Chỉ số năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành, địa phương (DDCI): Không ai bị bỏ lại phía sau

15:45 24/12/2020

Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở kinh tế như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu ttư thì nhiều địa phương đã triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp. Theo đánh giá của các chuyên gia thì DDCI đòi hỏi các sở, ban, ngành,quận, huyện phải nỗ lực sáng tạo, cải cách mạnh mẽ hơn nữa để cùng với PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

 Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ xuyên suốt của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong 5 năm vừa qua. Điều này được thể hiện rõ nét từ năm 2016 đến nay, thành phố Hải Phòng luôn chọn Chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố đã dần cải thiện đáng kể, năm 2019 đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đứng vị trí thứ 4/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và tăng 6 bậc so với năm 2018. 

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song thành phố cần phải có những bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại hơn trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”. Tại Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15-10-2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu của thành phố trong 5 năm tới là tăng trưởng GRDP đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm; tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước và 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, thì một trong những phương hướng và giải pháp hàng đầu cho phát triển thành phố là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư,kinh doanh, giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.

Lãnh đạo thành phố đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Từng bước hiện thực hoá mục tiêu trên, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 2-10-2020 về triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2020 của thành phố Hải Phòng, trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thực hiện. Chỉ số DDCI Hải Phòng được xây dựng và tiến hành khảo sát nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện để thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời đây cũng là mục tiêu mà thành phố đặt ra để các Sở, ban, ngành và địa phương cùng đồng lòng, chung sức cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế của chính đơn vị mìnhvà cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố. 

Theo ông Đồng Minh Tuý-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Thuỷ Nguyên cho rằng: Nếu như chỉ số PCI phản ánh năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với những nhận xét, đánh giá của những nhà đầu tư được ví như "đại bàng", "chim cắt" thì DDCI sẽ là tiếng nói của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, nhà đầu tư là "chim sẻ", "chim ri" và số lượng các đối tượng trên cũng không hề nhỏ. Việc lấy phiếu đánh giá vươn dài tới các doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã với tiêu chí trung thực, khách quan, mang tính đại diện cao sẽ đòi hỏi các sở, ban, ngành, đặc biệt là các quận, huyện phải tự soi lại chính mình và nỗ lực đổi mới, hoàn thiện, khắc phục tình trạng “mẹ hát, con khen hay”.

Là cơ quan chủ trì, ông Nguyễn Hoàng Long-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Hầu hết các chỉ số thành phần PCI của Hải Phòng năm 2019 đã tăng điểm so với năm trước đó, song vẫn còn các chỉ số ở mức điểm trung bình, chưa ổn định như tính năng động, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính minh bạch và chỉ số gia nhập thị trường, cần được quan tâm, nỗ lực cải thiện nhiều hơn. Trên thực tế, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, góp phần gia tăng giá trị GRDP và là tác nhân chính tạo công ăn việc làm cho người dân.Từ kinh nghiệm của một số địa phương trong tốp đầu về quản lý, điều hành kinh tế, DDCI được chứng minh là công cụ hữu hiệu để góp phần cải thiện thứ hạng và củng cố vị trí của Hải Phòng trong bảng xếp hạng PCI, cũng như không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự nghiệp phát triển của thành phố.

Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông