11:28 11/05/2021 Theo số liệu thống kê, so với tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tháng 4 của thành phố giảm 0,1% và chỉ tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy, CPI thấp tới bất thường, đang phản ánh sự phân cực của thị trường, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19
Gian hàng thực phẩm chế biến tại một siêu thị của Hải Phòng
Những số liệu thống kê nêu trên là kết quả tổng hợp từ nhiều nhóm hàng, trong đó có những nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhưng vì tính vĩ mô nên người viết chỉ dựa vào số liệu so sánh giá những mặt hàng thiết yếu, liên quan đến việc cân đối chi tiêu từ nguồn thu nhập thực tế của người dân.
Ví dụ đầu tiên là thực phẩm tươi sống, trong đó ngoài rau xanh khó so sánh vì hai thời điểm đầu năm và hiện tại tính chất mùa vụ khác nhau, dẫn đến sản phẩm khác nhau, hơn nữa mức tăng giảm trong khoảng vài chục phần trăm là điều thường xuyên diễn ra đối với mặt hàng này. Còn các loại thịt giết mổ có diễn biến theo giai đoạn tương đối rõ nét, ví dụ cũng theo kết quả báo cáo, thì mặt hàng thịt lợn đã giảm khoảng 15% so với đầu năm.
Đối với thực phẩm công nghệ, hồi đầu năm có một đợt tăng bình quân khoảng 5%, chủ yếu do các siêu thị điều chỉnh theo thông lệ khi vào vụ tiêu thụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên khoảng thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến các siêu thị giảm rất mạnh, nhóm thực phẩm công nghệ cũng giảm giá theo, nhưng hầu hết được gắn với các chương trình khuyến mại.
Nếu như nhóm hàng “tiêu” có diễn biến như trên, thì nhóm hàng “dùng” như điện tử, điện máy và đồ gia dụng khác rất ít biến động, vì các nhóm sản phẩm này có giá trị sử dụng lâu, đôi khi sự thay thế chỉ thuộc về tâm lý.
Dù cũng có một số điều chỉnh tăng đối với các sản phẩm mới, nhưng khảo sát giá của một số mặt hàng tiêu biểu như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy tính, điện thoại… thì giá nhóm này hiện tại giảm so với quý 1 khoảng 5%.
Tất nhiên, ngoài việc tiêu thụ kém, một trong những nguyên nhân khiến nhóm hàng gia dụng khó tăng vì sản xuất lệ thuộc nhiều vào linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá ngoại tệ rất mặc dù có biến động nhưng ảnh hưởng không lớn.
Nhìn lại thời gian từ đầu năm đến nay, sự biến động của các mặt hàng thiết yếu cơ bản chỉ mang tính cục bộ về thời gian, cường độ biến động cũng không lớn. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, nhất là giá thép đã có đợt sốt đáng kể, tạo những khó khăn nhất định cho các nhà thầu và công trình xây dựng. Bên cạnh đó, nhóm hàng năng lượng như xăng dầu và gas cũng có một số đợt điều chỉnh, theo hướng tăng nhiều hơn giảm.
Không khí mua sắm tại Siêu thị Aeon Mall Lê Chân
Trở lại với chỉ số CPI, theo lý thuyết kinh tế, chỉ số CPI được tính toán dựa vào cơ sở giá bình quân của nhiều nhóm mặt hàng, bao gồm cả các loại hàng hóa đặc biệt như vàng, ngoại tệ…
Nên mặc dù theo báo cáo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm đạt 49.578,5 tỷ đồng, tăng 15,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhìn vào thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, thì chỉ số CPI những tháng đầu năm đang thể hiện sự ảm đạm đối với một số phân khúc hàng hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm phát diễn ra trong thời gian qua bên cạnh một số nhóm hàng giảm giá vì chỉ được tiêu thụ mạnh dịp tết Nguyên đán truyền thống, còn lại là do mùa du lịch hè 2021 đã không thể khởi động bình thường, dẫn tới các nhóm hàng liên quan gặp khó, cả về giá lẫn doanh số.
Trong bối cảnh đó, sự phân cực giữa lạm và giảm phát là không thể tránh khỏi, mà cả yếu tố này nếu vượt ngưỡng đều tác động tiêu cực lên thị trường. Bởi lạm phát được kiểm soát sẽ thúc đẩy tiêu dùng, khiến năng lực sản xuất phát triển, đồng nghĩa với nguồn đầu tư được linh hoạt, còn lạm phát vượt tầm sẽ phá vỡ kết cấu, mất kiểm soát lan truyền. Ngược lại, giảm phát luôn đồng nghĩa với sự đóng băng hàng hóa, sản xuất sụt giảm, vốn đầu tư trì trệ…
Vậy tình trạng hiện nay đang ở giai đoạn nào? Tất nhiên đó là việc thuộc về các nghiên cứu từ dữ liệu thống kê thượng tầng, và vẫn còn sớm để khẳng định. Nhưng nhìn vào thị trường thành phố, đáng mừng là giá lương thực, thực phẩm hiện cơ bản ổn định. Trong khi đó, cán cân giảm phát lại thuộc về các nhóm hàng mà thiếu nó, người dân vẫn có thể duy trì được cuộc sống.
Không kể phân khúc hàng công nghệ mới và cao cấp, các mặt hàng thuộc nhóm điện tử gia dụng có thời gian giảm phát kéo dài nhất, chỉ tính theo lãi suất vốn ngân hàng, với mức hiện tại khoảng 1%/tháng. Nếu lập luận từ góc độ nhu cầu, thì lạm phát giảm sâu theo cơ cấu trên không đem lại lợi ích thiết thực của người tiêu dùng.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 không những gây rất nhiều khó khăn cho đời sống lao động nghèo, mà còn đẩy các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa vào thế bĩ cực, nó cũng thể hiện rõ nguyên nhân dẫn đến chỉ số tiêu dùng bình quân giảm? Nghĩa là giá không tăng được do “lực bất tòng tâm”, đây cũng là nỗi lo cho cả nhà sản xuất và tiêu dùng, mà tháng 4 rất có thể chỉ là “bản lề”.
Nhưng dù nói gì, thì kiềm chế lạm phát vẫn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, dù không thể cầu toàn, trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hiện tại, các trung tâm thương mại đang giữ vai trò khá quan trọng trong việc định hướng thị trường. Thiết nghĩ, đây chính là kinh nghiệm và động lực để các nhà quản lý tăng cường hơn nữa việc kiểm tra kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh theo đúng quy định, ít nhất cũng giúp “đọc” đúng bệnh, để điều trị khi cần thiết.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão