tử vong, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

Điểm nóng thứ hai tại châu Âu là Tây Ban Nha trong ngày 22/3 cũng đã thông báo có tới 375 ca tử vong mới, tăng 30% so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.756 người. Số ca nhiễm được xác nhận đã tăng 3.107 ca, lên tổng số 28.603 người, trong đó 1.785 ca trong tình trạng nguy kịch.

Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày từ 14/3, trong đó có biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ các trường hợp bất khả kháng. Lực lượng an ninh và cảnh sát giám sát việc thực thi.

Chính phủ Anh của Thủ tướng Boris Johnson cùng ngày đã cảnh báo Anh hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tương tự như Italy nếu người dân không tuân thủ một cách có trách nhiệm những khuyến cáo của chính phủ về giữ khoảng cách xã hội an toàn. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh tính đến tối 22/3, trên toàn Vương quốc Anh đã có 281 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trong tổng số 5.683 ca nhiễm, trong đó riêng ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 48 ca tử vong, gồm cả một ca mới 18 tuổi. Đây là trường hợp được ghi nhận là ca tử vong trẻ nhất tại Anh vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Thủ tướng Đức Angela Merkel 

Còn tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định thực hiện cách ly tại gia sau khi gặp một bác sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức khẳng định trong thời gian cách ly, bà Merkel vẫn điều hành công việc bình thường.

Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang đã họp trực tuyến và nhất trí một số điểm cụ thể trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 như: cấm tụ hội trên 2 người, ngoại trừ là trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,50 m với người khác ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ ăn mang về; đóng cửa các cơ sở dịch vụ chăm sóc cá nhân ngoại trừ các cơ sở điều trị cần thiết về y tế; lực lượng trật tự và cách sát sẽ giám sát và trừng phạt nặng những trường hợp vi phạm lệnh hạn chế tiếp xúc; duy trì các quy định về vệ sinh dịch tễ ở các nhà máy, xí nghiệp đối với nhân viên và khách thăm...Các biện pháp này sẽ được duy trì trước mắt trong 2 tuần.

Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận thêm 8 ca tử vong mới (nâng tổng số ca tử vong lên 92) và 2.350 ca mắc bệnh mới (nâng tổng số lên 24.714 ca, nhiều thứ 4 thế giới).

Thượng viện Pháp ngày 22/3 đã "bật đèn xanh" cho luật chống dịch COVID-19, theo đó Paris sẽ thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian 2 tháng. Tính đến sáng 23/3, Pháp đã được ghi nhận 674 trường hợp tử vong, tăng 112 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 16.018 ca, tăng 1.559 ca./.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích