BÀI DỰ THI "CÔNG AN HẢI PHÒNG-NHỮNG TẤM GƯƠNG HỌC VÀ LÀM THEO BÁC": ĐẠI TÁ PHẠM NGỌC TƯƠI- GIÁM THỊ TRẠI TẠM GIAM CATP "Cánh chim đầu đàn" nơi trận tuyến thầm lặng

17:58 02/07/2018

40 tuổi quân là 40 năm Đại tá Phạm Ngọc Tươi- Giám thị Trại tạm giam CATP Hải Phòng gắn bó cuộc đời binh nghiệp của mình với nghề Cảnh sát trại giam.

Đại tá Phạm Ngọc Tươi

1. Từ lúc còn là anh lính mới vừa chập chững vào nghề cho đến khi trở thành người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của Trại, dù ở cương vị, vai trò vị trí nào, Đại tá Tươi luôn tận tâm, tận lực hết mình với nghĩa vụ, trọng trách được phân công; không ngừng phấn đấu học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị nhất là trong môi trường làm việc hết sức khắc nghiệt.

Với bản tính khách quan trung thực, thận trọng, tỉ mỉ, sâu sát mọi việc-những phẩm chất một CBCS Trại giam cần có, ông đã có những bước trưởng thành. Từ chiến sỹ lên cán bộ quản giáo và năm 1989, khi tuổi đời còn rất trẻ, ông đã được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm phó Giám thị Trại tạm giam. Năm 2006, Đại tá Tươi được tăng cường về làm phó Trưởng CAH Thủy Nguyên khi nơi đây đang rất cần một lãnh đạo chỉ huy có kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp và quản lý giam giữ.

Với năng lực và trái tim đầy nhiệt huyết, tháng 5-2010, đại tá Phạm Ngọc Tươi được bổ nhiệm làm Giám thị Trại tạm giam CATP Hải Phòng. Dù đã quá quen với cái nghề “quanh năm bận rộn, tứ mùa khẩn trương” nhưng trên cương vị mới, trọng trách nặng nề hơn cũng đặt ra cho ông nhiều thách thức. Gay go nhất là giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, công tác giam giữ can phạm nhân (CPN) tại Trại có nhiều diễn biến phức tạp.

Ai cũng biết, quản lý CPN bị tạm giam, tạm giữ khó hơn phạm nhân đang thi hành án vì những người này biết cái đích để có ngày về, còn người chưa thành án mang nhiều tâm tư, tâm lý bất ổn nên hay quậy phá, bất hợp tác với Cơ quan điều tra. Nhất là loại có nhiều tiền án, phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, giết người cướp tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ. Tại các buồng giam, bị can tìm mọi cách thông cung, chối tội, tuyệt thực, tự sát, chống đối, vi phạm nội quy, quy chế giam giữ. Thành phần tội phạm lại càng phức tạp. Không chỉ là trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, trong Trại còn có cả người quốc tịch nước ngoài, là đối tượng nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS.

Trong khi đó, biên chế CBCS vẫn luôn thiếu hụt. Hầu hết anh em phải làm việc thêm ca thêm giờ. Một số chiesn sỹ trẻ sau khi đào tạo, huấn luyện được điều động về đơn vị trình độ còn yếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh quản chế tội phạm. Bên cạnh đó, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ được trang bị còn thiếu thốn; cơ sở vật chất phục vụ giam giữ ở Trại tạm giam (cũ) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và do hiện trạng lịch sử để lại nên vẫn diễn ra tình trạng gọi, ném vật cấm từ ngoài vào trong gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện chế độ chính sách giam giữ, buồng giam thiếu an toàn. Nhiều vụ án phức tạp Trại phải đưa CPN đi gửi nhờ các Trại khác… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư tình cảm của CBCS.

2. Vượt lên những khó khăn trên, Đại tá Phạm Ngọc Tươi luôn nêu gương của một người lãnh đạo chỉ huy, đi đầu trong mọi công việc, làm tốt công tác tư tưởng động viên CBCS, hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu công tác, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đó đã thành “bài” rồi, song điều mà Đại tá Tươi tâm đắc nhất là cách thức thu phục nhân tâm các CPN. Vào Trại, các đối tượng vi phạm pháp luật không thể nói là bình thường được. Nhiều tên bặm trợn, dùng biện pháp cưỡng chế không sợ, kỷ luật không sợ, kể cả việc nhận tội nặng thay cho đàn em để "tỏ ra nghĩa khí giang hồ".

Trong giai đoạn này, Đại tá Tươi đã chỉ đạo CBCS ở các Đội công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong chiến tích mở rộng 65 vụ án trọng điểm, tạo điều kiện để Cơ quan điều tra bắt thêm hàng trăm đối tượng, nhanh chóng kết thúc vụ án. Trong đó có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan công an, chống phá nội quy trại giam, khó khắc chế, thuần phục, hoặc nại lý do bệnh tật, tuổi già nhất quyết không khai báo.

Cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để khai thác thông tin, Đại tá Tươi đã bỏ công nghiên cứu đặc điểm nhân thân, lai lịch của từng đối tượng để biết rõ CPN ấy hoàn cảnh thế nào, “đọc vị” ra được điểm yếu của đối tượng, từ đó có đối sách thích hợp khiến họ phải tâm phục khẩu phục chấp hành nội quy, quy chế của Trại và làm chuyển biến tư tưởng của họ.

Trong suy nghĩ của mình, Đại tá Tươi cho rằng: CPN cũng là những con người, họ có tội và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người “tính bản thiện” vẫn chưa mất. Điều quan trọng là phải biết đánh thức phần tích cực của họ thức dậy với tần suất cao nhất. Và, biện pháp vô cùng quan trọng chính là lấy giáo dục, thuyết phục tác động đến tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng, từng bước cảm hóa khiến họ ăn năn, hối lỗi nhìn nhận rõ hành vi phạm tội của mình.

Đối tượng K. một kẻ giang hồ cộm cán, có rất nhiều tài lẻ đang thụ án trong Trại, sắp sửa hết án thì nghe tin vợ ở bên ngoài “cặp bồ”. Ruột nóng như lửa đốt khi đầu óc lúc nào cũng hình dung tưởng tượng vợ đang ở trong vòng tay ôm ấp của kẻ khác nên K. đã tính bài trốn Trại. Tuy nhiên trước thái độ, cách cư xử nhân văn của đội ngũ cán bộ quản giáo, nhất là của Đại tá Tươi, K. đã có suy nghĩ rất đúng đắn: Anh ta bỏ trốn có bị bắt lại cũng chỉ tù thêm vài ba năm, giang hồ như K. chả ngán. Song vì vi phạm của anh ta mà CBCS của Trại phải bị kỷ luật, người ta đối đãi tốt với mình như thế mà bị vạ lây thì quả thực K. không nỡ. Ấy là chuyện sau này khi K. đã là người tự do, có dịp gặp Đại tá Tươi anh ta mới kể lại như vậy.

Đối với các CPN là người nước ngoài, công tác giam giữ các đương sự gặp nhiều khó khăn hơn, như: đối tượng thường đưa nhiều yêu sách, ngôn ngữ bất đồng, khi giáo dục quản chế phải chấp hành nghiêm các quy định tại các Điều ước quốc tế và phải phù hợp với pháp luật Việt Nam... Bằng những quyết sách đúng đắn, các biện pháp sáng tạo, sát hợp với tình hình thực tế, Đại tá Tươi đã khiến các bị can người nước ngoài từng bước chấp hành đúng nội quy của Trại, tạo điều kiện để Cơ quan điều tra mở rộng án, cũng như phục vụ có hiệu quả các yêu cầu về chính trị, đối ngoại, pháp luật và nghiệp vụ.

Đại tá Phạm Ngọc Tươi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở CBCS đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 

3. Với sự hy sinh cống hiến thầm lặng không biết mệt mỏi, bằng lòng say mê, tâm huyết tận tụy với nghề, mưu trí trong công việc và bao trùm lên là lòng vị tha yêu thương con người, Đại tá Tươi đã chỉ đạo và trực tiếp cùng đội ngũ quản giáo, các y bác sỹ trong Trại vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm tổ chức quản lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục CPN bằng trách nhiệm, sự chân thành và kiên trì từ quan tâm hỏi han, khuyên nhủ đến động viên giải thích những vấn đề họ còn khúc mắc lo âu, nhất là những người tuổi già, bệnh tật, các bị án chung thân, tử hình hay phạm nhân mắc bệnh lao phổi, nhiễm HIV chuyển sang bệnh AIDS giai đoạn cuối. Hằng năm, đơn vị phải quản lý từ 19 đến 22 bị án tử hình, từ 17 đến 20 bị án chung thân.

Đối với những phạm nhân này, họ cho rằng cuộc đời đã chấm dứt từ đây, sự sống đếm từng ngày nên họ bất cần đời luôn có hành động chống phá, đặt ra những yêu sách oái oăm gây khó dễ cho quản giáo, lúc thì hát hò cả đêm, khi chửi bới lộn tùng bậy, khi cười khi khóc theo những diễn biến tâm lý bất an. Ngoài những biện pháp cứng rắn, nhiều trường hợp đại tá Tươi xuống tận các buồng giam giáo dục, giải thích, chuyện trò, tâm sự với các phạm nhân, phân tích cho họ những điều hay lẽ dỡ và hậu quả của việc chống đối không chỉ đem lại thiệt thòi cho bản thân mà làm khổ tâm thêm cho người thân của họ mỗi khi được phép gặp mặt.

Đối với những CPN bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh nhiễm trùng sinh ra lở loét, lao phổi, zola, nấm miệng, tiêu chảy… ông luôn dành nhiều thời gian quan tâm, nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ y bác sỹ của Trại luôn nêu cao y đức của người thầy thuốc tận tâm với người bệnh, chữa bệnh cứu người.  

Dưới sự chỉ huy của Đại tá Phạm Ngọc Tươi, 5 năm qua (2013-2018), công tác chuyên môn tại Trại tạm giam CATP Hải Phòng ngay cả khi chuyển về Trại mới vẫn bảo đảm đạt chất lượng cao. Tình hình quản lý CPN cơ bản được duy trì ổn định. Số CPN vi phạm được hạn chế ở mức thấp nhất, không có CPN trốn, chết không bình thường, hoặc gây án mới ở trong Trại.

Đáng chú ý, tại Trại hiện không xảy ra việc thông cung, không có CPN sử dụng ma túy và điện thoại, chấm dứt tình trạng gọi-ném vật cấm vào buồng giam. Qua các đợt kiểm tra chất lượng công tác tạm giam, tạm giữ Trại luôn đạt loại tốt, được Tổng Cục VIII Bộ Công an, VKDND Tối cao và thành phố ghi nhận, đánh giá cao.

7 năm liên tục, Trại tạm giam CATP Hải Phòng đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, được tặng thưởng Huân chương chiến công. Riêng cá nhân Đại tá Phạm Ngọc Tươi đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2013 và 2017 được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND” và năm 2015 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.

Đỗ Hiếu

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông